Bốn tác giả của sáng chế này là Nguyễn Văn Binh, Bùi Tiến Công, Nguyễn Thanh Duy và Nguyễn Minh Triết. Các bạn cho biết: "Chiếc móc áo là vật dụng tuy nhỏ bé, đơn giản nhưng lại rất cần thiết trong cuộc sống thường ngày. Vì luôn muốn phòng trọ ngăn nắp nên chúng tôi cảm thấy rất bực mình mỗi khi không còn móc áo để treo quần áo. Khi thực hiện đồ án môn học, chúng tôi nghĩ ngay đến chiếc móc áo, và trong quá trình thiết kế, được sự động viên của thầy hướng dẫn, chúng tôi quyết định làm thử".
Máy được thiết kế trên khung sườn cơ khí với khuôn móc được cố định trên giá đỡ kết hợp dùng xy-lanh điều khiển bằng khí nén. Máy hoạt động dựa vào việc biến các chuyển động tịnh tiến ra vào của xy lanh thành chuyển động quay của khuôn ép làm phôi (là cọng dây bằng thép hoặc nhôm để làm ra móc áo) biến thành hình dạng đã làm sẵn trên khuôn.
Trung bình một giờ, chiếc máy sản xuất được khoảng 250 sản phẩm. |
Người vận hành máy chỉ làm nhiệm vụ cung cấp phôi cho máy. Một đoạn dây nhôm được đưa vào khuôn uốn, ấn nút khởi động, chiếc máy "nuốt" dần đoạn nhôm vào trong và các cánh tay máy lần lượt uốn theo khung đã tạo sẵn. Công đoạn cuối là xoắn và uốn cong phần móc được một cánh tay khác thực hiện nhanh gọn.
Sau hơn 4 tháng miệt mài thử nghiệm, cả nhóm đã chế tạo thành công chiếc máy làm móc áo. Tổng chi phí để làm ra một chiếc máy là khoảng 6 triệu đồng, rẻ hơn gấp đôi, gấp ba so với một chiếc máy nhập khẩu. Chiếc máy này đã phần nào mở ra một hướng đi mới cho các nhà sản xuất móc áo, trong tương lai sản phẩm có thể được đầu tư thêm để đưa ra ứng dụng thực tế.
Qua các lần thử nghiệm, máy hoạt động rất tốt, tuy nhiên, các bạn cần cải thiện một số chi tiết nhỏ để máy hoàn thiện hơn nếu muốn chào bán cho doanh nghiệp. Hiện nay, các loại máy làm móc áo chủ yếu phải nhập từ nước ngoài. Một chiếc máy nhỏ gọn như các bạn chế tạo sẽ rất tiện lợi cho một hộ gia đình dùng làm phương tiện kiếm sống.
Theo Binh, toàn bộ công đoạn làm ra một cái móc áo hoàn chỉnh diễn ra trong chưa đầy 20 giây. Công suất tối đa của máy là khoảng 250 móc áo/giờ, hiệu quả gấp đôi, gấp ba so với phương pháp chế tạo móc áo thủ công. Công suất máy còn có thể nhanh hơn nữa nếu khắc phục được ở khâu cấp phôi.
Binh cho biết: "Vì còn thử nghiệm nên máy vẫn chưa hoàn hảo, khi chạy còn gây tiếng ồn và khâu cấp phôi cho máy vẫn còn làm thủ công. Phôi được cắt bằng tay rồi tuần tự đưa vào khuôn ép nên rất mất thời gian. Đây chính là một hạn chế mà chúng tôi cần phải nghiên cứu để cải thiện. Chỉ cần thiết kế thêm một hệ thống cuộn để máy tự cắt và tự uốn thì công suất sẽ tăng rất nhanh".