Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ nhân 20 năm làm lồng chim giá ngàn đô ở Huế

Cật tre được lựa từ rừng già, xung quanh lồng chạm trổ tuồng tích như một bức tranh hoàn hảo… mỗi chiếc lồng chim có giá từ 3 triệu đến chục triệu đồng.

Người làm ra những chiếc lồng chim tinh xảo ấy là anh Võ Đức Nhân ở làng Mậu Tài (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế ). Xưởng chỉ vỏn vẹn 14m2 nhưng là nơi hun đúc nhiều ý tưởng cách tân của anh. 

Anh Võ Đức Nhân đang hoàn thiện chiếc lồng chim có tên “Mai- Phúc Lộc Thọ” trị giá cả chục triệu đồng.
Anh Võ Đức Nhân đang hoàn thiện chiếc lồng chim có tên “Mai- Phúc Lộc Thọ” trị giá cả chục triệu đồng.
Sinh ra, lớn lên ở vùng quê nắng gió Đại Phong (Lệ Thủy, Quảng Bình), năm 1994 anh Nhân vào Huế học nghề may. Học xong, vì nhà nghèo không đủ tiền sắm máy móc, mở tiệm nên anh đã chuyển sang nghề làm lồng chim, vì nguyên vật liệu để làm lồng đơn giản, dễ tìm, lại ít tốn kém. 

Lúc đầu, Nhân chỉ biết làm những chiếc lồng bình thường như bao người khác (hàng thô). Sau quá trình không ngừng tìm tòi, sáng tạo, anh đã mạnh dạn cách tân để tạo ra sản phẩm là những chiếc lồng quả đẹp về mẫu mã, cách điệu về đường nét, phong phú về chủng loại để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. 

Anh Nhân cho biết: “Lúc đầu mình mua vài chiếc lồng ở TP.HCM, Cần Thơ, Vũng Tàu... về ngắm rồi bắt chước cách làm. Dạo đầu cũng lúng túng vì không có thầy bên cạnh để hỏi, mình vừa làm vừa mày mò nhưng rồi kiên trì, chịu khó bám việc cũng thành công”. 

Công đoạn đầu tiên là chọn tre, cật tre làm lồng phải vừa già, vừa dẻo, nước tre phải sáng bóng. Anh Nhân phải đặt mua tre lấy từ các cánh rừng ở huyện Nam Đông - Thừa Thiên-Huế và ở Lào. Rồi khâu chạm trổ, thể hiện tuồng tích cũng khá nhiều công phu, đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại của người thợ. Các tuồng tích lấy xuất xứ từ sách vở nước ngoài, hoặc tự sáng tạo, hoặc do yêu cầu của khách như: Tam quốc chí, thập bát la hán, chim hoa, tây du ký, mai lư… Mỗi tuồng tích được thể hiện là một công trình nghệ thuật đầy công phu, điêu luyện, gửi gắm cái hồn của nghệ nhân, hàm chứa trí tuệ, sinh lực, cũng như sự lao động khéo léo của người thợ. 

Sản phẩm lồng chim Huế, đặc biệt là loại lồng quả do anh Nhân chế tác có giá dao động từ vài ba triệu đến hàng chục triệu đồng. Khách hàng của anh chủ yếu ở các tỉnh phía nam như Đà Nẵng, Quy Nhơn, Bình Định, Khánh Hòa, TP.HCM...

Không qua môi giới, khách hàng gọi điện, gửi mẫu mà họ yêu thích qua email, anh Nhân nghiên cứu làm và cam kết giao hàng đúng hẹn, đúng mẫu mã. Công việc tưởng chừng quá đỗi bình dị ấy nhưng thực sự đã “quyến rũ”, níu kéo anh bám nghề, giữ nghề trong suốt 20 năm qua

Vài năm gần đây ở nhiều địa phương, phong trào chơi chim cảnh, nhiều quán “cà phê chim” mọc lên nhan nhản từ thành thị đến nông thôn. Khách chơi tìm đến không chỉ để thưởng ngoạn những giọng hót thanh tao, sắc sảo của các loài chim, mà còn có dịp để so sánh, giao lưu, diện kiến những chiếc lồng nghệ thuật, quý phái. 

Chỉ ngần ấy thôi cũng đã hình dung được sức sống, sự phát triển của nghề làm lồng chim đến nhường nào. Đặc biệt, sản phẩm lồng chim Huế do anh Nhân chế tác đã góp mặt đều đặn trong các kỳ Festival Huế, Festival Nghề truyền thống Huế, đã làm “ngơ ngẩn”không ít du khách trong nước, quốc tế khi đến Huế tham quan, chiêm ngưỡng. 

 

http://danviet.vn/kinh-te/gap-nghe-nhan-an-dat-lam-long-chim-gia-ngan-do-o-hue/20140504110121451p1c25.htm

Theo Dân Việt

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm