Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy in 3D: Chân trời rộng mở với nhiều ứng dụng kỳ diệu mới

Máy in 3D đang trở thành công cụ đắc lực trợ giúp các bác sĩ trong việc xử lý các ca phẫu thuật khó.

Ed Smith là bác sĩ chuyên phẫu thuật các ca khó tại Bệnh viện nhi Boston, Mỹ. Ông thường phải xử lý các khối u và mạch máu trong tình trạng phức tạp. Mọi chuyện không hề dễ dàng nhưng Ed Smith đã có một "trợ lý" mới rất đắc lực, đó là máy in 3D.

"Công việc của tôi thực sự phức tạp, một dạng phẫu thuật như kiểu gỡ bom mìn", Ed Smith mô tả. Nhờ có máy in 3D nên việc phẫu thuật của Ed Smith đã nhanh và hiệu quả hơn nhiều.

Trước đây, các bác sĩ thường chụp ảnh não bộ, khối u và những thành phần khác của bệnh nhân rồi in thành ảnh độ phân giải cao để tham chiếu. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của máy in 3D, hiệu quả của quy trình này đã được nâng lên đáng kể.

Các bản in ở dạng 3D giúp Ed Smith nắm rõ vấn đề hơn, quan trọng là ông có thể phẫu thuật thử trên bản in 3D bao nhiêu lần tùy thích. Trong suốt ca phẫu thuật, Ed Smith thường để bản in 3D ngay bên cạnh, giống như một công cụ trực quan mạnh mẽ, giúp giảm đáng kể thời gian phẫu thuật (khoảng 12%).

Việc dùng máy in 3D theo cách riêng của bác sĩ phẫu thuật Ed Smith đã mở ra rất nhiều ứng dụng mới không chỉ trong y học. Trước đây, máy in 3D thường chỉ được dùng để sản xuất (in ấn) thủ công các món đồ lặt vặt như cái cốc, quả bóng…, hợp với các sản phẩm và vật thể ở dạng kiến trúc. Tuy nhiên, tiềm năng của máy in 3D không chỉ dừng lại ở đó.

Từ thời kỳ đầu của ngành in ấn, và cho tới tận bây giờ, máy in cá nhân không được coi là sự thay thế toàn bộ cho cả ngành công nghiệp này. Rất ít người dùng máy in cá nhân để in cả quyển sách hoặc tạp chí. Máy in chỉ đơn thuần trợ giúp cho óc phán đoán và tư duy logic của con người.

Đó chính là cách mà Ed Smith sử dụng máy in 3D theo hướng riêng của ông. Không phải ông in cả não bộ của bệnh nhân, mà mục đích in cũng giống như cách thức chúng ta in email hay tài liệu, đó là một dạng hỗ trợ để nắm được dữ liệu và giải quyết vấn đề.

Từ lâu, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật chụp cắt lớp (CT) và chụp cộng hưởng từ (MRI) để có cái nhìn rõ hơn về khối u. Tuy nhiên, đó chỉ đơn thuần trên hình ảnh. Còn giờ đây, nhờ máy in 3D, các bản mẫu in ra có thể tương tác và sờ nắm được, giúp người dùng có cái nhìn trực quan hơn nhiều. Nhờ đó, các bác sĩ có thể nhanh chóng phát hiện vấn đề, phát triển kỹ năng mới và học được nhiều cái mới.

Đó cũng là lý do tại sao các kiến trúc sư phải xây dựng mô hình tòa nhà, chỉ với mục đích khi quan sát chúng, họ sẽ nảy ra các ý tưởng mới. "Bạn sẽ thấy được mối liên hệ về không gian và ẩn sâu trong đó là những thông tin không thể có trên màn hình", Ed Smith nói về ý nghĩa hỗ trợ của các bản in 3D trong phẫu thuật.

Máy in 3D không chỉ được dùng để in ảnh chụp não bộ như một công cụ trực quan hơn mà nó còn được ứng dụng trong một số lĩnh vực quan trọng khác. Năm ngoái, các nhà du hành vũ trụ của NASA đã dùng máy in 3D để in mô hình hệ thống sao đôi giúp họ hiểu rõ hơn về các cơn gió mặt trời phức tạp. "Chúng tôi đã phát hiện ra nhiều cái mới có ý nghĩa cực kỳ quan trọng", Thomas Madura, nhà khoa học của NASA, cho biết.

Ngoài ra, máy in 3D còn trợ giúp đắc lực cho người khiếm thị bằng các vật thể trực quan mà qua đó những người khiếm thị có thể học hỏi và nắm bắt về thế giới quan xung quanh.

Theo giới chuyên môn, để thực sự khai phá sức mạnh của máy in 3D, công nghệ hiện tại buộc cải thiện hơn nữa. Nếu chỉ sử dụng các "tài liệu vật lý" theo cách chúng ta sử dụng giấy tờ, chẳng hạn đọc lướt qua rồi sau đó quẳng sang một bên, chúng ta sẽ cần vật liệu in tái chế, thậm chí có thể phân hủy được.

Nói chung, ứng dụng máy in 3D còn rất rộng trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, tòa án có thể in bằng chứng pháp lý cho bồi thẩm đoàn. Hoặc bạn có thể in báo cáo doanh số bán hàng không phải ở dạng biểu đồ mà là dạng có thể tương tác được. Máy in 3D không phải là nhà máy sản xuất ra sản phẩm, mà chính là nhà máy sản xuất ra tri thức.

Gia Nguyễn

Bạn có thể quan tâm