Máy bay ném bom Trung Quốc kéo đến sân bay Triều Tiên
Một cuộc diễn tập báo động không kích vừa được tổ chức tại một thành phố Trung Quốc nằm sát biên giới với Triều Tiên, giữa lúc căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Đây là cuộc diễn tập báo động không kích đầu tiên được tổ chức tại thành phố Hồn Xuân, tỉnh Cát Lâm, theo Tân Hoa Xã hôm 12/4.
Cuộc diễn tập kéo dài 30 phút và thành phố này sẽ tổ chức nhiều vụ diễn tập tương tự trong tương lai, theo nhà chức trách.
Máy bay ném bom H-5 đậu tại sân bay gần thành phố Sinuiju của Triều Tiên - Ảnh: Reuters. |
Trong cuộc diễn tập, chuông báo động không kích vang lên hai lần, và các cư dân được sơ tán xuống các hầm trú ẩn, nơi các đội ngũ y tế được triển khai.
Cuộc diễn tập được tiến hành nhằm giúp những người dân bình thường nhận thức tốt hơn những tình huống bất ngờ, giúp họ có thể sơ tán tốt hơn trong các thảm họa và vụ không kích trong tương lai, theo Tân Hoa Xã.
Hôm 11/4, Triều Tiên cũng đã tiến hành cuộc tập trận nhảy dù tại thành phố Sinuiju, giáp thành phố Đan Đông của Trung Quốc, theo Kyodo.
Truyền thông Trung Quốc cũng đăng tải những bức ảnh cho thấy một lượng lớn máy bay ném bom H-5 đậu tại sân bay Uiju gần thành phố Sinuiju.
Căng thẳng đã tăng cao trên bán đảo Triều Tiên, giữa lúc Bình Nhưỡng phản ứng phẫn nộ về các lệnh trừng phạt do Liên Hiệp Quốc áp đặt sau vụ thử hạt nhân vào tháng 2, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong khu vực kể từ khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc vào năm 1953.
Theo tờ South China Morning Post, những động thái khiêu khích gần đây của Bình Nhưỡng đặt Bắc Kinh vào tình thế lưỡng nan. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi các lãnh đạo Trung Quốc hãy không nên tiếp tục nuông chiều Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, trong một bài bình luận hôm 12/4, tờ Thời báo Hoàn cầu tuyên bố việc bỏ rơi Triều Tiên là “ngây thơ” dưới góc độ địa chính trị.
Tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng Trung Quốc thiếu một chiếc lược đáng tin cậy với Bình Nhưỡng và lợi ích của Bình Nhưỡng và Trung Quốc chưa bao giờ trùng nhau. Song tờ báo nói Triều Tiên là một “lá chắn” nhằn hạn chế tác động gây ra bởi chiến lược chuyển trọng tâm đến châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Theo Thanh Niên