Giám đốc điều hành của hãng hàng không Malaysia, ông Ahmad Jauhari, thừa nhận máy bay mất tích chở chất dễ cháy. Tuyên bố này được đưa ra 4 ngày sau khi ông phủ nhận thông tin trên và gần hai tuần sau khi phi cơ biến mất. Trước đó, tại một cuộc họp báo, nhiều người đặt câu hỏi liệu máy bay có chở chất nguy hiểm không, ông Ahmad trả lời: “Máy bay chở 3 đến 4 tấn măng cụt đến Trung Quốc”.
Máy bay Boeing 777-200 của Malaysia Airlines. Ảnh: Mirror. |
Ông Ahmad nói rằng các nhà chức trách đang điều tra về kho chở hàng của máy bay nhưng không nói rằng pin có thể gây nguy hiểm.
Thông tin này khiến nhiều người đặt giả thiết chiếc máy bay Boeing 777-200 đã cháy, thành viên phi hành đoàn và hành khách bất tỉnh vì hít phải khí độc.
Pin Lithium-ion mà CEO của hãng hàng không Malaysia Airlines thừa nhận có trên máy bay được sử dụng trong điện thoại di động và máy tính xách tay. Vật thể này từng là nguyên nhân của nhiều vụ cháy trên phi cơ và khiến máy bay đâm trong những năm gần đây.
Theo trang tin tức Malaysiakini của Malaysia, pin lithium-ion trên khoang hàng hoặc hành lý đã gây ra 140 sự cố kể từ tháng 3/1991 đến tháng 2 năm nay. Trong một số trường hợp hiếm hoi, máy bay có thể bị phá hủy vì lửa bén từ pin.
Một máy bay của Mỹ từng gặp nạn vì sự cố này. Chuyến bay số 6 của hãng hàng không UPS, Mỹ đâm khi đang cố tiếp đất trong hành trình từ Dubai đến Cologne, Đức hồi tháng 9/2010 vì chở pin.
Trong khi đó, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết ngày 22/3, sau gần hai tuần tìm kiếm phi cơ mất tích trong vô vọng, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia - Hishammuddin Hussein đã đề nghị Mỹ xem xét cung cấp trang thiết bị do thám dưới biển để tìm MH370.
Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đảm bảo rằng ông sẽ xem xét các công nghệ dưới biển của quân đội sẵn có và hữu dụng dùng vào nhiệm vụ tìm kiếm này, đồng thời sẽ thông báo cho chính phủ Malaysia trong thời gian sớm nhất.
Giới chức Mỹ không tiết lộ những thiết bị cụ thể mà Lầu Năm Góc sẽ cung cấp nhưng quân đội Mỹ lâu nay đầu tư mạnh vào công nghệ robot cho việc do thám dưới lòng biển để chống tàu ngầm, hoặc ngư lôi của đối phương.
Hải quân Mỹ có rất nhiều hệ thống định vị thủy âm chủ động lẫn thụ động. Một vài số thiết bị phát ra tiếng "ping" dưới biển và kiểm tra những âm thanh vọng lại trong khi số khác dò âm như một thiết bị chuyển đổi âm thanh sang tín hiệu điện tử.
Mỹ từng gửi Towed Pinger Locator, một hệ thống định vị được kéo sau tàu, đi tìm hộp đen của chiếc máy bay Air France rơi xuống Đại Tây Dương tháng 6/2009.