Những hình ảnh về chiếc Antonov AN-225 - máy bay lớn nhất thế giới - bị phá hủy do xung đột ở Ukraine đã để lại không ít sự tiếc nuối cho mọi người.
Được chế tạo vào những năm 1980 để chở tàu con thoi của Liên Xô, nhưng sau Chiến tranh Lạnh, chiếc máy bay này “ra đời lần thứ hai” với tư cách là phương tiện vận chuyển hàng hóa lớn nhất thế giới, đạt nhiều kỷ lục, trước khi bị phá hủy vào cuối tháng 2 tại sân bay Hostomel gần Kyiv, theo CNN.
"Giấc mơ sẽ không bao giờ chết", công ty Antonov viết trên Twitter, nhắc đến biệt danh "Mriya" của chiếc máy bay, có nghĩa là giấc mơ.
Nhưng liệu AN-225 có thể bay trở lại? Trả lời câu hỏi đó trước hết cần đánh giá mức độ thiệt hại của máy bay.
Phóng viên Vasco Cotovio của CNN đã nhìn thấy đống đổ nát khi ông đến thăm sân bay Hostomel vào đầu tháng 4, cùng với các nhà báo CNN khác và Cảnh sát Quốc gia Ukraine.
"Phần mũi của chiếc máy bay đã bị phá hủy hoàn toàn, có vẻ như do trúng pháo trực diện. Thêm vào đó, cánh và một số động cơ bị hư hại nghiêm trọng. Phần cuối đuôi không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ tác động lớn nào và có một vài lỗ thủng do mảnh bom hoặc đạn gây ra”, Cotovio mô tả.
Antonov AN-225 - còn được gọi là Mriya - bị hư hại do pháo kích ở sân bay Hostomel, Ukraine. Ảnh: Reuters. |
Không thể sửa chữa
Andrii Sovenko, một kỹ sư - chuyên gia hàng không ở Kyiv đã làm việc cho Antonov từ năm 1987 và đã bay trên chiếc AN-225 như một phần của đoàn kỹ thuật, đã lập một danh sách chi tiết về thiệt hại, bằng cách xem xét một số lượng lớn video và hình ảnh về đống đổ nát (nhân viên Antonov chưa được phép trở lại Hostomel do lo ngại về an toàn).
Ông xác nhận phần trung tâm của thân và phần mũi của máy bay - bao gồm buồng lái và các khoang nghỉ của phi công và nhân viên - đã bị phá hủy. Các hệ thống và thiết bị trên máy bay chịu thiệt hại nghiêm trọng.
“Việc khôi phục chúng là khó nhất. Điều này là do hầu hết hệ thống điện, máy bơm và bộ lọc được sử dụng trên AN-225 đều có từ những năm 1980. Chúng không còn được sản xuất nữa, vì vậy không chắc rằng chúng có thể được khôi phục lại chính xác như cũ”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, các bộ phận của hệ thống cánh máy bay, như cánh tà và cánh quạt, dường như chỉ bị hư hại nhẹ và chúng có thể được sửa chữa. Hầu hết 6 động cơ dường như còn nguyên vẹn, và toàn bộ phần đuôi của máy bay chỉ bị hư hại bề ngoài.
Dẫu vậy, ông Sovenko khẳng định rằng việc khôi phục hoạt động cho chiếc máy bay là điều không thể.
"Không thể nói về việc sửa chữa hoặc phục hồi chiếc máy bay này. Chúng ta chỉ có thể chế tạo một chiếc Mriya khác, sử dụng các bộ phận riêng lẻ chưa hư hại nặng từ chiếc máy bay đã bị phá hủy, kết hợp chúng với những bộ phận đã có từ những năm 1980, vốn nằm trong kế hoạch chế tạo một chiếc AN-225 khác nhưng đã bị dừng lại”.
Ông đề cập đến khung máy bay AN-225 thứ hai mà Antonov đã bảo quản cho đến nay trong một xưởng lớn ở Kyiv, là một phần trong kế hoạch ban đầu nhằm chế tạo hai chiếc AN-225.
"Đó là một thân máy bay đã hoàn thiện, với phần lõi đã được lắp đặt xong, cũng như cấu trúc chịu tải của cánh và bộ phận đuôi. Nói cách khác, đó gần như là một khung máy bay hoàn chỉnh. Theo tôi biết, nó trên thực tế không bị hư hại gì trong cuộc pháo kích của Nga vào nhà máy”, ông Sovenko cho hay.
Mriya trước khi bị phá hủy. Ảnh: AFP. |
Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý sẽ không thể chế tạo ra được chiếc máy bay giống hệt Mriya vì hai trở ngại: Làm thế nào để các bộ phận mới và cũ hoạt động phối hợp được với nhau; và thực hiện lại toàn bộ thử nghiệm để đạt các chứng nhận về khả năng bay của nó cũng như khả năng tuân thủ các quy định hiện hành.
Ông Sovenko cũng tin rằng đây không phải ý tưởng hay và nói: “Thật vô nghĩa khi chế tạo một chiếc máy bay ngày nay với thiết kế đã 40 năm tuổi”.
AN-225 chưa bao giờ được thiết kế để chở hàng hóa thương mại, nhưng nó đã được điều chỉnh cho phù hợp với công việc này thông qua các sửa đổi do Antonov thực hiện vào cuối những năm 1990.
Nhiều hệ thống của AN-225 đã được cập nhật trong những năm qua và thay thế công nghệ cũ của Liên Xô bằng các thiết bị tương đương hiện đại của Ukraine. Trong khi đó, để đạt được các chứng nhận đầy đủ sẽ đòi hỏi thời gian và tăng chi phí.
Mất khoảng bao nhiêu tiền để tái tạo chiếc máy bay?
Việc tạo nên một chiếc Myria thứ hai sẽ không hề rẻ, nhưng rất khó để xác định chính xác chi phí của nó. Ukrinform, hãng thông tấn quốc gia của Ukraine, đã tuyên bố rằng chi phí này sẽ là 3 tỷ USD, cách biệt lớn so với mức 350 triệu USD mà Antonov ước tính hồi năm 2018 cho việc hoàn thành khung máy bay thứ hai.
Các chuyên gia cũng cho rằng mức phí mà Ukrinform đề cập là quá cao.
“Chi phí sẽ phụ thuộc vào mức độ hư hỏng của các bộ phận còn sót lại của máy bay, cũng như số lượng sửa đổi và số lượng thiết bị mới. Một phần lớn chi phí sẽ phụ thuộc vào lượng thử nghiệm để đạt được các chứng nhận cần thiết. Nhưng trong mọi trường hợp, chúng tôi có thể đoán rằng số tiền cuối cùng sẽ là hàng trăm triệu USD chứ không phải hàng tỷ", ông Sovenko nói.
Việc sản xuất một chiếc Antonov AN-225 thứ hai đã được bắt đầu vào năm 1989, nhưng sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, nó đã không bao giờ được hoàn thành. Ảnh: Pavlo Fedykovych. |
Richard Aboulafia, một nhà phân tích hàng không tại Aerodynamic Advisory, đồng ý: "Chi phí phụ thuộc vào việc liệu chiếc máy bay sẽ chỉ là một nguyên mẫu, hay sẽ phục vụ thương mại với đầy đủ chứng nhận. Khoảng 500 triệu USD là mức phí hợp lý hơn 3 tỷ USD, thậm chí với chứng nhận".
Vấn đề được đặt ra là ai sẽ trả tiền. "Thực sự không có nhiều ứng dụng thương mại cho chiếc máy bay này", Aboulafia nói.
Nếu Antonov muốn tái tạo lại chiếc máy bay, công ty này sẽ là đơn vị chi trả các khoản phí. Tuy nhiên, công ty đã chịu thiệt hại lớn do bị phá hủy một số máy bay và cơ sở vật chất khác.
"Tôi là một người lạc quan. Tôi chân thành và sâu sắc mong muốn rằng máy bay Antonov sẽ tiếp tục bay trên bầu trời trong tương lai, nhưng tôi cũng là một người theo chủ nghĩa thực tế. Tôi hoàn toàn hiểu rằng chi phí cần thiết để chế tạo chiếc Mriya thứ hai sẽ phải tương quan với khả năng tài chính của Antonov sau cuộc chiến, cũng như với thu nhập dự kiến từ hoạt động của chiếc máy bay này", Sovenko nói.