Máy bay không người lái 'thổi bùng' chạy đua vũ trang toàn cầu
Không còn là vũ khí độc quyền của Mỹ, từ hơn một thập niên trở lại đây, máy bay không người lái góp mặt ở hơn 70 quốc gia, dù chỉ phần nhỏ trong số đó có khả năng vũ trang.
Những năm gần đây, phi đội máy bay không người lái của Mỹ liên tiếp tạo ra những chiến công vang dội, song hành với nỗi khiếp sợ trên khắp các chiến trường cũng như đạt được hàng loạt bước tiến dài về công nghệ. Được nghiên cứu và phát triển từ hơn một thập kỷ trước, máy bay không người lái Mỹ nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong quân đội Mỹ, nâng cao khả năng chiến đấu của các lực lượng, đồng thời giảm thiểu tối đa thương vong về người.
Máy bay không người lái Global Hawk của Mỹ. |
Khi Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush phát động cuộc chiến chống khủng bố 11 năm trước đây, Lầu Năm Góc đã sở hữu ít nhất 50 máy bay không người lái. Hơn một thập niên sau đó, Washington đang nắm trong tay đội ngũ hùng hậu 7.500 chiếc phi cơ điều khiển từ xa mà không ít trong số đó có khả năng tấn công mục tiêu, tiêu diệt kẻ thù hay do thám hàng chục giờ trên bầu trời đối phương. Đặc biệt, Mỹ đã thành công khi áp dụng công nghệ không người lái vào những chiếc chiến đấu cơ phản lực F-16 lừng danh, biến chúng thành những kẻ tấn công dũng mãnh.
Nhìn thấy được những thành công mà Mỹ đã, đang và sẽ sở hữu, một cuộc chạy đua vũ trang mang tính toàn cầu xung quanh việc sở hữu những phi đội máy bay không người lái thông minh đang bùng phát khắp 5 châu. Cuối tháng trước, Trung Quốc tuyên bố sẽ sử dụng máy bay không người lái để giám sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
Trước đó, tháng 11/2010, Bắc Kinh bất ngờ tung ra mô hình 25 loại máy bay không người lái đang được nước này nghiên cứu sản xuất, tại Triển lãm hàng không Zhuhai. Trong số đó, có nhiều mẫu máy bay được thiết kế để trang bị tên lửa hoặc vũ khí đảm trách nhiệm vụ tấn công.
Trong khi đó, tháng 8/2010, Iran đã tiết lộ chương trình máy bay không người lái đầu tiên của quốc gia này. Theo tướng Amir Ali Hajizadeh, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Iran tuyên bố, máy bay không người lái vũ trang của nước này có thể hoạt động trong phạm vi 2.000 km, đủ khả năng đặt Tel Aviv của Israel dưới tầm tấn công.
Máy bay không người lái vũ trang Predator. |
Khi máy bay không người lái tấn công của Trung Quốc và Iran vẫn nằm trong kế hoạch thì Israel và Anh lần lượt đưa máy bay không người lái của mình tới sát cánh cùng các phi đội của Mỹ nhằm thực hiện nhiệm vụ tấn công ở Afghanistan, Pakistan…. Những vụ tấn công liên tiếp nhằm vào các phần tử bị tình nghi là khủng bố ở các khu vực hẻo lánh Pakistan trở thành nỗi khiếp sợ của lực lượng nổi dậy. Tuy nhiên, không ít lần máy bay không người lái bắn nhầm binh sĩ Pakistan, gây ra cho Mỹ và đồng minh những rắc rối ngoại giao không nhỏ.
Trong khi đó, chính quyền Pakistan cũng đang nỗ lực đàm phán để mua lại loại máy bay không người lái vũ trang Predator của Mỹ nhằm đối trọng với Ấn Độ khi quốc gia này sở hữu lại máy bay không người lái vũ trang do Israel cung cấp, có khả năng tìm và diệt hệ thống radar của đối phương.
Trên thực tế, tập đoàn General Atomics trụ sở tại Mỹ đã nhận được giấy phép xuất khẩu các phiên bản máy bay không người lái chưa vũ trang cho hàng loạt các quốc gia là Saudi Arabia, Ai Cập, Morocco và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Tháng 3 vừa qua, Chính phủ Mỹ tiếp tục xuất khẩu 6 máy bay không người lái Reaper cho Chính phủ Italy trong khi từ chối xuất khẩu loại máy bay không người lái vũ trang Predator cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy không thỏa thuận được hợp đồng nhập khẩu máy bay của Mỹ nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không chịu từ bỏ tham vọng sở hữu máy bay không người lái. Theo đó, một quan chức cấp cao trong Bộ quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hồi tháng 7, nước này đang lên kế hoạch trang bị loại máy bay không người lái của riêng mình với tên gọi Anka.
Trong khi đó, Thụy Điển, Hy Lạp, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha, Italy và Pháp cũng đang hoàn tất những bước cuối cùng trong quá trình phát triển nguyên mẫu máy bay không người lái đầu tiên mang thương hiệu châu Âu. Theo kế hoạch, chiếc máy bay không người lái tấn công tàng hình có tên Dassault nEURon sẽ góp mặt đầu tiên trong không quân Pháp.
Không chịu kém cạnh, nước Nga, cường quốc vũ khí hàng đầu thế giới cũng đang phát triển loại máy bay không người lái của riêng mình. Thậm chí, nhiều nguồn tin cho rằng Moscow đang nắm giữ công nghệ đặc biệt, đủ khả năng cướp quyền kiểm soát các loại máy bay không người lái đi vào tầm hoạt động của các thiết bị này. Vụ việc chiếc RQ-170 Sentinel của Mỹ bị “bắt sống” sau khi xâm phạm không phận Iran hồi cuối năm ngoái khiến cho những đồn thổi này càng trở nên có cơ sở.
Kẻ săn người MQ-9 Reaper. |
Không chỉ các quốc gia hùng mạnh sở hữu máy bay không người lái, sự phổ dụng của loại thiết bị này lan mạnh tới mức từng cá nhân có thể đặt mua những chiếc máy bay không người lái mini trên trang mua bán trực tuyến Amazon với giá 250 USD. Nếu người mua ở Mỹ, chỉ với 3.99 USD trả thêm, chiếc máy bay đó sẽ đến với người có nhu cầu ngay ngày hôm sau nhờ dịch vụ chuyển hàng tận nơi.
Việc phổ dụng máy bay không người lái thực sự mang lại những lợi ích to lớn cho quân đội các nước. Ngoài ra, ngành công nghiệp chế tạo máy bay không người lái còn mang lại những khoản lợi nhuận khổng lồ cho các tập đoàn nghiên cứu chế tạo. Theo dự đoán, thị trường mua bán máy bay không người lái trong thập niên tiếp theo sẽ đạt mức 11,4 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với mức 6,6 tỷ USD hiện nay.
Ngoài ra, những công nghệ áp dụng cho máy bay không người lái đang ngày càng tinh vi và hiện đại hơn. Không ngoại trừ khả năng, công nghệ hạt nhân sẽ được áp dụng để tăng thời gian hoạt động cũng như khả năng chiến đấu cho những chiếc phi cơ loại này. Tuy nhiên, chúng gây ra những quan ngại sâu sắc khi khi loại vũ khí tối tân này lọt vào tay những băng nhóm buôn bán ma túy hay các tổ chức khủng bố cực đoan. Trong trường hợp đó, máy bay không người lái sẽ vô tình trở thành phương tiện khủng bố chống lại loại người, reo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp toàn cầu.
Trịnh Duy
Theo Infonet