Vụ không kích rạng sáng 17/5 làm rung chuyển thành phố với nhiều tiếng nổ kéo dài từ bắc đến nam Gaza. Cuộc tấn công diễn ra trong khoảng thời gian 10 phút, theo AP.
Đây là hoạt động quân sự mới nhất của Israel tại Gaza, được tiến hành trên khu vực rộng hơn với thời gian kéo dài hơn cuộc không kích nghiêm trọng một ngày trước đó.
Hôm 16/5, quân đội Israel tổ chức cuộc tấn công quy mô lớn tại thành phố Gaza lúc 1h sáng. Trong khoảng 5 phút, cuộc tấn công đã khiến ba tòa nhà bị san phẳng và 42 người Palestine thiệt mạng.
Vụ tấn công nghiêm trọng của quân đội Israel vào Gaza ngày 16/5 khiến 42 người thiệt mạng. Ảnh: Washington Post. |
Đó cũng là con số thương vong lớn nhất từng được ghi nhận trong các vụ "ăn miếng trả miếng" giữa Israel và Hamas.
Vụ không kích đã chôn vùi bác sĩ Ayman Abu Al-Ouf cùng bốn thành viên gia đình ông trong đống đổ nát. Ông là thành viên cấp cao của ủy ban kiểm soát virus corona của bệnh viện Shifa. Sự ra đi của ông là tổn thất lớn đối với công tác phòng chống Covid-19 ở Palestine.
Chỉ vài giờ trước khi cuộc tấn công rạng sáng ngày 17/5 diễn ra, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố các cuộc tấn công của Israel sẽ tiếp tục ở mức độ "toàn lực".
Israel muốn nhóm chiến binh Hamas phải "trả một cái giá đắt", ông Netanyahu nói.
Ở chiều ngược lại, Hamas cũng gây sức ép bằng cách phóng nhiều tên lửa từ Gaza về phía các khu vực dân sự ở Israel.
Khung cảnh hoang tàn sau các vụ không kích của hai bên. Ảnh: Reuters. |
Sau khoảng 3.100 vụ không kích, Hamas đã khiến 8 người Israel thiệt mạng, trong đó có một cậu bé 5 tuổi và một binh lính Israel.
Trong khi đó, cuộc tấn công của Israel đã làm chết tổng cộng 188 người Palestine, trong đó có 55 trẻ em và 33 phụ nữ. Số người bị thương là 1.230 trường hợp.
Bên cạnh đó, Lực lượng Hamas và nhóm Thánh chiến Hồi giáo đã thừa nhận có 20 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc giao tranh.
Dù vậy, Israel nói rằng con số thực tế cao hơn rất nhiều. Nước này đã công bố tên và ảnh của hơn hai mươi tay súng đã “bị loại bỏ”. Quân đội Israel cũng cho biết họ đã phá hủy nơi ở của lãnh đạo hàng đầu Hamas, Yahiyeh Sinwar, ở thị trấn phía nam Khan Younis.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, cuộc xung đột giữa hai bên còn ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 34.000 người Palestine. Những cư dân này đã phải rời khỏi nơi ở để bảo toàn mạng sống trước các đợt giao tranh khốc liệt.