Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Máy bay huấn luyện 'nhảy cóc' trên đường băng trước khi gặp nạn

Tai nạn xảy ra tại sân bay Chu Lai do học viên phi công chưa thuần thục thao tác hạ cánh. Máy bay bị nghiêng sang trái và trượt khỏi đường băng sau nỗ lực cất cánh trở lại.

Gần 4 tháng sau vụ tai nạn trong quá trình huấn luyện phi công tại sân bay Chu Lai (Quảng Nam), Cục Hàng không đã có báo cáo gửi Bộ GTVT về nguyên nhân khiến máy bay huấn luyện lao khỏi đường băng và hư hỏng nặng.

Báo cáo của Cục Hàng không cũng cho biết học viên bay là nam giới người Việt, 23 tuổi, đã trải qua 21 giờ 40 phút bay, trong đó có 21 giờ 30 phút bay cùng giáo viên và 30 phút bay đơn. Thời điểm xảy ra tai nạn, học viên đang thực hiện bay đơn (không có giáo viên bay kèm).

Tai nan huan luyen bay anh 1

Quá trình trượt về bên trái và lao khỏi đường băng của máy bay huấn luyện. Ảnh: CAA.

Từ kết quả điều tra, Cục Hàng không đánh giá trong lần hạ cánh thứ 2, máy bay tiếp cận không ổn định, để xảy ra hiện tượng nhảy cóc (bouncing landing) trên đường băng.

Học viên bay khi đó quyết định hủy hạ cánh và cất cánh lại (go around) bằng cách đẩy cần ga lên vị trí công suất tối đa. Máy bay lúc này có xu hướng lệch sang trái do các yếu tố vật lý khi máy bay tăng công suất tối đa ở tốc độ thấp.

Kỹ thuật điều khiển máy bay của học viên chưa thuần thục, học viên đạp bàn đạp cánh lái (rudder) trái cùng lúc với đẩy cần công suất lên tối đa, máy bay lại càng bị trượt thêm về bên trái, cánh trái máy bay bị quệt xuống đường băng. Máy bay tiếp tục lăn về hướng trái, xông khỏi đường băng và dừng lại khi ma sát với bãi cỏ và công suất máy bay giảm dần.

Về nguyên nhân trực tiếp để xảy ra tai nạn, Cục Hàng không cho biết học viên bay thực hiện kỹ thuật không đúng. Học viên tập trung vào xử lý máy bay bị nhảy cóc khi tiếp đất, xử lý nhiều thao tác cùng lúc nên đã không thực hiện chống yếu tố chống momen do cánh quạt máy bay tạo ra.

Tai nan huan luyen bay anh 2

Máy bay huấn luyện bị hư hỏng sau tai nạn tại Chu Lai. Ảnh: CAA.

Nhà chức trách hàng không đánh giá nguyên nhân gián tiếp là học viên chưa đủ năng lực để thực hiện kỹ thuật bay lại. Hồ sơ huấn luyện thực hành bay lại 4 lần đều chưa đạt năng lực và đều có nhận xét cần khắc phục.

Học viên chưa được huấn luyện đầy đủ kỹ năng xử lý bay lại ở các độ cao khác nhau, đặc biệt khi bay lại ở độ cao thấp hoặc khi máy bay chạm đường băng.

Về phía Trường hàng không New Zealand, các quy trình thực hiện các bài huấn luyện của trường này chưa được tiêu chuẩn hóa đầy đủ trong tài liệu huấn luyện, khai thác tiêu chuẩn (SOP).

Sau vụ việc, Cục Hàng không khuyến cáo Trường hàng không New Zealand phải xây dựng quy trình đánh giá hồ sơ huấn luyện của học viên để đảm bảo đạt yêu cầu tất cả các kỹ thuật bay trong quá trình huấn luyện trước khi thả bay đơn. Nhà chức trách hàng không sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát công tác khắc phục của Trường hàng không New Zealand.

Sáng 12/1, chuyến bay huấn luyện bằng máy bay Diamond DA20-C1 tại sân bay Chu Lai vừa tiếp đất thì bị trượt sang trái và xông ra lề cỏ cạnh đường băng. Học viên bay đã tự thoát khỏi máy bay, không bị thương. Còn máy bay bị hỏng hoàn toàn và không thể sửa chữa, khắc phục.

Cục Hàng không đánh giá đây là tai nạn máy bay (mức A) trong hoạt động huấn luyện đối với máy bay dưới 2,5 tấn.

Máy bay bị móp vỏ vẫn cất cánh từ TP.HCM đi Phú Quốc

Máy bay của Vietnam Airlines bị hư hỏng phần thân vỏ trong quá trình bảo dưỡng. Nhân viên kỹ thuật và phi công không phát hiện, vẫn cho chuyến bay cất cánh.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm