X-56A có thể tạo ra cuộc cách mạng trong thiết kế máy bay. Ảnh: NASA |
Những máy bay khi đạt tốc độ siêu âm thường tạo ra tiếng ồn rất lớn do áp lực không khí qua cánh chính. Mỹ từng cấm bay đối với phi cơ chở khách siêu âm Concorde. Theo Daily Mail, để giải quyết vấn đề này, các kỹ sư của tập đoàn Lockheed Martin, Mỹ đang phát triển dự án máy bay không người lái (UAV) X-56A với nhiều tính năng đặc biệt.
Điểm độc đáo trong thiết kế của UAV này là đôi cánh có thể uốn lượn nhằm giảm tiếng ồn khi đạt tốc độ siêu âm. X-56A có biệt danh Buckeye (Cây dẻ ngựa). Nhiệm vụ chính của UAV là thử nghiệm công nghệ “aeroservoelastic”, hay công nghệ điều khiển máy bay thích ứng với rung động trong quá trình bay.
X-56 có sải cánh mỏng dài 8,5 m, chiều dài 2,2 m, trọng lượng 217,7 kg. Người ta trang bị cho UAV hai động cơ phản lực nhỏ P400. Sải cánh dài và mỏng có ưu điểm giúp giảm trọng lượng, tiết kiệm nhiên liệu giúp phi cơ bay xa hơn. Tuy nhiên, cánh mỏng dễ gãy do những rung động khi bay.
Do đó, các kỹ sư phải thiết kế cánh máy bay ngắn và cứng để chịu được rung động khi hoạt động. Tuy nhiên, nhược điểm của giải pháp này là tiếng ồn rất lớn khi bay ở tốc độ siêu âm. Chris J. Miller, kỹ sư của dự án cho biết, X-56 đang bay thử nghiệm với cánh cứng thông thường, nhưng về sau sẽ áp dụng đôi cánh nhẹ và linh hoạt.
Miller cho biết thêm, X-56A cần khoảng 6 tháng để chuẩn bị cho chuyến bay với cánh mềm dự kiến diễn ra đầu năm 2016. Hiện tại, chương trình X-56A thử nghiệm ở tốc độ dưới âm với quy mô nhỏ, nhưng các kỹ sư tin rằng, phi cơ bay nhanh hơn tốc độ âm thanh có thể hưởng lợi từ kết quả nghiên cứu.
Những kiến thức thu được về rung động và chống rung sẽ được ứng dụng trong chương trình phát triển máy bay siêu âm X-54. Phi cơ này được thiết kế cho mục đích vận tải thương mại ở tốc độ siêu âm mà không tạo ra nhiều tiếng ồn.