Máy ảnh kép xuất hiện từ năm 2011 trên chiếc HTC Evo 3D, mẫu điện thoại đáng chú ý đầu tiên có khả năng quay 3D. Tuy nhiên, phải đến 2016 nó mới nở rộ trên các smartphone phổ thông.
Mỗi nhà sản xuất có một ý tưởng khác nhau về cơ chế hoạt động của máy ảnh kép trên thiết bị của mình.
Apple
Để hiểu rõ về công nghệ trên máy ảnh kép, hãy bắt đầu với chiếc iPhone 7+, mẫu điện thoại lừng danh trang bị công nghệ này. Ra mắt năm ngoái, chiếc flagship của Apple sở hữu tính năng khác biệt so với phiên bản màn hình nhỏ, đó là hai máy ảnh phía sau.
Máy ảnh kép của iPhone 7+. Ảnh: Phonearena |
Với thiết bị này, Apple đã giải bài toán nhỏ nhưng vô cùng quan trọng với điện thoại thông minh, đó là thiếu khả năng zoom quang học. Zoom kỹ thuật số vẫn được sử dụng nhưng nó khiến những bức ảnh trở nên xấu xí và khó nhìn.
Máy ảnh của iPhone 7+ đã giải quyết vấn đề này một cách khôn ngoan và khéo léo. Hai máy ảnh trên iPhone 7+ có thể chuyển đổi cho nhau một cách dễ dàng, giúp người sử dụng có thể chụp được những bức ảnh đẹp ở cả khoảng cách xa và gần.
Dù giải pháp này nghe có vẻ thủ công nhưng hiệu quả nó mang lại được đánh giá là kỳ diệu. Người dùng dường như khó nhận thấy sự chuyển đổi giữa hai chiếc máy ảnh khi sử dụng để chụp hình.
Tuy nhiên, tác động phụ của việc trang bị máy ảnh kép là hai camera có tiêu cự khác nhau. Cái khó ló cái khôn, Apple đã khéo léo tích hợp chúng để tạo ra những bức ảnh chân dung đẹp, với khả năng xóa phông ưu việt.
Ảnh chụp chân dung của iPhone 7. Ảnh: Phonearena |
Về cơ bản, máy ảnh của iPhone hoạt động theo phương thức sau: Hình ảnh hai camera ghi lại sẽ được ghép với nhau với đối tượng tiền cảnh là điểm duy nhất được lấy nét. Cách thức này khiến bức ảnh được xóa phông. Tuy không thể so với các máy ảnh chuyên dụng nhưng khả năng của iPhone 7 vượt xa các ứng dụng giả lập thông thường.
LG
Trước khi Apple có iPhone 7+, LG đã phát triển tính năng tương tự trên LG G5 dù ít người biết tới điều đó. G5 thất bại nhưng LG không từ bỏ camera kép trên G6.
So sánh với cách tiếp cận của Apple, LG sử dụng máy ảnh kép theo cách gần như trái ngược. Một trong 2 camera của LG trang bị ống kính góc rộng, cho phép chụp những bức ảnh rộng hơn, thích hợp cho chụp phong cảnh.
Huawei
Máy ảnh kép cũng được trang bị trên các smartphone hàng đầu của Huawei, trong đó có mẫu P10 vừa ra mắt.
Xét trên phương diện kỹ thuật, cách làm của Huawei là phức tạp nhất so với các đối thủ. Huawei trang bị hai bộ cảm biến riêng biệt cho 2 máy ảnh, một trong số đó chụp ảnh đen trắng.
Theo lý thuyết, điều này giúp máy ảnh nhạy hơn với ánh sáng và chụp hình tốt hơn trong điều kiện ánh sáng yếu.
Máy ảnh kép của Huawei P9. Ảnh: Softpedia News |
Ngoài ra, người dùng có thể chụp được những bức ảnh đơn sắc chất lượng cao. Tuy nhiên, khiếm khuyết của mẫu P9 và có thể cả P10 là khả năng quay video kém dù ảnh chụp chất lượng vẫn tốt.
Huawei cũng không phải công ty duy nhất sử dụng cách tiếp cận này. Tháng 9 năm ngoái, Qualcomm ra mắt công nghệ Clear Sight tương tự như của Huawei. Các nhà sản xuất khác, trong đó có Xiaomi, đã áp dụng công nghệ này cho chiếc Mi 5s Plus vào năm ngoái trong khi nhiều hãng khác cũng đang tiếp bước.
Quá khứ, hiện tại và tương lai
Cách tiếp cận phổ biến hơn với máy ảnh kép vẫn đang được các nhà sản xuất tìm kiếm.
Chẳng hạn, Oppo gần đây ra mắt công nghệ mới nhất về máy ảnh mà họ gọi là 5x. Công nghệ này cho phép cảm biến được gắn vào ống kính tele ẩn bên dưới khung thiết bị, giúp người dùng có thể phóng đại quang học lên tới 5 lần.
Nếu hoạt động hoàn hảo, công nghệ này tốt hơn nhiều so với những gì đang được sử dụng. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thấy Oppo đưa ý tưởng của mình vào sản phẩm thực sự - điều nhiều người đang ngóng chờ.
Một công nghệ tương lai khác là nền tảng Tango của Google. Tango đòi hỏi ba hoặc nhiều cảm biến cùng hoạt động trên một thiết bị. Chúng sẽ kết hợp cùng nhau để tạo ra một bức ảnh duy nhất.
Nền tảng này là sự hứa hẹn lớn dù chưa một sản phẩm hoàn chỉnh nào được tạo ra.