Theo Bloomberg, trong một thời gian dài, Australia hưởng lợi từ việc duy trì mối quan hệ đồng minh vững vàng với Mỹ và quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền Canberra đang dần trở nên cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Giới chuyên gia nhận định chính sách "Nước Mỹ trước hết" của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạo ra khoảng trống tại châu Á - Thái Bình Dương, buộc Australia phải thể hiện lập trường rõ ràng hơn với Trung Quốc bất chấp nguy cơ bị trả đũa.
“Australia chỉ có lợi trong một khu vực đa cực, thay vì bị kiểm soát bởi Trung Quốc”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Richard Maude, cựu cố vấn chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Văn phòng Thủ tướng Australia.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Australia Scott Morrison. Ảnh: Getty Images. |
Bắc Kinh dọa điều tra chống phá giá hàng Australia
Tháng trước, chính quyền Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus corona chủng mới. Phản ứng lại, Bắc Kinh cho rằng Canberra bị Tổng thống Trump chi phối và đe dọa rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tẩy chay hàng nhập khẩu từ Australia.
Tuần trước, Trung Quốc cảnh báo một cuộc điều tra chống bán phá giá nhắm vào lúa mạch nhập khẩu từ Australia có thể dẫn tới mức thuế trừng phạt 80%. Bắc Kinh cũng đình chỉ nhập khẩu thịt từ 4 nhà máy chế biến ở Australia vì "vấn đề kỹ thuật”.
Trung Quốc tuyên bố đây không phải là động thái phản ứng lời kêu gọi điều tra nguồn gốc virus corona. Tuy nhiên, chính quyền Canberra mô tả lời đe dọa tẩy chay hàng xuất khẩu là "hành vi cưỡng bức kinh tế" của Bắc Kinh.
Trên thực tế, nền kinh tế Australia phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu từ Australia sang Trung Quốc đạt gần 120 tỷ USD năm 2019, cao gấp 2,5 lần xuất khẩu sang Nhật Bản (đối tác thương mại lớn thứ hai của Australia) và gần 20 lần xuất khẩu sang Mỹ.
Quầy thịt bò Australia tại một siêu thị ở Hàng Châu, Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Australia là một trong số ít các quốc gia duy trì thặng dư thương mại với Trung Quốc, lên tới 61 tỷ USD, gấp đôi tổng giá trị thương mại với Mỹ.
Sự phụ thuộc kinh tế sâu sắc này đã gây nhiều lo ngại tại Australia. Hàng loạt quan chức và chuyên gia nước này kêu gọi đa dạng hóa thương mại. Thời gian qua, Australia đã đàm phán với Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản về việc tái cơ cấu các chuỗi cung ứng vốn bị phụ thuộc vào Trung Quốc sau dịch Covid-19.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc chính quyền Thủ tướng Morrison kêu gọi điều tra nguồn gốc virus corona mới là vấn đề khiến Trung Quốc khó chịu, đặc biệt sau khi quốc gia châu Âu như Đức, Pháp và Anh cũng hưởng ứng lời kêu gọi này.
Sự phụ thuộc qua lại
Mới đây, ông Patrick Hutchinson, CEO của Hội đồng Công nghiệp Thịt Australia, kêu gọi chính phủ Caberra thận trọng và đảm bảo rằng tranh cãi chính trị không làm tổn thương quan hệ thương mại.
Căng thẳng Australia - Trung Quốc leo thang hôm 19/4 khi Ngoại trưởng Australia Marise Payne kêu gọi điều tra toàn cầu về nguồn gốc của dịch Covid-19. Ngày 5/5, Liên minh châu Âu cho biết sẽ đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mở cuộc điều tra độc lập.
Khảo sát của Viện Lowy cho thấy chỉ 31% người dân Australia đánh giá Trung Quốc xử lý tốt dịch Covid-19, trong khi 68% chỉ trích cách Bắc Kinh ứng phó với đại dịch có nguồn gốc từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Cựu Ngoại trưởng Australia Alexander Downer cho rằng không chỉ giới tinh hoa, ngay cả người dân bình thường cũng không hài lòng với cách Trung Quốc xử lý dịch Covid-19. Theo ông, cộng đồng quốc tế cần thực hiện một cuộc điều tra nghiêm túc.
Quan hệ Australia - Trung Quốc đang trải qua nhiều sóng gió. Ảnh: EPA. |
Theo giới chuyên gia, nếu tẩy chay hàng hóa Australia, kinh tế Trung Quốc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Dù cho rằng "tâm lý chống Trung Quốc đang bùng lên tại Australia", chuyên gia Chu Phong - lãnh đạo Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh - vẫn thừa nhận quan hệ thương mại Australia - Trung Quốc là sự phụ thuộc qua lại chặt chẽ.
Ví dụ, chính quyền Trung Quốc chắc chắn biết rõ việc hàng loạt nhà sản xuất thép nước này khó có thể mua quặng thép từ đâu khác ngoài các nhà cung ứng ở Australia. Đây là ngành có quy mô lên tới 40 tỷ USD mỗi năm.
“Trung Quốc không nên phóng đại xung đột với Australia hay kích động chủ nghĩa dân tộc và tâm lý nạn nhân", ông Chu nhấn mạnh.