Bữa tiệc thịt nướng BBQ trên tầng thượng của gia đình anh Alex Kim (46 tuổi) sớm trở thành cuộc cãi vã với nhà hàng xóm.
Con gái anh Kim và lũ bạn mải chạy nhảy, nô đùa, gây ồn ào cho gia đình sống bên dưới, theo Straits Times.
“Đáng lẽ đây sẽ là một buổi tối thư giãn cho mọi người, nhưng những người hàng xóm ở tầng dưới lại bắt chúng tôi phải im lặng. Họ thậm chí gọi đại lý nhà ở để phàn nàn”, Alex Kim - một doanh nhân sống trong nhà ở thấp tầng ở trung tâm Seoul - cho biết.
Tranh cãi tiếng ồn ở các khu chung cư Hàn Quốc tăng mạnh trong đại dịch. Ảnh: AFP. |
“Vì vậy, tôi liền phàn nàn về việc gia đình cô ta để đồ đạc bên ngoài nhà và chặn lối thang bộ thoát hiểm lên sân thượng. Tuy nhiên, cả hai chúng tôi đều bị chủ nhà - người sở hữu toàn bộ tòa này - mắng một trận. Kể từ đó, không nhà nào được tận hưởng không gian trên sân thượng nữa”, anh Kim kể lại.
Tranh cãi giữa những người hàng xóm về tiếng ồn tầng trên có xu hướng gia tăng trong đại dịch Covid-19 do ngày càng nhiều gia đình ở nhà.
Số lượng khiếu nại về tiếng ồn từ hàng xóm sống tầng trên tăng 60,9%, chạm mốc 42.250 đơn trong năm 2020, theo dữ liệu do Tổng công ty Môi trường Hàn Quốc công bố đầu tháng 1.
Trong đó, tiếng dậm chân mạnh trên sàn nhà là vấn đề lớn nhất (chiếm 61%), theo sau là tiếng ồn xê dịch đồ Pđạc, dùng búa, đóng sầm cửa và mở nhạc lớn.
Mãi đến năm 2005, luật Hàn Quốc mới yêu cầu sàn nhà phải dày ít nhất 21 cm để có thể cách âm giữa các tầng. Hầu hết tòa nhà được xây dựng trước đó đều có sàn nhà chỉ dày 13,5 cm.
Trong khi đó, khoảng 60% trên tổng số 50 triệu người Hàn Quốc sống trong các chung cư, villa nhiều tầng.
Khoảng 60% trên tổng số 50 triệu người Hàn Quốc sống trong các chung cư, villa nhiều tầng. Ảnh: Korea Times. |
Xu hướng trả thù tiếng ồn
Các diễn đàn mạng xã hội ở xứ kim chi cũng tràn ngập những lời phàn nàn về tiếng ồn phát ra từ tầng trên.
Một người dùng Twitter cho biết tiếng ồn khiến anh ta muốn “hét lên trần nhà”, trong khi người khác nói rằng anh tức giận đến mức khoan một lỗ trên tường chỉ để tạo tiếng ồn trả đũa.
Một tài khoản khác phàn nàn về chuyện lũ trẻ con trên tầng nô đùa, thậm chí tập piano vào sáng sớm. “Chúng gây ồn ào đến mức khó chịu suốt hơn 1 tiếng qua. Do đó, tôi bật nhạc thật lớn và chĩa vào trần nhà”, người này cho biết.
Không ít chuyên gia cảnh báo rằng việc tiếp xúc nhiều lần với những tiếng ồn như vậy có thể dẫn đến trầm cảm và mất ngủ.
Tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn có thể dẫn đến chứng mất ngủ và trầm cảm. Ảnh: Getty. |
Trong một số trường hợp, xích mích về tiếng ồn với hàng xóm leo thang thành bạo lực, thậm chí giết người.
Vào năm 2016, một người đàn ông 33 tuổi sống ở thành phố Hanam - cách Seoul 21 km về phía đông nam - đâm một cặp vợ chồng cao tuổi sống ở tầng trên, khiến người phụ nữ tử vong.
Người này từng phàn nàn về tiếng ồn mỗi khi hai vợ chồng già có khách đến chơi hoặc con cháu đến thăm, nhưng tình hình vẫn tiếp diễn.
Năm 2017, một người đàn ông ở thành phố cảng Pohang bị bắt vì cố gắng bóp cổ hàng xóm của mình trong lúc đang cãi nhau về tiếng ồn. Cùng năm, một người ở thành phố Gwangju phá hủy xe của hàng xóm do tranh chấp tiếng ồn.
Thời gian gần đây, “trả thù tiếng ồn” trở thành xu hướng trên Internet. Nhiều người bỏ tiền mua các thiết bị như loa trầm để truyền tiếng ồn lên gia đình sống trên đầu.
Tuy nhiên, điều này có thể phản tác dụng. Tháng 8/2020, tòa án tại thành phố Incheon đã yêu cầu một cặp vợ chồng bồi thường 29,6 triệu won (hơn 26.700 USD) cho những người hàng xóm tầng trên vì đã hành hạ họ bằng nhiều công cụ tạo tiếng ồn.
Trả thù tiếng ồn có thể gây phản tác dụng. Ảnh: Getty. |
Không thoải mái trong chính nhà mình
Chỉ trong thập kỷ gần đây, các công ty xây dựng mới bắt đầu chú ý hơn đến việc cách âm cho sàn nhà, chẳng hạn thay thế các tấm gỗ mỏng bằng tấm bê tông dày 25cm hoặc thêm các vật liệu hấp thụ tiếng ồn.
Các chuyên gia cũng cho biết cần có thêm các quy định trong xây dựng để ngăn chặn những tranh chấp như vậy.
Năm 2012, Trung tâm Quản lý Tiếng ồn Sàn nhà thuộc Bộ Môi trường Hàn Quốc được thành lập để xử lý các khiếu nại về những gia đình hàng xóm ồn ào. Trung tâm cũng cung cấp dịch vụ tư vấn tại chỗ và giúp đo tiếng ồn.
Một đại diện từ Trung tâm Quản lý Tiếng ồn Sàn nhà nói với The Sunday Times rằng 70% lý do khiếu nại là tiếng bước chân. Họ thường khuyên người gọi điện khiếu nại thử trao đổi với hàng xóm của họ trước.
Thỏa hiệp là phương án giải quyết tranh chấp tiếng ồn tốt nhất. Ảnh: Bloomberg. |
“Cách tốt nhất để xử lý là hai bên đi đến thỏa hiệp, chẳng hạn người ở tầng trên đồng ý đi dép trong nhà để giảm thiểu tiếng ồn, còn người sống bên dưới quan sát tình hình trong 1-2 tháng”, người đại diện chia sẻ.
Bộ phận an ninh trong các khu dân cư cũng có trách nhiệm xử lý khiếu nại.
Lee Soo-kyung (30 tuổi) - một người nội trợ ở Seoul - cho biết nhân viên bảo vệ trong khu chung cư của cô sẽ sử dụng hệ thống loa công cộng để yêu cầu bất cứ gia đình ồn ào nào giảm âm lượng.
“Thật áp lực khi không được di chuyển thoải mái trong chính căn nhà của mình. Tôi liên tục phải nhắc nhở con trai không được chạy nhảy, nô đùa khỏi tấm thảm vì tôi không muốn mình trở thành người tiếp theo bị sỉ nhục trước cả cộng đồng dân cư”, cô nói.