Tháng 10/2020, tài khoản Instagram có tên Kedai Pernah Sayang (tạm dịch: Cửa hàng Từng yêu) ra đời, được tạo bởi Hazim Azaman (27 tuổi) - kỹ sư người Malaysia.
Những món hàng đầu tiên anh rao bán là chiếc cốc, máy ảnh Instax và MacBook vốn thuộc về bạn trai cũ của em gái với mức giá lần lượt 2 USD, 37 USD và 250 USD.
Một số món đồ được Amazan rao bán trên mạng. Ảnh: Instagram NV. |
“Em gái tôi chẳng còn lưu luyến gì mối tình đó nữa nhưng những kỷ vật vẫn còn đó. Con bé muốn vứt đống đồ đi vì chúng chiếm nhiều diện tích phòng”, Amazan chia sẻ với VICE.
Chỉ sau vài tuần thành lập, cửa hàng trực tuyến nhanh chóng trở nên nổi tiếng nhờ một số bài đăng trên Twitter. Chàng kỹ sư 27 tuổi cho biết hộp thư đến của anh tràn ngập tin nhắn từ những người muốn rũ bỏ kỷ niệm với người yêu cũ.
Amazan lấy cảm hứng từ bộ phim hài lãng mạn của Indonesia có tên Toko Barang Mantan. Trong phim, nhân vật chính điều hành một cửa hàng chuyên bán đồ đạc từ người yêu cũ của mọi người.
“Trong lúc thưởng thức bộ phim, đột nhiên tôi muốn hiện thực hóa ý tưởng này. Nó nên có thật, thay vì chỉ tồn tại trên màn ảnh”, anh chia sẻ.
Đầu tiên, khách hàng sẽ nhắn tin vào tài khoản shop online của Amazan, cung cấp ảnh và thông tin chi tiết về mặt hàng họ muốn bán. Sau đó, họ sẽ gửi “lời nhắn đến người yêu cũ”, cũng như đánh giá mức độ ghét tình cũ trên thang điểm từ 1 đến 10. Tuy nhiên, phần đó chỉ là tùy chọn.
Sau khi sàng lọc khách hàng, Amazan đăng tải hình ảnh món đồ lên. Những người quan tâm sẽ bình luận dưới bài đăng để anh có thể kết nối họ với người bán. Chàng kỹ sư nhận được hoa hồng từ mỗi cuộc giao dịch thành công.
Lừa dối là lý do chia tay phổ biến mà Amazan nhận được. Ảnh: Getty. |
Những thứ phổ biến nhất tại cửa hàng là nhẫn, máy ảnh, túi xách và đồng hồ. Một lần, Amazan thậm chí nhận được yêu cầu bán đồ lót nhưng anh từ chối.
Hiện, doanh nghiệp của Amazan có hơn 22.800 người theo dõi. Anh cho rằng cửa hàng trở nên nổi tiếng nhờ việc mọi người cởi mở về mối quan hệ tồi tệ trong quá khứ.
“Hầu hết khách hàng của tôi sẽ nhắn tin sau nửa đêm, tầm 2-3h sáng bởi đó là lúc nhiều suy nghĩ ập đến và họ muốn trải lòng về cuộc tình thất bại”, Azaman nói.
Chủ shop cho biết phần lớn khách hàng muốn bán đồ đều bị “cắm sừng”. “Nó xảy ra hàng ngày. Tôi thường nhận được tin nhắn chia sẻ rằng ‘Tôi bắt quả tang bạn trai/bạn gái tôi đang lừa dối mình’”, anh kể lại.
Mặc dù chưa từng có trải nghiệm tương tự, Azama vẫn đồng cảm và kết nối với khách hàng của mình. Chàng trai hy vọng công việc kinh doanh có thể giúp mọi người vượt qua nỗi đau sau khi chia tay.
“Tôi muốn giúp mọi người gác lại mọi kỷ niệm cũ để hướng tới tương lai. Họ không cần phải mắc kẹt trong quá khứ vì điều đó không tốt đẹp gì. Nó cũng có hại cho sức khỏe tinh thần và cả tương lai của họ”, Azaman nói.