Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẫu da bí ẩn hé lộ manh mối mới về điều tra nguồn gốc Covid-19

Mẫu bệnh phẩm từ tháng 11/2019 của người phụ nữ bí ẩn ở Milan, Italy đã mở ra hướng nghiên cứu mới về nguồn gốc đại dịch Covid-19, nhưng đến nay đã hoàn toàn bị mất dấu.

Trong hành trình tìm hiểu nguồn gốc của đại dịch Covid-19, bí ẩn dai dẳng về một phụ nữ Italy đến nay vẫn chưa được giải mã hoàn toàn.

Các thành viên của nhóm nghiên cứu nguồn gốc đại dịch do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đứng đầu muốn điều tra trường hợp của một phụ nữ Milan 25 tuổi. Tháng 11/2019, người này đã đến bệnh viện trong tình trạng đau họng và tổn thương da - các triệu chứng của một căn bệnh mới sẽ bắt đầu được phát hiện ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc trong một tháng sau đó.

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Raffaele Gianotti và Massimo Barberis được tạp chí British Journal of Dermatology công bố vào tháng 1/2021, một người phụ nữ đã để lại một mảnh da nhỏ hơn một đồng xu sau khi đi khám tại bệnh viện ở Milan, Italy. Các cuộc kiểm tra và xét nghiệm được tiến hành hơn 6 tháng sau đó cho thấy dấu vết của virus SARS-CoV-2, theo Wall Street Journal.

Sự kiện đã thu hút các nhà nghiên cứu về nguồn gốc Covid-19 toàn cầu. Dẫu vậy, cho đến nay, đây vẫn còn là một bí ẩn dai dẳng đối họ.

Mẫu da "bằng chứng"

Ngày 10/11/2019, người phụ nữ trên đã đến Bệnh viện Policlinico để khám bệnh và để lại mẫu da và máu. Các triệu chứng mà cô gặp phải khi đó bao gồm đau họng và phát ban. Bác sĩ Raffaele Gianotti là người đã tiếp nhận điều trị da liễu cho cô và lấy mẫu da khi đó.

Đây đều là những triệu chứng mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) về sau cho biết xuất hiện ở một số bệnh nhân Covid-19.

Covid19 co o Italy truoc Vu Han anh 1

Bác sĩ Raffaele Gianotti. Ảnh: ICLID.

Khi đại dịch tấn công Italy vào đầu năm 2020, Gianotti, nhà nghiên cứu về da liễu thuộc Đại học Milan đã lấy các mẫu da được lưu trữ tại bệnh viện Policlinico để tiến hành nghiên cứu, nhằm tìm kiếm các trường hợp Covid-19 khả năng chưa từng được xác định.

Từ mẫu da có kích thước 0,6 cm của người phụ nữ 25 tuổi, Gianotti đã tìm thấy thứ mà ông tin rằng đó là bằng chứng cho thấy Covid-19 đã lây truyền ở Italy vài tuần trước khi căn bệnh được công bố lần đầu tiên tại Vũ Hán.

Hai xét nghiệm trên mẫu cho thấy sự hiện diện của protein gai (protein quan trọng nhất mà virus dùng để gắn vào thụ thể trên bề mặt tế bào vật chủ) và nucleocapsid - vỏ protein của virus.

Vì mẫu này đã quá lâu, ông Gianotti không thể phân tích đủ RNA từ nó để giải mã trình tự gene của virus. Nếu có thể giải mã trình tự, đây sẽ là bước xác nhận thứ 3 cho phép các nhà khoa học so sánh nó với trình tự của các trường hợp ở Trung Quốc, từ đó đưa ra lời khẳng định chắc chắn hơn.

Massimo Barberis, đồng tác giả nghiên cứu của ông Gianotti về mẫu da, và là giám đốc phòng khám chẩn đoán mô bệnh học và phân tử của Viện Ung thư châu Âu ở Milan cho biết: “Tôi chỉ thất vọng vì một điều duy nhất, rằng chúng tôi không thể xác nhận thêm một bước thứ 3".

Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu bổ sung về trường hợp của người phụ nữ này có thể giúp xác định thời gian mà virus có khả năng bắt đầu lây lan ở Trung Quốc và các nơi khác, trước khi một loạt ca bệnh bùng phát tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán vào tháng 12/2019.

Mẫu da có dấu vết của Covid-19, hiện được bảo quản tại văn phòng của nhà nghiên cứu ở Milan, là một ví dụ về manh mối rải rác về những ngày đầu của đại dịch Covid-19 mà WHO đang cố gắng điều tra bên ngoài Trung Quốc, nơi đại dịch bùng phát đầu tiên.

Covid19 co o Italy truoc Vu Han anh 2

Vết phát ban trên da bệnh nhân nữ 25 tuổi và các quan sát trong lúc nghiên cứu của bác sĩ Raffaele Gianotti và đồng nghiệp. Ảnh: British Journal of Dermatology.

“Chúng ta không thể bỏ qua nó”, theo nhà virus học người Hà Lan Marion Koopmans, một thành viên của nhóm nghiên cứu điều tra về nguồn gốc đại dịch do WHO dẫn đầu. Bà nói rằng trường hợp của người phụ nữ 25 tuổi ở Milan cung cấp đủ điều kiện để có thể mở điều tra rộng hơn, nhằm tìm hiểu xem liệu virus SARS-CoV-2 có xuất hiện ở các nước khác trước khi Trung Quốc công bố dịch bệnh vùng phát hay không.

Ian Lipkin, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Columbia cho rằng các thí nghiệm của ông Gianotti là có tính thuyết phục.

Người phụ nữ bí ẩn

Nhóm nghiên cứu của WHO đã khuyến nghị tìm kiếm các trường hợp có khả năng mắc Covid-19 ở các quốc gia khác trước khi thế giới công bố trường hợp đầu tiên ở Vũ Hán vào đầu tháng 12/2019.

Bắc Kinh nói rằng họ đã hoàn thành trách nhiệm của mình trong cuộc điều tra của WHO, bất chấp Mỹ, Liên minh châu Âu và WHO kêu gọi nước này tạo điều kiện cho các nghiên cứu sâu hơn.

Các nhà khoa học nói rằng việc xác định các trường hợp nghi ngờ trước đại dịch có thể giúp giả lập lịch trình lây lan sớm của virus. Nếu vật liệu di truyền của những trường hợp nhiễm virus đầu tiên có thể được phục hồi, các nhà khoa học có thể xác định được mối liên quan của các trường hợp này với đại dịch.

Tháng 6/2020, các nhà khoa học đã tiến hành xét nghiệm mẫu máu của người phụ nữ Milan, họ tìm thấy kháng thể với virus SARS-CoV-2.

Nhóm nghiên cứu của WHO đã kêu gọi ngân hàng máu ở các quốc gia bao gồm cả Italy kiểm tra các mẫu từ cuối năm 2019 để tìm kháng thể chống lại virus. Một số nghiên cứu đã đưa ra bằng chứng rằng mọi người có thể đã bị nhiễm virus trước khi các trường hợp Covid-19 đầu tiên được báo cáo trong khu vực của họ.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm thêm các trường hợp xảy ra trước cụm dịch Vũ Hán dựa trên mẫu máu trên toàn cầu là rất khó. “Người ta sẽ phải sàng lọc một số lượng lớn mẫu. Tôi không nghĩ điều này khả thi”, Giuseppe Remuzzi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dược lý Mario Negri ở Milan, nói.

Covid19 co o Italy truoc Vu Han anh 3

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân Covid-19 đi cấp cứu ở Rome, Italy. Ảnh: AP.

Nhóm điều tra của WHO vào ngày 30/3/2021 đã đề xuất nghiên cứu sâu hơn về trường hợp của người phụ nữ nêu trên, cùng những nghiên cứu khác từ cuối năm 2019.

Tuy nhiên, một rào cản lớn là không ai biết người phụ nữ kia là ai hoặc ở đâu. Ngày 27/3/2021, bác sĩ Gianotti đã đột ngột qua đời ở tuổi 61. Vợ ông, bà Roberta Massobrio, cho biết chồng mình không chết vì Covid-19.

Các nhà đồng nghiên cứu với Gianotti, bao gồm ông Barberis, nói rằng họ không biết tên, chi tiết liên lạc hoặc nơi cư trú của chủ nhân mẫu da.

Bệnh viện Policlinico của Milan và Đại học Milan, nơi giám sát trường hợp của người này, cũng nói rằng họ không có thông tin chi tiết của bệnh nhân.

Khi đại dịch tan dần ở châu Âu, tiến sĩ Barberis cho biết ông tin rằng các nhà nghiên cứu đã mất dần nhiệt huyết trong việc tìm hiểu xem đại dịch bắt đầu như thế nào. “Mọi người không còn quan tâm”, ông nói.

Ảnh vệ tinh cho thấy Covid-19 có thể lây lan ở Vũ Hán từ tháng 8/2019 Theo một nghiên cứu từ trường Y Harvard (Mỹ), những bức ảnh vệ tinh chụp bãi đỗ xe của các bệnh viện tại Vũ Hán cho thấy virus corona có thể đã lây lan từ tháng 8/2019.

Vì sao vẫn chưa thể tìm ra nguồn gốc Covid-19?

Nỗ lực truy tìm nguồn gốc virus gây ra đại dịch Covid-19 đang vấp phải nhiều khó khăn, từ rào cản chính trị tới thách thức về khoa học.

WHO bị nghi ngờ vai trò điều tra nguồn gốc dịch Covid-19

Nhiều nhà khoa học cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không nên tiếp tục giai đoạn tiếp theo trong cuộc điều tra về sự khởi phát của đại dịch Covid-19, theo AP.

Hồng Ngọc

Theo Wall Street Journal

Bạn có thể quan tâm