Năm ngoái Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo rằng một hiện tượng bất thường đang xảy ra trên mặt trời. Theo NASA, lẽ ra 2013 là năm mà hoạt động của mặt trời đạt mức cao nhất trong chu kỳ 11 năm. Tuy nhiên, các bức ảnh mà họ thu thập cho thấy mặt trời hoạt động tương đối yếu.
"Dù bạn dùng phương pháp nào để đo hoạt động của mặt trời thì kết quả sẽ vẫn như nhau. Mặt trời đang tiến vào chu kỳ hoạt động thấp nhất của nó. Tôi đã nghiên cứu về mặt trời trong 30 năm và tôi chưa bao giờ thấy hiện tượng nào như thế", Richard Harrison, một chuyên gia của Phòng thí nghiệm Rutherford Appleton tại Anh, nói với BBC.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hoạt động của mặt trời đang đạt mức thấp nhất trong 100 năm. Ảnh: NASA |
Harrison nói những mùa đông sắp tới sẽ lạnh hơn do hoạt động của mặt trời giảm.
"Những mùa đông cực lạnh từng xuất hiện trong thời kỳ tiểu băng hà sau khi mặt trời hoạt động yếu từ năm 1645. Khi đó sông Thames (tại Anh) đã đóng băng", Harrison kể.
Theo các tài liệu khoa học, thời kỳ tiểu băng hà từng diễn ra trên trái đất từ năm 1645 tới năm 1715. Trong giai đoạn ấy, mặt trời hoạt động rất yếu.
Lucie Green, một nhà nghiên cứu của Đại học California tại Mỹ, nói rằng sự giảm của nhiệt độ sẽ gây hậu quả khác với năm 1645 do hoạt động của nhân loại.
"Thế giới ngày nay rất khác so với 400 năm trước. Hoạt động của con người có thể tác động tới sự suy giảm nhiệt độ. Vì thế, dự đoán những hậu quả của tình trạng mặt trời hoạt động yếu nhất trong 100 năm là việc khó", Green bình luận.
Mike Lockwood, một nhà khoa học của Đại học Reading tại Anh, nói rằng nhiệt độ thấp hơn có thể khiến hệ thống thời tiết toàn cầu sụp đổ.
"Chúng tôi dự đoán rằng, trong vòng 40 năm nữa, trái đất có thể rơi vào thời kỳ tiểu băng hà. Khả năng đó vào khoảng 10 tới 20%", Lockwood phát biểu.
Các chuyên gia vẫn chưa thể giải thích tại sao mặt trời đột nhiên hoạt động yếu. Một số người lo ngại rất có thể NASA đã dự đoán sai về chu kỳ hoạt động của ngôi sao duy nhất trong Thái Dương Hệ.