Nghiên cứu tiết lộ bằng chứng mới về khả năng lưu giữ sự sống trong đại dương trên mặt trăng Enceladus của sao Thổ. Ảnh: Kevin Gill. |
Vào năm 2017, trước khi kết thúc sứ mệnh của mình bằng cách đâm vào Thổ tinh, NASA đã cho tàu vũ trụ Cassini của mình bay qua những chùm vật chất băng giá bắn ra từ các vết nứt trên vỏ Enceladus.
Giống như một mạch nước phun trong không gian theo đúng nghĩa đen, các chùm này mang theo một lượng lớn amoniac, carbon, nitơ, oxy và khí mê tan - những chất hóa học thường gặp ở sự sống trên Trái đất.
Enceladus là vệ tinh lớn thứ 6 của Thổ tinh. Tuy vậy hành tinh này lại nhỏ hơn nhiều so với mặt trăng của Trái đất, với đường kính chỉ khoảng 504,2 km. Bên dưới bề mặt của Enceladus là một đại dương được bao phủ bởi băng.
Mới đây, một nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ Cassini đã phát hiện ra rằng Enceladus có thể chứa mê-tan và phốt pho, một dấu hiệu tiềm năng khác của sự sống.
Mặc dù các nhà khoa học không trực tiếp tìm ra nguyên tố, nhưng phân tích của họ cho thấy rằng đại dương của Enceladus có thể chứa lượng phốt pho ngang với nước biển của Trái Đất, thậm chí nhiều hơn.
Enceladus là mặt trăng lớn thứ 6 trong hệ thống 83 mặt trăng của Thổ tinh. Ảnh: NASA. |
“Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy đại dương của Enceladus sở hữu một trong những yếu tố quan trọng cần thiết cho sự sống trên Trái đất”, Christopher Glein, nhà khoa học cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tây Nam, Mỹ nói với Mashable.
Trái với phát hiện nói trên, một số nhà khoa học vẫn hoài nghi về việc Enceladus có thể chứa phốt pho. Theo biên tập viên Keith Cooper của Space.com, phốt pho trên Trái Đất được tạo ra thông qua quá trình phong hóa đá trên đất liền và Enceladus lại không hề có đất.
Mặc dù các nhà khoa học chưa thu thập được bất kỳ vật liệu nào, Cassini đã chứng minh rằng đất đá và thiên thạch nằm sâu trong lòng đại dương của Enceldadus chứa các khoáng chất giàu phốt pho có thể hòa tan vào đại dương.
“Chúng tôi không biết chính xác lõi của Enceladus được làm bằng gì, nhưng chúng tôi có thể phỏng đoán tốt dựa trên những gì được tìm thấy ở những nơi khác trong Hệ Mặt Trời,” Geoff Collins, một nhà khoa học hành tinh tại Đại học Wheaton, nói với Mashable.
Theo Vera Thoss, một nhà hóa học tại Đại học Bangor ở Wales, phốt pho là một trong những nguyên tố chính giúp hình thành nền tảng của sự sống. Nó cần thiết cho việc tạo ra DNA và RNA, các phân tử mang năng lượng, màng tế bào, xương và răng ở người và động vật hay thậm chí cả hệ vi sinh vật phù du của biển.
Trong khi các nhà khoa học và thiên văn học tiếp tục nghiên cứu các thế giới đại dương như Enceladus và mặt trăng Europa của Mộc tinh từ xa, ông Christopher Glein cho biết một bước quan trọng khác cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
"Chúng ta cần quay lại Enceladus để xem liệu một đại dương có thể sinh sống được có thực sự có sinh vật sống hay không”, ông Glein nhận định.