Trong bài viết đăng trên tạp chí Nature Astronomy ngày 15/8, nhóm nhà khoa học Kochi thuộc Đại học Mở Nhật Bản (OU) và Đại học California - Los Angeles (UCLA) đã công bố kết quả phân tích 8 mẫu vật, gồm những viên đá có đường kính 1-4 mm lấy từ tiểu hành tinh Ryugu, được mang về bởi tàu vũ trụ Hayabusa-2 của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA).
Các chuyên gia từ OU dành hơn một năm để phân tích đồng vị oxy trên các viên đá mang về từ Ryugu. Kết quả phân tích mẫu vật được liên kết với tài liệu nghiên cứu thiên thạch hiện có, cho thấy nguồn gốc của nước và sự sống có thể không đến từ Trái Đất.
Các mẫu vật được mang về từ tiểu hành tinh Ryugu bởi tàu vũ trụ Hayabusa-2. Ảnh: JAXA. |
Dựa trên kết quả, mẫu vật chứa nhiều nước và chất hữu cơ giàu carbon béo, liên kết với silicat lớp hạt thô (phyllosilicate), rất giống thiên thạch thuộc nhóm chondrite CI (chondrite carbon kiểu Ivuna). Theo The Register, vật liệu này chưa từng được tìm thấy trong các nghiên cứu về thiên thạch trước đây.
Theo SciTech Daily, chondrite CI được xem là nhóm thiên thạch đơn lẻ quan trọng bởi chúng có thành phần khớp với Hệ Mặt Trời của chúng ta. Các nghiên cứu cho thấy hầu hết thiên thạch chondrite CI đã bị ô nhiễm khi rơi vào bầu khí quyển Trái Đất.
Trong khi đó, đá từ Ryugu được thu thập và mang về Trái Đất trong điều kiện siêu sạch, trở thành các mẫu vật Hệ Mặt Trời tinh khiết nhất mà chúng ta từng có. Do không trải qua quá trình nung nóng đáng kể nên theo nghiên cứu, mẫu vật vẫn giữ các đặc điểm nguyên thủy.
Kết luận từ nghiên cứu cũng bác bỏ các giả thuyết cho rằng mẫu vật từ Ryugu rất khô do trải qua nhiệt độ cao. Tiến sĩ Richard Greenwood, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu Kochi tại OU nhận định những viên đá này rất quý giá.
"Khi tiểu hành tinh Ryugu được tàu vũ trụ Haybusa-2 khảo sát trong không gian, có vẻ kết quả sẽ hơi thất vọng bởi vật liệu tạo nên tiểu hành tinh dường như bị nung nóng, phần lớn nước đã thoát ra không gian.
Tuy nhiên khi làm việc với tư cách thành viên nhóm nghiên cứu Kochi tại Nhật Bản, các nhà khoa học của OU chứng minh rằng mẫu vật từ Ryugu gần giống chondrite CI, điểm mấu chốt là chúng không bị nung nóng. Đây là các vật liệu có thành phần rất giống Hệ Mặt Trời. "Hóa ra những viên đá này còn quý hơn bụi vàng", tiến sĩ Greenwood cho biết.
Nhiệt độ thấp đồng nghĩa mối liên hệ giữa mẫu vật với thành phần hữu cơ tạo nên chúng được bảo toàn. Bằng chứng về sự tồn tại của đồng vị (hydro và nito) trong viên đá chỉ ra các khoáng chất, chất hữu cơ được tìm thấy có nguồn gốc từ bên ngoài Hệ Mặt Trời. The Space, Ryugu cũng chứa những hạt bụi lâu đời hơn Hệ Mặt Trời.
Tiểu hành tinh Ryugu được tàu thăm dò của Nhật Bản chụp vào tháng 6/2018. Ảnh: JAXA. |
Sau khi phân tích, các chuyên gia kết luận vật liệu trong tiểu hành tinh nguyên thủy, gồm silicat lớp hạt thô đóng vai trò là "cái nôi" chứa chất hữu cơ và nước. Điều đó giúp bảo tồn và tạo ra cơ chế mang những vật liệu đến Hệ Mặt Trời và Trái Đất sơ khai.
Tàu vũ trụ Hayabusa-2 đáp xuống bề mặt Ryugu vào tháng 7/2019. Tháng 12/2020, tàu thăm dò đã mang về Trái Đất khoảng 5 g mẫu vật, được chia ra để phân tích trong các phòng thí nghiệm trên toàn cầu.
Trong thời gian tới, các nhà khoa học sẽ tiếp tục phân tích mẫu vật. Hiện tại, kết luận nổi bật nhất là Ryugu đã tích tụ các thành phần chứa nước và chất hữu cơ từ bên ngoài Hệ Mặt Trời, sau đó mang chúng vào hệ hành tinh của chúng ta. Các tiểu hành tinh loại C như Ryugu cũng có thể là một trong những nguồn cấp nước cho Trái Đất.