Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mặt trái ít ai ngờ của du lịch trả thù

Giúp kinh tế nhiều nước phục hồi nhanh chóng song du lịch trả thù cũng gây căng thẳng lên ngành hàng không, khách sạn, nhiều dịch vụ liên quan và tác động xấu đến môi trường.

Du lịch hàng không đang trở lại. Sân bay Changi (Singapore) đang ghi nhận lưu lượng hành khách đạt mức 50% so với trước đại dịch, các sân bay ở châu Âu cũng đã vượt ngưỡng 80%.

Tuy nhiên, lĩnh vực hàng không đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu tăng cao khi các sân bay lớn trên toàn thế giới gặp khó khăn bởi lượng khách đông đúc. Một số sân bay như Heathrow (London, Anh) đã phải áp giới hạn số lượng hành khách hàng ngày để quản lý tình trạng hỗn loạn, theo Channel News Asia.

Sau đại dịch, nhiều người bắt đầu đổ xô đi chơi với tâm lý "du lịch trả thù" để giải tỏa sự dồn nén và bù đắp thời gian đã mất. Xu hướng này không chỉ gây căng thẳng lên ngành hàng không, khách sạn mà còn nhiều ngành dịch vụ liên quan.

Bên cạnh đó, du lịch trả thù cũng có tác động xấu đến Trái Đất vốn đang nóng lên. Năm 2020, lượng máy bay không sử dụng ở mức cao chưa từng có, góp phần giúp lượng khí thải liên quan đến các chuyến bay giảm đáng kể.

du lich tra thu sau dai dich anh 1

Nhiều người đổ xô đi du lịch sau hơn 2 năm đại dịch khiến ngành hàng không quá tải. Ảnh: Techtimes.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết lượng khí thải từ hàng không quốc tế đã giảm gần 45% từ năm 2019 đến năm 2020, mức giảm tương đương việc loại bỏ 100 triệu ôtô ra khỏi các con đường.

Theo kinh nghiệm lịch sử, sự phục hồi của du lịch hiện nay sẽ đi kèm với sự gia tăng lượng khí thải carbon. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, lượng khí thải từ ngành hàng không đã giảm tới 7%. Song khi kinh tế phục hồi từ năm 2010, lượng khí thải lại tăng 6%, gần như xóa sạch mọi lợi ích trước đó đem lại cho môi trường.

Tuy nhiên dù đi du lịch trở lại, nhiều người dân Đông Nam Á đang bắt đầu dành nhiều sự quan tâm hơn đến môi trường. Các tìm kiếm trên Google liên quan đến tính bền vững đã tăng 45% trong năm nay kể từ năm 2019, từ khóa tìm kiếm liên quan đến phát thải khí nhà kính cũng tăng 163% ở Singapore và 156% ở Philippines.

Các nghiên cứu cho thấy du khách cũng sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để đi du lịch bền vững. Một cuộc khảo sát được công bố vào năm 2021 cho thấy hơn một nửa du khách đến một hòn đảo nhỏ ở Indonesia sẵn sàng trả thêm 7,5 USD mỗi đêm cho các khách sạn được chứng nhận thân thiện với môi trường.

Giải pháp giảm bớt khí thải

Một cách dễ dàng để giảm thiểu lượng khí thải carbon trong kỳ nghỉ của du khách là giảm thời gian đi lại. Điều đó có nghĩa là mọi người nên chọn các điểm du lịch ở gần khi lên kế hoạch cho một chuyến đi.

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một chuyến đi khứ hồi từ Singapore đến London tạo ra 933 kg CO2 - gần bằng 1/8 lượng khí thải carbon trung bình hàng năm của một người Singapore. Ngược lại, một chuyến đi khứ hồi từ Singapore đến Bangkok tạo ra 183 kg CO2.

Nếu tính trên mỗi km, lượng khí thải ở các chuyến bay ngắn cao hơn các chuyến bay đường dài, song với thời gian bay ít hơn, lượng khí thải ra không khí ở chuyến ngắn nói chung thấp hơn chuyến bay đường dài.

du lich tra thu sau dai dich anh 2

Hành khách có thể cân nhắc đi du lịch bằng các phương tiện khác như tàu hỏa, xe hơi để giảm thiểu khí thải so với máy bay. Ảnh minh họa: Istock.

Cách du khách bay cũng quyết định lượng khí họ có thể thải ra. Theo dữ liệu của chính phủ Anh, so với một hành khách hạng phổ thông, hành khách hạng thương gia thải ra lượng CO2 nhiều hơn 3 lần trên mỗi km di chuyển và hạng nhất nhiều hơn 4 lần. Ghế nâng cấp chiếm nhiều không gian hơn, do đó lượng khí thải bao hàm cũng lớn hơn.

Bên cạnh việc đi du lịch ở đâu, chọn cách đi du lịch như thế nào cũng rất quan trọng. Nhìn chung máy bay là loại phát thải nặng nhất và tàu hỏa nhẹ nhất.

Theo báo cáo của The Sunday Times vào năm 2019, một chuyến bay từ Singapore đến Kuala Lumpur tạo ra 62 kg CO2 cho mỗi hành khách. Giả sử có 4 hành khách trên xe, một chiếc xe hơi Toyota Prius tạo ra 10 kg CO2 cho mỗi người, con số tương tự cũng áp dụng cho một xe buýt có 30 hành khách.

Một trong những cách khả thi nhất để giảm lượng khí thải của máy bay là sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Các hãng hàng không như ANA và Cathay Pacific đã đặt mục tiêu sử dụng 10% SAF vào năm 2030, trong khi Singapore Airlines và Scoot sẽ cung cấp cho khách hàng tùy chọn liên quan đến SAF nhằm hỗ trợ việc áp dụng và phát triển nhiên liệu.

Trong khi đó, các lựa chọn du lịch khác ngoài đường bộ và đường sắt cũng đang phát triển, chẳng hạn như dịch vụ phà giữa Singapore và Desaru (Malaysia) được đưa vào hoạt động từ ngày 7/7.

Người Trung Quốc đổ xô du lịch tránh nóng

Đối mặt đợt nắng nóng gay gắt trong mùa hè, nhiều người Trung Quốc tìm đến những địa điểm du lịch mát mẻ để thư giãn trong bối cảnh các quy định về dịch bệnh được nới lỏng.

Mai An

Bạn có thể quan tâm