QQ đưa tin hậu trường của một dự án phim ảnh giấu tên gây bàn tán trên mạng xã hội. Sự chênh lệch chiều cao giữa diễn viên nam - nữ tạo ra làn sóng tranh luận. Trong đó, có nhiều bình phẩm tiêu cực về ngoại hình và chiều cao nổi trội của phái yếu khi đứng cạnh những tài tử màn ảnh.
Bị bàn tán về ngoại hình
Theo Sina, video hậu trường ghi lại hình ảnh Henry Prince Mak xuất hiện bên Lưu Yến Hàm. Truyền thông cho biết cô là vận động viên bóng chuyền, đảm nhận vai trò chủ công trong đội tuyển Trung Quốc, có chiều cao 1,88-1,9 m.
Do đó, để có ưu thế hình thể trước Lưu Yến Hàm, Henry Prince Mak phải đứng trên xe đẩy, có nhân viên hỗ trợ di chuyển. Nữ vận động viên cũng phải mang giày đế bệt để rút ngắn khoảng cách chiều cao với bạn diễn.
Nam diễn viên đứng trên xe đẩy để trở nên cao lớn hơn bạn diễn. Ảnh: QQ. |
Sau khi video được đăng tải, khán giả chia thành hai luồng ý kiến. Không ít người đặt câu hỏi vì sao nữ lại không được cao hơn nam. Họ cho rằng việc biến nữ giới trở nên nhỏ bé trước phái mạnh là định kiến giới trong showbiz, thiếu tôn trọng ngoại hình của Lưu Yến Hàm.
Tuy nhiên, chỉ có số ít khán giả bảo vệ Lưu Yến Hàm. Số đông còn lại thẳng thắn cho biết họ không thể xem tác phẩm mà ở đó nữ chính có ngoại hình chiếm ưu thế hơn so với các tài tử. Nhiều người đặt câu hỏi về sự lựa chọn diễn viên của đoàn phim.
"Phụ nữ phải trông mảnh mai, thấp bé hơn nam chính để có cảm giác được bảo vệ. Mô-típ phim ngôn tình trước nay luôn như vậy. Nam chính trên cương vị tổng tài phải hoàn hảo trên mọi phương diện, kể cả ngoại hình cũng phải lấn át phái nữ", một khán giả bình luận trên Sina.
Do những tiêu chuẩn truyền thống về giới, và sự nữ tính được quyết định dựa trên sự nhỏ nhắn, mềm yếu từ vẻ ngoài của người phụ nữ, vận động viên thể thao như Lưu Yến Hàm nhận nhiều ý kiến chỉ trích ngoại hình.
Theo Sina, ở lĩnh vực giải trí, nơi vẻ đẹp hình thể được đề cao, câu chuyện định kiến ngoại hình giới đặc biệt bị đè nặng. "Nếu phụ nữ có diện mạo quá cao lớn, cơ bắp sẽ tạo ra cảm giác lấn lướt phái mạnh, đi ngược với quan điểm truyền thống. Nhà sản xuất trước nay vẫn ưu tiên khai thác hình ảnh theo thị hiếu khán giả, góc nhìn có lợi cho nam giới", nhà phê bình phim Ngô Yến Ngữ chia sẻ.
QQ dẫn chứng trong phim Đại Đường vinh diệu, Nhậm Gia Luân từng lót đá ngồi khi quay cảnh tắm với Cảnh Điềm. Nam diễn viên có ngoại hình "mỏng" và kém hơn về chiều cao so với ngôi sao Tư Đằng. Ở tác phẩm Bong bóng mùa hè, Huỳnh Hiểu Minh bị chỉ trích khi yêu cầu nhân viên quỳ dưới sàn, lót ván gỗ cho từng bước đi của anh. Nguyên nhân là nam nghệ sĩ không muốn biến thành "chú lùn" bên người đẹp.
Ngô Yến Ngữ cho biết ngoài việc phấn đấu để chống lại định kiến giới, nhận được sự quan tâm ngang bằng với cánh đàn ông, nghệ sĩ nữ trong showbiz hiện đối mặt với thách thức là "phá vỡ khuôn mẫu nữ tính tồn tại hàng thập kỷ qua".
"Đã là phụ nữ tốt nhất đừng vào showbiz"
Câu nói trên là của nam diễn viên Ngô Kinh khi được yêu cầu đưa ra nhận định về vị thế của nữ giới trong ngành giải trí. Sao võ thuật thẳng thắn chia sẻ với Sina: "Vòng tròn showbiz có nhiều luật lệ bất thành văn, và các cô gái phải ngậm đắng nuốt cay, hy sinh rất nhiều để chí ít trụ vững với nghề, trước khi nghĩ đến việc có danh tiếng.
Theo Ngô Yến Ngữ, showbiz Trung Quốc do nam giới thống trị. Vì vậy, tình trạng trọng nam khinh nữ là vấn đề khiến không ít minh tinh tức giận và nản lòng. Ngoài việc bị soi mói ngoại hình, dễ vướng tin đồn tiêu cực liên quan đến đời tư và sự thăng tiến, diễn viên nữ còn chịu nhiều bất công so với đồng nghiệp nam.
Diễn viên nữ Trung Quốc đối mặt với nhiều định kiến, chịu sự bất công về giới. Ảnh: Sina. |
Trên truyền thông, nữ diễn viên Kim Tinh từng mượn chuyện Thang Duy bị cấm hoạt động nghệ thuật 3 năm vì cảnh nóng trong Sắc, Giới để đòi quyền bình đẳng cho phái đẹp ở ngành giải trí. "Tại sao không cấm sóng Lý An và Lương Triều Vỹ, mà lại cấm Thang Duy. Đâu phải mỗi cô ấy tạo ra cảnh nóng đó?", Kim Tinh đặt câu hỏi.
Cuối năm 2021, Trương Thiên Ái bị chỉ trích là kiểu phụ nữ phù phiếm, ngồi lên đùi lãnh đạo để thăng tiến. Vụ việc bắt nguồn từ hành động ôm nhà đầu tư của người đẹp Thái tử phi thăng chức ký khi dự tiệc đóng máy phim A Mạch tòng quân. Đối mặt với sự công kích từ công chúng, Thiên Ái giải thích: "Đó là cái ôm xã giao, cái ôm cảm ơn dành cho người đã trao cơ hội diễn xuất cho tôi. Xin mọi người đừng làm quá vấn đề".
"Thành công của phụ nữ trong showbiz đều gắn với nghi kỵ đổi chác thân thể, lo lót tiền bạc để lấy vai diễn. Cách nghĩ bóp méo này liệu có công bằng với chúng tôi'", nghệ sĩ Hải Thanh nói.
Không chỉ vậy, "tuổi thọ" nghề nghiệp của nghệ sĩ nữ cũng bị giới hạn. Họ không có nhiều cơ hội đảm nhận vai chính trong các dự án khi bước sang độ tuổi trung niên hoặc lập gia đình và có con.
Tình trạng diễn viên nữ 30-40 tuổi chỉ được giao vai người mẹ thường xuyên xảy ra. Trong khi các diễn viên nam cùng độ tuổi vẫn có thể đảm nhiệm vai chính trẻ trung. Như Chung Hán Lương vẫn "hồi xuân" đóng phim ngôn tình Đời này có em ở tuổi 48.
Điều này khiến nghệ sĩ nữ trong showbiz bắt buộc tìm hướng đi mới khi không còn được xem là thiếu nữ. Điển hình là Triệu Lệ Dĩnh, sau thời gian dài đóng phim thuần giải trí, cô đang thay đổi hình ảnh. Bước sang tuổi 35, Triệu Lệ Dĩnh hướng đến nhân vật chững chạc, có chiều sâu tâm lý. Còn nếu vẫn cố chấp bám trụ với dòng phim và nhân vật không phù hợp, minh tinh đối mặt với chỉ trích nặng nề, như Dương Mịch trong Hộc Châu phu nhân.
Theo Sina, vài năm trở lại đây, khán giả Trung Quốc có dịp chứng kiến những tác phẩm, show truyền hình tôn vinh vai trò và tiếng nói của nữ giới như Xin chào, Lý Hoán Anh, 30 chưa phải là hết hay chương trình Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng. Hoặc phong cách làm phim mới theo hướng song nữ chủ (không có nam chính) với Lưu kim tuế nguyệt, Đương gia chủ mẫu, Gia truyền. Những kịch bản tập trung vào người phụ nữ được kỳ vọng tạo ra thay đổi tích cực về định kiến giới thông qua diễn xuất.
Theo cây viết Đằng Hoa Vệ, việc cân bằng vị thế của nữ giới trước đàn ông trong showbiz là chuyện không thể xảy ra ngày một ngày hai. Ông cho rằng màn ảnh không bao giờ là nơi phản chiếu chân thực, đầy đủ những bất công mà nữ nghệ sĩ phải chịu đựng ở hậu trường. Do đó, muốn cải thiện tình hình, cần nhiều hơn những nhà sáng tạo là nữ "dám nói, dám làm" và tài năng trong ngành công nghiệp giải trí.
Lâm Tâm Như sau thời gian bị lạnh nhạt vì trở ngại tuổi tác, dần chuyển sang vai trò đạo diễn. Bộ phim Hoa đăng sơ thượng do cô sản xuất mới đây được đánh giá cao về chất lượng. Triệu Vy cũng từng sử dụng sức ảnh hưởng của mình để nói lên tiếng lòng, đòi quyền lợi cho nghệ sĩ nữ.