Ông Trần Hồ Hiền, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) cho biết gần 10.000 tấn gạo đang nằm chờ được thông quan tại cảng Mỹ Thới, gây thiệt hại 200 triệu đồng/ngày cho doanh nghiệp. Ngày 22/4, Bidifood cũng bị tàu thông báo phạt gần 200.000 USD.
Cụ thể, lô gạo được đưa đến cảng từ ngày 23/3 và đã được khai báo hải quan thành công, chỉ chờ lên tàu. Tuy nhiên, do lệnh cấm xuất khẩu gạo bất ngờ từ 0h ngày 24/3, số gạo này đành nằm chờ tại cảng. Đến ngày 11/4, sau khi Thủ tướng cho phép tiếp tục xuất khẩu, thông tin hàng hóa đã biến mất toàn bộ trên hệ thống của hải quan.
Doanh nghiệp đề nghị sớm thông quan các lô hàng đang nằm chờ tại cảng do mất tờ khai. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cũng rơi vào trường hợp này, một doanh nghiệp khác ở Long An mất 350 triệu đồng/ngày cho chi phí lưu kho, tiền tàu và loạt chi phí khác, chưa kể chất lượng gạo có nguy cơ xuống cấp khi nằm tại cảng từ ngày 24/3 đến nay.
"Chúng tôi mong hải quan cho thông quan sớm, chúng tôi sẵn sàng trả tiền tàu gấp 2-3 lần thông thường để mong hàng đến được với đối tác", lãnh đạo đơn vị này chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị mất tờ khai không rõ lý do dù đã được phân luồng vàng. Họ đề xuất hải quan ưu tiên giải phóng lượng hàng đang nằm chờ này để tránh tình trạng đứt gãy dòng tiền, thua lỗ.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã đề nghị Tổng cục Hải quan hỗ trợ thông quan cho những trường hợp mất tờ khai, đồng thời ưu tiên giải quyết các lô hàng đã chờ tại cảng trước 24/3.
"Đề nghị tính lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp này vào 100.000 tấn ứng thêm trong lượng xuất khẩu thêm tháng 4. Tôi xin chịu trách nhiệm cá nhân cho đề nghị này vì không thể để doanh nghiệp thiệt hại thêm nữa", ông nói.
Phó tổng cục trưởng Hải quan Mai Xuân Thành cho biết đã yêu cầu Cục Công nghệ Thông tin khẩn trương rà soát toàn hệ thống và sẽ giải quyết cho các doanh nghiệp từ chiều 22/4.
Tuy nhiên, ông cho hay hiệp hội gạo đã báo cáo 3 lần về lượng gạo tồn ứ, nhưng mỗi lần số liệu đều có sự chênh lệch. Theo số liệu mới nhất, lượng gạo đang chờ xuất khẩu là 146.000 tấn, trong đó có 49.024 tấn nằm tại cảng. Ông khẳng định sẽ giải quyết số hàng tồn này trong tháng 5.
Theo đại diện UBND các tỉnh ĐBSCL, vụ đông xuân năm nay dù chịu ảnh hưởng thời tiết nhưng sản lượng khá dồi dào, ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chỉ 1,5 tháng nữa là đến vụ hè thu. Do đó, vấn đề an ninh lương thực cần được nhìn nhận ở góc độ mới so với 1 tháng trước.
Đồng quan điểm này, Hiệp hội lương thực Việt Nam đề xuất nâng hạn ngạch xuất khẩu còn lại trong tháng 4 lên 200.000 tấn thay vì 100.000 tấn như hiện nay. Lý do là số gạo trong hợp đồng đã ký, giao đến tháng 6 là 1,7 triệu tấn, trong khi tổng số tồn kho tại doanh nghiệp tính đến ngày 18/4 là 1,9 triệu tấn, chưa kể sản lượng sắp thu hoạch vào tháng 6.