Ngày 22/4, Bộ Công Thương có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện điều hành xuất khẩu gạo.
Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan hải quan tại các cửa khẩu quốc tế thống kê số lượng gạo của các thương nhân đang ở cảng/cửa khẩu nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu (cụ thể theo tên thương nhân, lượng gạo tồn tại cảng, ngày đưa hàng vào cảng/bãi…).
Sản lượng gạo nếp ở 2 tỉnh Long An và An Giang vụ Đông Xuân 2019-2020 ước đạt 453.000 tấn. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cùng với đó, thống kê số lượng gạo của các thương nhân đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu nhưng có dấu hiệu khai khống để giữ chỗ (ví dụ không có số container và/hoặc số seal và/hoặc tên tàu và cho tới nay chưa thực hiện tờ khai hải quan xuất khẩu đã được đăng ký).
Trên cơ sở thống kê số lượng gạo còn tồn đọng tại các cảng, số lượng tờ khai có biểu hiện khai khống mà Tổng cục Hải quan báo cáo, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến gấp về phương án điều phối hạn ngạch và sử dụng 100.000 tấn gạo được tạm ứng trước theo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Sau đó, hai bộ cùng quyết phương án xử lý đối với các thương nhân có gạo đưa vào cảng trước ngày 24/3 nhưng chưa đăng ký được tờ khai hải quan xuất khẩu được xác nhận bởi doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh cảng, cơ quan hải quan.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp, chỉ đạo Tổng cục Hải quan định kỳ cung cấp cho Bộ Công Thương số liệu xuất khẩu gạo.
Về xuất khẩu nếp (bao gồm: thóc nếp, gạo nếp, tấm nếp) trong tháng 4, theo Bộ Công Thương cần được thực hiện theo nhu cầu thị trường, không chịu sự điều chỉnh của cơ chế điều hành xuất khẩu gạo.
Số lượng gạo nếp đã mở tờ khai hải quan xuất khẩu trong tháng 4, kể cả số lượng đã thực xuất, được cộng trở lại số lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4.