Gần đây, tại TP HCM rộ lên thông tin nhiều công ty tuyển người lao động đi Nhật làm việc với mức lương cao hàng chục triệu đồng/tháng. Hàng trăm người đã tìm đến các “cò” và đóng cả chục triệu đồng để nhận được lời hứa “bao đậu đi Nhật”.
Tuy nhiên, đến nay chưa có người lao động nào được đi Nhật như lời “cò” hứa hẹn. Điều khiến người lao động dở khóc dở cười là công ty có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ) thì phủi trách nhiệm, còn “cò” thì cao chạy xa bay nên việc đòi lại tiền trở nên quá xa vời.
10 tỉ đồng tiền thu từ học viên chưa được nộp vào công ty. " src="" data-src="https://photo.znews.vn/Uploaded/uopuoka/2015_10_28/13box1_fkxa.jpg" /> |
Gặp các học viên, ông Lê Văn Quyền, Tổng giám đốc Công ty Vietcom Human, cho biết 10 tỷ đồng tiền thu từ học viên chưa được nộp vào công ty. |
“Cò” nói phải có phí “lót tay”
Chị Nguyễn Thị Kiều (quê Bến Tre) kể chị đang học kế toán tại quận 9 (TP HCM), một hôm nghe bạn bè rỉ tai có quen bà VTV, người đã đưa nhiều người đi Nhật làm việc lương cao. Nghe vậy, chị Kiều gặp và nhờ bà V. giới thiệu đi Nhật làm việc trong ngành may mặc. “Lúc đó bà V. hứa như đinh đóng cột là chắc đậu với điều kiện phải tốn chi phí để “lót tay” cho bộ phận phỏng vấn”, chị Kiều nói.
Cả tin, chị Kiều đã gọi về quê nhờ cha mẹ vay tiền để đi Nhật nhằm… đổi đời. Tổng cộng chị Kiều đã đưa cho bà V. 50 triệu đồng; trong đó 20 triệu đồng là tiền cọc XKLĐ, 12 triệu đồng tiền học tiếng Nhật và 15 triệu đồng tiền “bao đậu”.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc Tuyết cũng đã trót đưa 15 triệu đồng cho “cò” với lời hứa được đi Nhật làm việc. “Khi tiếp xúc họ nói rất ngon ngọt, lúc đó em còn do dự nên họ trấn an em rằng cứ đóng tiền, có biên lai thu tiền hẳn hoi. Em đã đưa cho họ 15 triệu đồng và họ ghi trong biên lai lý do thu “đậu đơn hàng may mặc” của Công ty Vietcom. Chưa kể em còn phải đóng tiền cọc 2.800 USD và tiền học tiếng Nhật 12 triệu đồng”, chị Tuyết bức xúc.
Kể xong, chị Tuyết lục trong túi đưa cho chúng tôi xem tờ phiếu thu 15 triệu đồng. Lý do thu “đậu đơn hàng may mặc của Công ty Vietcom”. Người nhận tiền ghi trong phiếu thu là LTLN. Quan sát phiếu thu chúng tôi không thấy có dấu mộc công ty XKLĐ.
Sau khi đóng tiền, những người như chị Kiều, chị Tuyết được đưa đến Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản (cơ sở TP HCM thuộc Công ty Cổ phần Cung ứng nhân lực và thương mại Vietcom Human, trụ sở Cầu Giấy, Hà Nội) để học khóa tiếng Nhật sáu tháng.
Qua thêm một công ty trung gian
Nhiều học viên cho biết họ còn đóng tiền cho “cò” NTH (địa bàn hoạt động tại huyện Củ Chi, TP HCM), chuyên mồi chài cung ứng học viên cho cả công ty không có chức năng XKLĐ tại TP HCM.
Các học viên giữ biên lai thu tiền với hy vọng đòi lại tiền. |
Gặp chúng tôi, anh Đỗ Thế Hải (ngụ Khánh Hòa) đưa ra các biên lai thu tiền có đóng dấu mộc văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Atlantic với các khoản “phí học tiếng Nhật và ký túc xá” 12 triệu đồng, tiền “đặt cọc phỏng vấn” 5 triệu đồng.
Điều đáng nói là Công ty Cổ phần Atlantic (145 tỉnh lộ, khu phố 2, thị trấn Củ Chi, TP HCM) không có chức năng XKLĐ. Sau khi “câu” được học viên, công ty này “chuyển” cho Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản.
Tổng cộng có khoảng 150 học viên ở nhiều tỉnh, thành đã nộp tiền cho các “cò”, công ty trung gian để được giới thiệu đến Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản. Tính ra bình quân mỗi học viên phải đóng tiền cọc XKLĐ 2.800 USD/người, tiền học tiếng Nhật 12 triệu đồng và tiền “cò” cả chục triệu đồng tùy người.
Tại đây, các học viên được trung tâm hứa hẹn sau sáu tháng học tiếng Nhật, họ sẽ được đưa sang Nhật làm việc trong ngành nông nghiệp, may mặc và xây dựng với mức lương hàng chục triệu đồng/tháng.
“Cò” biến, công ty phủi trách nhiệm
Tuy nhiên, đến nay đã gần một năm (các học viên học tiếng Nhật từ tháng 11/2014) vẫn chưa thấy công ty đả động việc đưa sang Nhật làm việc. Quá bức xúc, mới đây các học viên đã tập trung lại, yêu cầu ông Lương Công Quảng, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản, hoàn trả tiền cọc và tiền học.
Ngày 20/10, ông Lê Văn Quyền, Tổng giám đốc Công ty Vietcom Human, từ Hà Nội đã vào TP HCM giải quyết vụ việc. Trả lời các học viên, ông Quyền khẳng định công ty không cho phép trung tâm đứng ra thu tiền và tuyển dụng trực tiếp. Ông Quyền cho biết, ông Lương Công Quảng, Giám đốc trung tâm, đã tự ý cấu kết với văn phòng đại diện Công ty Cổ phần Atlantic (do ông Nguyễn Việt Vương làm trưởng đại diện) đứng ra thu tiền của 156 học viên với số tiền gần 10 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này không nộp vào công ty, đến khi xảy ra sự việc này ông mới hay biết.
Ông Quyền cũng xác nhận các ông, bà VTV, LTLN, NTH đã thu tiền của học viên không phải là nhân viên của Vietcom Human.
Tại buổi làm việc, ông Quyền đưa ra các hướng giải quyết. Cụ thể, đối với học viên yêu cầu trả lại tiền, công ty sẽ “thuyết phục” ông Quảng trả lại cho học viên. Học viên có nhu cầu tiếp tục đi làm việc ngoài nước công ty sẽ lo toàn bộ chi phí. Tuy nhiên, ông Quyền không đưa ra mốc thời gian cụ thể nào. Đến trưa cùng ngày ông này đã bỏ đi mất tăm.
Từ đó đến nay chưa có học viên nào được trả lại tiền như lời hứa của ông tổng giám đốc Công ty Vietcom Human.
Thêm cả trăm người “sập bẫy” đi Nhật
Mới đây, cả trăm người lao động từ nhiều tỉnh, thành cũng rơi vào “bẫy” XKLĐ sang Nhật của Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Phát triển Việt Nhật Vinh Ron (28/1/21 Phan Đình Giót, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM). Công ty này không có chức năng XKLĐ nhưng vẫn thu 1.500-3.500 USD/học viên. Vụ việc đổ vỡ, người lao động phản ứng đòi lại tiền, bà Nguyễn Thị Đoan Phương, Phó giám đốc Công ty Việt Nhật Vinh Ron, hứa sẽ trả lại tiền cho học viên, thế nhưng đến nay học viên vẫn chưa nhận được tiền.
Hôm nay, Bộ LĐ-TB&XH triệu tập họp để chấn chỉnh “cò” lao động
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), khẳng định: Đối với vụ việc xảy ra ở Công ty Vietcom Human, Cục đang khẩn trương có biện pháp chế tài nặng, cả phạt hành chính và yêu cầu khắc phục hậu quả do các vi phạm về tự thu tiền, liên kết với công ty bên ngoài, “cò” thu tiền cọc của học viên. “Trong vụ việc này Công ty Vietcom Human không thể bao biện là do người ngoài vào thu tiền nên công ty không có trách nhiệm. Công ty phải có trách nhiệm giải quyết các vướng mắc với học viên chứ không thể hứa lèo”, ông Quỳnh nói.
Theo ông Quỳnh, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ người lao động bị mất tiền do “cò” lợi dụng sự thiếu thông tin của người lao động để thu tiền bất chính. Theo đó, ngày hôm nay (28/10), lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH sẽ chủ trì làm việc với các doanh nghiệp cử thực tập sinh đi Nhật nhằm chấn chỉnh hoạt động này.
Tiêu điểm
Trao đổi với chúng tôi, “cò” NTH thừa nhận đã nhận trực tiếp khoảng 40 học viên với số tiền 700 triệu đồng và đã chuyển cho Công ty Cổ phần Atlantic. Ngoài ra, ông H. cũng cho biết trong số hơn 10 tỷ đồng đã thu của học viên, riêng văn phòng đại diện Atlantic thu khoảng 7 tỷ đồng.