Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giúp việc tại Ả-rập Xê-út: Vừa bị nợ lương, vừa bị đe dọa

Bà Lê Thị Biển (Quyết Thắng, xã Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang) gửi đơn về việc em gái đi xuất khẩu lao động tại Ả-rập Xê-út bị nhà chủ đối xử tàn tệ.

Bị gí súng đe dọa khi đòi lương

Tiếp xúc với chúng tôi ngày 8/7, tại thôn Quyết Thắng, bà Biển cho biết: Do hoàn cảnh quá khó khăn, nên khi Công ty CP đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long (Thăng Long OSC, ở 172 Nguyễn Ngọc Nại, P. Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) tuyển người đi giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út, bà Khánh ký hợp đồng với công ty. Ngày 26/10/2014, bà Khánh xuất cảnh sang Ả-rập Xê-út.

Cả gia đình đều ngóng trông lương của bà Khánh gửi về từ Ả-rập Xê-út để trả nợ ngân hàng, nên bà Khánh làm việc rất chăm chỉ. Tuy nhiên, gần đây công việc của bà Khánh gặp nhiều khó khăn. 

Bà Biển cho biết: “Em gái tôi gọi điện, nhắn tin về phải làm việc liên tục kể cả ban đêm, không có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống thất thường vì phải ăn đồ thừa của nhà chủ, bị mắng chửi suốt ngày. Cam chịu khổ nhục, em tôi gắng làm việc, nhưng không được lĩnh lương. Đến tháng thứ 4, em tôi đề nghị được trả lương thì bị nhà chủ nhốt vào kho, ngày cho ăn một bữa”. Sự việc lên đến đỉnh điểm vào ngày 21/6/2015. “Tôi đang làm ruộng thì con trai kêu về bởi dì (bà Khánh) gọi điện kêu cứu vì bị nhà chủ gí súng vào đầu. Em tôi kể, em tôi đòi lương nhưng chủ nhà không trả. Khi Khánh đang là quần áo thì con trai bà chủ bất ngờ gí súng vào gáy và đe dọa, yêu cầu không được tiếp tục đòi lương!”, bà Biển kể lại. 

Bà Khánh và bà Biển đã nhiều lần gọi điện thông báo cho công ty môi giới tại Ả-rập Xê-út và Công ty Thăng Long OSC nhưng chỉ nhận được câu trả lời: Gia đình cứ bình tĩnh!

Bà Lại Thị Hà Thu (bên trái ảnh) - cán bộ phụ trách thị trường Saudi Arabia của Cty Thăng Long OSC - trao đổi với PV Báo Lao Động.

Bà Lại Thị Hà Thu (bên trái ảnh) - cán bộ phụ trách thị trường Saudi Arabia của Công ty Thăng Long OSC - trao đổi với PV Báo Lao Động.

“Bình tĩnh làm sao được khi tính mạng em tôi đang bị đe dọa. Hiện nay, em tôi không dám đòi lương vì sợ bị nhốt, bị bỏ đói, bị xúc phạm và uy hiếp của nhà chủ. Em tôi đang làm việc trong tình trạng hoang mang lo sợ, tinh thần bất ổn. Gia đình ở VN đã nộp đơn kêu cứu lên Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) nhưng chưa thấy hồi âm”, bà Biển bức xúc.

Gí súng chỉ để... đùa vui?

Ngày 13/7, tại Hà Nội, bà Lại Thị Hà Thu - cán bộ phụ trách thị trường Ả-rập Xê-út của Công ty Thăng Long OSC - cho biết, công ty có nhận được phản ánh của bà Khánh và đã kết hợp với đối tác tại Ả-rập Xê-út làm việc với chủ nhà và được giải thích do con trai chủ nhà đi công tác, chỉ có một bà chủ nhiều tuổi ở nhà, nên chưa thanh toán được tiền lương. Họ hứa sẽ thanh toán trong thời gian sớm nhất. 

Bà Thu cung cấp thêm: “Công ty cũng nhận được thông tin bà Khánh bị con trai chủ nhà gí súng vào sau gáy. Tôi trực tiếp liên lạc với đối tác của công ty và con trai chủ nhà - là cảnh sát tại Ả-rập Xê-út, thì được họ giải thích là có hành động gí súng vào đầu, nhưng không chủ ý doạ nạt, ác tâm mà chỉ đùa vui. Con trai chủ nhà đã xin lỗi bà Khánh”.

Cũng theo bà Thu, ngày 25/6, gia đình bà Khánh làm việc với công ty và muốn đưa bà Khánh về nước với lý do tâm thần hoảng loạn, không đủ điều kiện làm việc. Công ty xét thấy, bà Khánh vẫn ăn uống, sinh hoạt bình thường, thường xuyên điện thoại với người nhà và khi trực tiếp liên lạc với công ty vẫn trò chuyện rành mạch, rõ ràng, nên việc cho về nước không những không cần thiết mà còn ảnh hưởng tới lợi ích của các bên. 

Công ty đã đề xuất chuyển chủ ngay để bà Khánh có thể làm việc trong môi trường tốt hơn, tránh phát sinh vấn đề giữa người sử dụng LĐ và NLĐ. Nếu gia đình bà Khánh không thay đổi ý kiến, công ty sẽ liên lạc với đối tác bên Ả-rập Xê-út để thương lượng với người sử dụng LĐ tìm biện pháp đưa NLĐ về VN. Tuy nhiên, hiện nay bên Ả-rập Xê-út đang diễn ra Tết Ramadan nên tối thiểu 20 ngày nữa công ty mới có thể làm việc với đối tác để giải quyết.

Ông Mai Đức Chính - Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN: Từ năm 1980, VN đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài tại Liên Xô (cũ) và một số nước Đông Âu. Thời gian này, có các Ban CĐ đại diện tại nước sở tại để bảo vệ quyền lợi LĐ làm việc tại các nước trên. Hiện tại, không còn một Ban CĐ đại diện nào tại các nước VN đưa LĐ sang làm việc. Vấn đề bảo vệ quyền lợi NLĐ được giao cho đại diện của Cục Quản lý LĐ ngoài nước, các DN. 

Cách đây 3-4 năm, Tổng LĐLĐVN đã kiến nghị Bộ Ngoại giao, Chính phủ, đề nghị ở những nước có đông NLĐ VN làm việc cần có đại diện của Tổng LĐLĐVN để bảo vệ quyền lợi NLĐ, nhưng chưa được Bộ Ngoại giao, Chính phủ đồng ý. Trong Luật về đưa NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (số 72/2006/QH11 ngày 29/11/2006 của Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10) không có điều nào nói về vai trò của CĐ trong bảo vệ đối tượng này. Tới đây, Tổng LĐLĐVN sẽ kiến nghị để sửa luật này, theo đó, một trong những kiến nghị là tại các nước có đông NLĐ sang làm việc cần phải có đại diện của CĐ để bảo vệ quyền lợi của những đối tượng này.

Bà Bùi Thị Thu Hương - Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ tỉnh Phú Thọ): Trường hợp NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài bị ngược đãi, bị đánh đập thì DN ký kết đưa người đi LĐ tại nước ngoài cần phải có đề xuất, báo cáo với Cục Quản lý LĐ ngoài nước để tìm kiếm sự hỗ trợ, giúp đỡ NLĐ. Luật phải quy định rõ trách nhiệm của DN đưa người đi LĐ ở nước ngoài cũng như chế tài xử phạt. Về vai trò của CĐ, tôi đề xuất trong Luật về đưa NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cần quy định rõ quyền, trách nhiệm, cơ chế… để CĐ địa phương phối hợp giám sát, kiểm tra hoạt động của các DN đưa LĐ đi làm việc ở nước ngoài từ khâu tuyển dụng, đào tạo, ký kết hợp đồng.

Ông Ahn Pong-Sul - chuyên gia khu vực về các hoạt động NLĐ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): Tại Hàn Quốc, năm 2005, CĐ Lao động di cư (MTU) được thành lập và 91 LĐ nước ngoài tại TP.Seoul, Incheon và tỉnh Gyeonggi đã khiếu kiện đối với Bộ Việc làm và LĐ về việc bộ này từ chối công nhận đối với MTU. Năm 2006, Tòa án hành chính ra phán quyết luật pháp Hàn Quốc không công nhận LĐ nước ngoài bất hợp pháp tại Hàn Quốc được hưởng sự bảo vệ về pháp lý. Phán quyết này bị Tòa án cấp cao Seoul bác bỏ vào năm 2007 và cho rằng LĐ nước ngoài bất hợp pháp tại Hàn Quốc được hưởng 3 quyền lợi về CĐ. 

Ngày 25/6/2015, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã phán quyết công nhận quyền của công dân nước ngoài bất hợp pháp tại Hàn Quốc được thành lập tổ chức CĐ. Vào thời điểm tháng 6/2015, MTU có số lượng thành viên khoảng 1.500 người từ Banglades, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Indonesia và Việt Nam. Trong tổng số 700.000 LĐ nước ngoài tại Hàn Quốc, có khoảng 105.000 LĐ bất hợp pháp, chiếm tỷ lệ 15%.


Hàng nghìn lao động Việt Nam tại UAE bị chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng lao động (HĐLĐ) còn thời hạn nhưng phía Công ty EGSS ở UAE đã đơn phương chấm dứt với hơn 1.000 lao động Việt Nam.

http://laodong.com.vn/cong-doan/giup-viec-nguoi-viet-tai-saudi-arabia-vua-bi-no-luong-vua-bi-de-doa-353039.bld

Theo Việt Lâm - Tất Thảo/Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm