Bình thường, những người qua đường sẽ cho rằng ông Karupiah Rangan đang treo chiếc áo trắng của mình để hong khô. Nhưng giờ, họ hiểu đó là một lời cầu cứu.
Theo Nikkei Asian Review, ông Karupiah, 54 tuổi, và hàng nghìn người Malaysia khác đang kêu gọi cứu trợ bằng cách giương cờ trắng - biểu tượng đầu hàng. Những người như ông Karupiah muốn nói với thế giới rằng họ đã thua trong cuộc chiến tiền bạc, khi các biện pháp hạn chế được áp dụng kể từ hồi tháng 3/2020 nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Một năm rưỡi sau khi đại dịch bùng phát, đất nước 32 triệu dân đang phải chống chọi với những đợt bùng phát nghiêm trọng bậc nhất trong khu vực.
Ông Karupiah, 54 tuổi, và hàng nghìn người Malaysia khác đang kêu gọi cứu trợ bằng cách treo cờ trắng - biểu tượng đầu hàng. Ảnh: Reuters. |
Treo cờ kêu cứu
Bất chấp lệnh phong tỏa được áp dụng trên toàn quốc kể từ ngày 1/6 và kéo dài vô thời hạn, số ca bệnh hàng ngày ở Malaysia vẫn tăng trở lại 6.000 ca, sau một thời gian ngắn giảm xuống dưới 5.000 ca. Hệ thống y tế của đất nước đang chịu áp lực nghiêm trọng.
Cuộc khủng hoảng là phép thử quan trọng dành cho chính quyền của Thủ tướng Muhyiddin Yassin. Nhưng đối với những người như ông Karupiah, tất cả đều quá sức chịu đựng.
"Chúng tôi phải ăn cháo suốt 10 ngày qua", ông Karupiah than thở. Ông là trụ cột kinh tế duy nhất trong gia đình 6 thành viên. Mẹ ông đã ốm yếu, còn người vợ mắc ung thư.
Ông Karupiah từng là tổ trưởng dây chuyền sản xuất tại một nhà máy may mặc ở Rawang, cách trung tâm thành phố Kuala Lumpur khoảng 23 km. Nhưng công ty đã ngừng hoạt động do việc đóng cửa, cấm các nhà máy không thiết yếu hoạt động.
Mất đi khoản thu nhập 2.300 ringgit (553 USD) mỗi tháng của ông Karupiah, gia đình phải sống dựa vào phúc lợi cộng đồng. Ông cũng loay hoay tìm việc làm khác ở các khu đồn điền cọ dầu và những nhà máy vẫn còn hoạt động.
Những đối tượng cần cứu trợ ở Malaysia chủ yếu là công nhân mất việc hoặc người già. Ảnh: Reuters. |
Nhiều người đã bỏ cuộc. Malaysia ghi nhận 468 vụ tự tử trong 5 tháng đầu năm 2021. Con số của cả năm ngoái là 631 vụ.
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah thừa nhận những thiệt hại do đại dịch gây ra đối với sức khỏe tâm thần trên khắp thế giới, bao gồm ở Malaysia. Ông cảnh báo nguy cơ trầm cảm cao và một số vấn đề khác do căng thẳng và cô lập.
Một số hạn chế đã được nới lỏng. Tuy nhiên, Malaysia vẫn chưa thể mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế kể từ khi áp dụng những biện pháp hạn chế đầu tiên từ tháng 3/2020.
GDP của đất nước lao dốc 5,6% vào năm 2020 và 0,5% trong quý I/2021.
Thiệt hại nghiêm trọng
Để xoa dịu thiệt hại kinh tế, chính quyền của ông Muhyiddin đã chi gần 500 tỷ ringgit (125 tỷ USD) cho các gói kích thích kinh tế xuyên suốt đại dịch, bao gồm những khoản trợ cấp trực tiếp trị giá 150 tỷ ringgit và các biện pháp khác được công bố vào tuần trước.
Tuy nhiên, những lá cờ trắng đã phơi bày vết thương kinh tế sâu rộng của đất nước 32 triệu dân. Các tổ chức phi chính phủ và một số nhà hảo tâm đang tìm kiếm những ngôi nhà treo cờ để tặng các đồ dùng cần thiết.
"Mỗi ngày, chúng tôi nhận được những lời cầu cứu từ khắp nơi, nhất là khi các yêu cầu hạn chế được gia hạn vô thời hạn", Makan Kongsi 2.0, một nhóm giúp đỡ các gia đình nghèo và những người bị thiệt thòi, viết trên Facebook.
Tổ chức cho biết đã quyên góp được gần 100.000 USD và giúp đỡ hơn 21.000 người trên toàn quốc.
Mỗi ngày, chúng tôi nhận được những lời cầu cứu từ khắp nơi, nhất là khi các yêu cầu hạn chế được gia hạn vô thời hạn
Tổ chức tình nguyện Makan Kongsi 2.0
"Họ đa phần là những công nhân đã mất việc, hoặc các cặp vợ chồng già buôn bán nhỏ lẻ trước đây", một tình nguyện viên giấu tên chia sẻ.
Một số chính trị gia phản đối phong trào cờ trắng. Họ coi đó là sự thừa nhận thất bại chính thức của đất nước trước đại dịch. Ngược lại, nhiều người nổi tiếng, doanh nghiệp đã đứng lên hỗ trợ thực phẩm và gây quỹ cho những người bị tổn thương.
Malaysia đang cố gắng đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng của đất nước, hướng đến mục tiêu phục hồi hoàn toàn vào cuối năm nay.
Các quan chức đất nước đặt mục tiêu tăng số liều được tiêm mỗi ngày từ 200.000 liều lên 300.000 liều trong tháng này. 12 triệu liều vaccine bổ sung sẽ đến vào tháng 7, bao gồm 1 triệu liều vaccine AstraZeneca từ Nhật Bản và 1 triệu liều vaccine Pfizer khác từ Mỹ.
Tính đến ngày 5/6, khoảng 6,4 triệu người Malaysia đã được tiêm chủng, 2,6 triệu người trong số đó hoàn thành mũi tiêm thứ hai. Malaysia dự kiến nhận vaccine CanSino từ Trung Quốc vào cuối tháng này.
Chính quyền Malaysia hy vọng việc đẩy mạnh tiêm chủng sẽ ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới. Tính từ khi dịch bệnh bùng phát, đất nước đã ghi nhận hơn 785.000 ca nhiễm và 5.500 trường hợp tử vong.