'Mắt thần' giúp chiến hạm Mỹ phá hủy 'drone Iran' trên eo biển Hormuz
Thứ bảy, 20/7/2019 05:25 (GMT+7)
05:25 20/7/2019
Chiến hạm Mỹ ngày 19/7 thông báo đã phá hủy một máy bay không người lái (drone) của Iran ở eo biển Hormuz với biện pháp tác chiến "hạng nhẹ" được giới quan sát nhận diện là LMADIS.
Ngày 18/7, Tổng thống Donald Trump nói rằng một drone đã tiếp cận trong phạm vi 900 mét của tàu đổ bộ USS Boxer và phớt lờ "nhiều cảnh báo lùi lại". Để giảm trừ rủi ro, lực lượng phòng thủ trên tàu đã sử dụng biện pháp "hạng nhẹ" để phá hủy drone mà họ nói là của Iran, dù Tehran nói rằng có thể Mỹ đã bắn phải drone của chính họ. Một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ thiết bị được dùng là LMADIS của thủy quân lục chiến. Ảnh: USMC.
Hệ thống Tích hợp Phòng Không Thủy quân Lục chiến Hạng nhẹ (LMADIS) là giải pháp được quân đội Mỹ sử dụng cho các nhiệm vụ Đối phó Hệ thống Hàng không Không người lái (CUAS). Theo chuyên san quốc phòng Jane's, Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ hoàn tất việc triển khai mới các đơn vị LMADIS trước tháng 10/2019. Ảnh: USMC.
Phát biểu ngày 6/5, Đại úy Forrest Williams, sĩ quan phụ trách dự án CUAS, cho biết LMADIS là sự bổ sung mới cho thủy quân lục chiến Mỹ nhằm "lấp đầy khoảng trống" về đối phó drone trong chiến tranh hiện đại. LMADIS được xếp trong số các Phương tiện Chiến thuật Kết hợp Hạng nhẹ (JLTV) và thật ra là sự kết hợp của nhiều công nghệ lẻ để tạo ra vũ khí mới. Ảnh: USMC.
Một đơn vị LMADIS sẽ gồm 2 phương tiện vận tải, trong đó 1 xe đóng vai trò chỉ huy - điều khiển và xe còn lại được lắp các thiết bị giám sát vùng trời. Phương tiện được chọn để mang thiết bị giám sát là xe đa nhiệm Polaris MRZR - được mệnh danh là "vua địa hình" với tốc độ và mức linh hoạt cao. Các phương tiện này được triển khai đến nhiều đơn vị viễn chinh của thủy quân lục chiến Mỹ. Ảnh: USMC.
Trên nóc các xe địa hình MRZR là hệ thống radar giám sát bán cầu RPS-42, sử dụng công nghệ quét mạng pha điện tử chủ động. Theo The Drive, loại radar tầm ngắn này có độ nhạy cao để phát hiện và tính toán được vị trí nhiều loại mục tiêu khác nhau, từ trực thăng và máy bay bình thường đến thiết bị bay siêu nhẹ hoặc drone cỡ nhỏ. Ảnh: USMC.
Trên nóc radar còn có thấu kính cầu cảm ứng đa nhiệm CM202 với công nghệ ổn định bằng cảm biến con quay hồi chuyển (gyro). Khi lưới giám sát của radar phát hiện vật thể bay đáng ngờ, thấu kính sẽ định hướng và ghi lại hình ảnh thiết bị bay để xác định mục tiêu là "bạn hay thù". Camera có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm, giúp đơn vị đưa ra những quyết định đầy đủ thông tin hơn. Ảnh: USMC.
Tất cả các dữ liệu được thể hiện trên một máy tính bảng lắp ở ghế hành khách phía trước. Đây cũng là vị trí ngồi để kỹ thuật viên điều khiển radar và camera CM202 trên chiến trường. Ảnh: USMC.
Các đơn vị Viễn chinh Thủy quân lục chiến (MEU) đều được trang bị máy phá sóng điện tử. Trong trường hợp thiết bị phá sóng điện tử không ngắt được đường truyền dữ liệu giữa drone và nơi điều khiển, hoặc mục tiêu là thiết bị bay có người lái cỡ lớn, tổ tác chiến trong đơn vị LMADIS sẽ sử dụng các hệ thống phòng không vác vai (MANPAD) mà điển hình là tên lửa đất đối không Stinger để triệt hạ mục tiêu. Ảnh: DVIDS.
Theo NBC, hệ thống LMADIS phá hủy drone Iran nằm trong biên chế Đơn vị Thủy quân lục chiến Viễn chinh số 11, có quân số 2.200 người đang trong sứ mệnh triển khai 6 tháng trên biển cùng USS Boxer. Giới quan sát cho rằng hệ thống LMADIS được đặt trên boong tàu, tương tự trường hợp của tàu chiến USS Kearsarge khi đi qua kênh đào Suez vào tháng 1. Ảnh: USMC.
Trong ảnh, chiếc xe địa hình Polaris MRZR đã nâng cấp thành hệ thống LMADIS được nhìn thấy trên boong tàu USS Boxer khi tàu hoạt động trên eo biển Hormuz, thiết bị này dường như được neo lại ở phần mũi của đường băng. Chiến thuật này từng được thủy quân lục chiến Mỹ áp dụng ở các tàu đổ bộ khác vì cảm biến của xe có khả năng phát hiện mục tiêu nhỏ tốt hơn hệ thống radar tàu chiến. Ảnh: The Drive.
Theo tạp chí Maritimes, ưu điểm của hệ thống chống drone này là mức linh động cao, dễ dàng vận chuyển. Phát biểu tại hội thảo Thủy quân lục chiến Hiện đại ở căn cứ Quantico, Đại úy Forrest Williams mô tả nhóm tác chiến chỉ mất khoảng 15 phút để tháo dỡ toàn bộ 4 chảo radar và camera, sau đó vận chuyển cả xe bằng trực thăng V-22 Osprey hoặc CH-53 Sea Stallion đến điểm tập kết. Ảnh: USMC.
Iran đưa ra lời đề nghị với Mỹ, theo đó nước này sẽ chính thức và vĩnh viễn chấp nhận kiểm tra tăng cường chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt.
Chính quyền Trump đang chuẩn bị cử hàng trăm lính đến Saudia Arabia giữa căng thẳng với Iran. Hợp tác về quân sự giữa Mỹ và Riyadh từ lâu đã gây tranh cãi.