Mẹ của Aya (tên nhân vật đã được thay để bảo vệ quyền riêng tư) là một trong số mười trường hợp tử vong do Covid-19 đầu tiên của Ai Cập.
Dù virus corona đã đến Ai Cập từ giữa tháng 2 nhưng phải đến tuần đầu tiên của tháng 3, nước này mới bắt đầu liên tục xuất hiện các trường hợp mới.
Cho đến nay, hơn 2.000 người Ai Cập đã bị nhiễm bệnh và ít nhất 160 người đã tử vong.
Ảnh minh hoạ. Ảnh: BBC |
"Chị muốn ôm em mà không thể"
Mặc dù tình trạng của mẹ Aya đã xấu đi trong một tuần, cô chưa từng nghĩ rằng đây sẽ là dấu chấm hết.
Cô nhớ cảm giác tất cả như sụp đổ khi biết tin.
"Tôi đã nói với anh trai tôi rằng hẳn anh ấy đang nói dối. Anh ấy đã nói với tôi trước đó rằng mẹ đã khá hơn", Aya nói.
"Chúng tôi đã hy vọng rằng mẹ sẽ được về nhà kịp trước ngày sinh nhật của bà vào tháng 4, vì bà đã nhập viện vài ngày trước Ngày của Mẹ. Chúng tôi sẽ tổ chức gộp hai ngày lễ này".
Mẹ của Aya đã được đưa đến một bệnh viện cách ly ở quận Helwan, phía Nam Cairo, một ngày trước khi qua đời sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Người phụ nữ 69 tuổi đã điều trị tại một bệnh viện tư từ thứ 2 tuần đó, khi bà xét nghiệm lần đầu âm tính với virus corona trước khi xét nghiệm lại vài ngày sau đó, Aya nói.
"Lần cuối cùng tôi nói chuyện với mẹ là vào thứ 3, tôi đã ở với bố tôi suốt thời gian ông ấy làm thủ thuật đặt stent động mạch vành vào chủ nhật."
Không thể nói lời từ biệt mẹ không phải là khó khăn duy nhất xảy ra với Aya.
Vào ngày mẹ Aya qua đời, tất cả các lễ cầu nguyện và giảng kinh cũng đã bị đình chỉ trên khắp đất nước vì lo sợ lây lan Covid-19. Tất cả các nhà thờ Hồi giáo cũng phải đóng cửa.
Vì vậy, Aya buộc phải thực hiện những nghi lễ cầu nguyện trong đám tang ở ngay tại nhà xác bệnh viện.
Quá trình đưa thi thể của mẹ cô ra khỏi bệnh viện mất nhiều thời gian nên họ chỉ có thể chôn cất bà vào ban đêm, cô nói.
"Rất ít thành viên trong gia đình có mặt. Tất cả chúng tôi đều đeo khẩu trang và găng tay. Chị dâu nắm tay tôi và thì thầm: ‘Chị muốn ôm em mà không thể'. Mẹ vợ của anh tôi cũng rất đau buồn. Nhưng không ai trong chúng tôi có thể an ủi người bên cạnh”.
"Cha tôi cũng không thể nói lời từ biệt mẹ. Ông cũng tham dự lễ chôn cất nhưng ông đã không gặp bà trong một tuần".
Sau cái chết của mẹ cô, cha của Aya được đưa vào cùng một bệnh viện cách ly vì ông cũng đã dương tính với Covid-19.
"Khi bố tôi đi, tôi không kìm nén được nữa. Tôi sụp xuống khóc ngay trên sàn nhà", cô nói.
Cha cô đã hồi phục và được về nhà vào cuối tuần qua.
Mặc dù cả Aya và anh trai cô đều âm tính với virus, cả hai đều phải cách ly riêng.
"Là một gia đình mà chúng tôi thậm chí không thể ở cùng nhau".
Cùng đi qua nỗi đau mất người thân
Nhận ra những khó khăn mà những người mất người thân vì dịch bệnh phải đối mặt, Rana Sameeh đã tạo một nhóm trên WhatsApp chia sẻ tên của những người đã khuất để mọi người có thể cùng cầu nguyện cho họ.
Rana, một kỹ sư 31 tuổi, thu thập những cái tên này từ các bài đăng trên phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, một số người mất người thân cũng đã tìm đến cô nhờ đưa tên của người đã khuất vào danh sách của nhóm.
"Nhà thờ đã đóng cửa nhưng số ca tử vong không ngừng tăng. Việc có nhiều lời cầu nguyện trong đám tang rất quan trọng đối với chúng tôi", Rana nói.
Nhóm WhatsApp của Rana được tạo vào ngày 24/3 và chỉ trong vài ngày, nhóm đã có số lượng thành viên tối đa mà ứng dụng này cho phép: 256.
Một nhóm tương tự cũng đã được tạo ra trên Facebook.
Ramy Saad đã thành lập "Salat al-Ghaib", tạm dịch là "Lời cầu nguyện vắng mặt trong tang lễ", sau khi nhìn thấy hình ảnh một nhóm người cầu nguyện trên đường ngay trước một quan tài.
Thông thường, nhiều người sẽ cùng tham gia cầu nguyện như vậy.
"Đó là một cảnh tượng buồn. Vì vậy, tôi quyết định phải làm một điều gì đó", Ramy, một doanh nhân 30 tuổi, nói.
Nhóm cũng được khởi tạo vào ngày 24/3 và thu hút hơn 4.000 người theo dõi chỉ sau 10 ngày.
Aya nói rằng các nhóm trên mạng được lập ra để có thêm nhiều người cầu nguyện cho những người thân đã mất, nhưng họ đã trở gắn bó hơn thế.
"Tôi nhận được nhiều tin nhắn chia buồn từ những người mà tôi không hề biết khi họ đọc về cái chết của mẹ tôi trên Facebook, một bạn học lớp bốn thậm chí còn gọi điện cho tôi để gửi lời chia buồn. Lúc đầu tôi còn không nhớ anh ấy là ai".
Sự hỗ trợ này, Aya nói, đã giúp cô vượt qua nỗi đau.
"Điều này khiến mẹ tôi trở thành một người được nhiều người nhớ tới. Tôi tin vào điều này và nó mang lại cho tôi sức mạnh mà tôi không ngờ mình có được. Nếu mẹ tôi qua đời trong hoàn cảnh bình thường, chắc tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ”.