Wang Chuanchao đóng cửa nhà hàng của anh ở trung tâm Bắc Kinh ba tuần trước vì không có khách hàng do dịch Covid-19. Giờ đây anh phải bán hạ giá rau củ ngoài cửa để mong thu hồi được ít vốn.
Để chuẩn bị đón khách dịp Tết Nguyên đán cho nhà hàng quy mô 125 bàn của mình, Wang đầu tư 300.000 nhân dân tệ (gần 43.000 USD) để mua thực phẩm, từ cần tây đến thịt bò.
Giờ đây, anh Wang phải vật lộn để trả tiền thuê địa điểm và trả lương cho nhân viên để đến khi hết dịch, anh vẫn có thể đón khách.
"Chúng tôi phải tự cứu mình vì chúng tôi không thể trông cậy vào ai được", anh Wang, 32 tuổi, nói với Reuters khi đứng trước sạp rau ở cửa nhà hàng. "Chúng tôi phải cố gắng hết sức để giảm thiểu lỗ".
Khách hàng đeo khẩu trang mua rau từ sạp hàng do một nhà hàng lẩu dựng lên ở trung tâm Bắc Kinh hôm 13/2. Ảnh: Reuters. |
Hầu hết nhà hàng khác cũng buộc phải làm vậy do lượng khách giảm mạnh sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán hồi tháng 12/2019. Chính quyền khuyến cáo người dân không nên ra ngoài và di chuyển nhiều, đồng thời đóng cửa nhiều khu vực công cộng để ngăn chặn dịch lây lan.
"Chúng tôi đã mua lượng thực phẩm trị giá 500.000 nhân dân tệ (khoảng 71.500 USD) trước năm mới, nhưng bây giờ rau quả tươi đã bắt đầu thối rữa. Hôm qua chúng tôi đã phải vứt đi", anh Liu, nhân viên tại một nhà hàng ở trung tâm thành phố Bắc Kinh, nói.
Báo cáo do Hiệp hội ẩm thực Trung Quốc công bố vừa qua cho thấy mối lo ngại về dịch bệnh khiến ngành dịch vụ ẩm thực thiệt hại 500 tỷ nhân dân tệ (hơn 71,5 tỷ USD) trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài một tuần, với 93% nhà hàng ngừng hoạt động.
Các nhà hàng khác cũng công khai phàn nàn về thiệt hại phải gánh chịu. Ông Jia Guolong, chủ tịch và người sáng lập chuỗi nhà hàng hàng đầu Xibei, nói với truyền thông Trung Quốc tuần trước rằng ông chỉ có thể trang trải chi phí điều hành chuỗi hơn 400 nhà hàng của mình trong ba tháng nữa.