Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo trực tuyến đáng chú ý tại Việt Nam.
Chiêu trò mạo danh để lừa đảo qua ứng dụng hẹn hò vẫn chưa dừng lại. Không chỉ Việt Nam, tình trạng lừa đảo qua mạng cũng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Mạo danh cảnh sát, dùng app hẹn hò để lừa đảo
Ngày 1/5, Công an TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Văn Quang (SN 1990, ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mạo danh công an.
Đối tượng hành nghề sửa chữa điện máy và gặp khó khăn tài chính. Cuối năm 2022, nhằm tạo thuận lợi cho việc làm quen rồi chiếm đoạt tiền những người nhẹ dạ cả tin, Quang đã mua trang phục công an nhân dân, còng số 8... trên mạng xã hội.
Quang sử dụng chức năng hẹn hò của Facebook để làm quen nhiều phụ nữ, trong đó có chị N.T.N.H. (ngụ TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).
Khi làm quen, Quang sử dụng thông tin giả là Nguyễn Đình Chung, công tác tại phòng ma túy thuộc Công an TP. Hà Nội. Qua thời gian, chị H. nảy sinh tình cảm.
Từ tháng 3/2023 đến tháng 4/2024, Quang thường xuyên nói rằng bản thân phải đi công tác vùng sâu, biên giới nguy hiểm, cần tiền đóng thuế đất, bồi thường thiệt hại và sửa chữa xe do bị tai nạn, cần tiền xin chuyển công tác từ lĩnh vực ma túy về kinh tế để thuận tiện kết hôn.
Đối tượng tạo lòng tin rồi chiếm đoạt tài sản của chị H. tổng cộng hơn 242 triệu đồng, dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Đến tháng 4, nạn nhân phát hiện Quang không phải cảnh sát nên đã tố cáo đến công an địa phương.
Trước thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng khi có đối tượng lạ làm quen trên mạng xã hội hay ứng dụng hẹn hò online.
Người dân không nên tin tưởng những đối tượng lạ trên mạng, cần xác minh rõ danh tính, không nghe lời dụ dỗ đầu tư tài chính hay giao dịch mượn tiền với đối tượng trên mạng xã hội.
Ngoài ra, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh bị đánh cắp, phục vụ mục đích phạm pháp.
Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết.
Người dân Australia mất 2,7 tỷ USD vì lừa đảo qua mạng
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cho thấy người dân nước này thiệt hại 2,7 tỷ USD vào năm ngoái do bị lừa qua mạng.
Thống kê của ACCC dựa trên dữ liệu từ nhiều cơ quan gồm Scamwatch, ReportCyber, Sàn giao dịch Tội phạm Tài chính Australia, IDCARE, Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Australia.
Theo đó, hơn 601.000 báo cáo về các vụ lừa đảo được ghi nhận trong năm 2023, tăng so với mức 507.000 của 2022. Các vụ lừa đảo đầu tư gây thiệt hại hơn 1,3 tỷ USD, cao nhất trong tất cả hình thức lừa đảo.
Dù số vụ lừa đảo được ghi nhận ngày càng tăng, lượng tiền thiệt hại trong năm 2023 là 2,7 tỷ USD, giảm nhẹ so với mức 3,1 tỷ USD vào 2022.
Chính phủ liên bang cho biết đây là lần đầu tiên sau 6 năm số tiền thiệt hại do lừa đảo giảm so với năm trước, nhờ nỗ lực của các ngân hàng và chính phủ.
Số liệu cho thấy đối tượng lừa đảo nhắm mục tiêu vào người lớn tuổi có tiền tiết kiệm, hoặc những người tìm kiếm cơ hội đầu tư. Người trên 65 tuổi có khả năng mất tiền cao hơn bất kỳ nhóm tuổi khác, và là nhóm duy nhất mất nhiều tiền hơn trong năm 2023 so với 2022.
Tháng 7/2023, trước áp lực từ các nạn nhân và nhóm người tiêu dùng, chính phủ liên bang Australia đã thành lập trung tâm chống lừa đảo quốc gia, ngành ngân hàng nước này cũng hứa đầu tư nhằm tăng cường an ninh.
Theo dữ liệu của Scamwatch, trong khi tổn thất do lừa đảo qua tin nhắn văn bản hoặc điện thoại sụt giảm, số tiền thiệt hại do lừa đảo qua email và mạng xã hội có xu hướng tăng.
Ngoài ra, thiệt hại do lừa đảo việc làm tăng 151%, đạt 24,3 triệu USD. Trong đó, người từ các cộng đồng đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ (CALD) bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Số tiền thiệt hại thực tế được cho có thể cao hơn ước tính vì cứ ba nạn nhân bị lừa đảo, có một người không trình báo cho chính quyền.
Trước những thông tin trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân nâng cao kiến thức nhằm nhận biết, phòng tránh các hình thức lừa đảo trên không gian mạng.
Khi sử dụng Internet, cần cảnh giác những lời mời chào hấp dẫn, các tổ chức tài chính không rõ danh tính, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay giao dịch chuyển tiền dưới mọi hình thức. Ngoài ra, không nên tin tưởng hoàn toàn vào những thông tin và đối tượng trên mạng xã hội.
Khi gặp trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền để được hỗ trợ, giải quyết.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.
Lừa kêu gọi từ thiện, chiếm đoạt hàng tỷ đồng
Đối tượng lừa đảo tạo nhiều tài khoản khác nhau, đăng tải hoàn cảnh khó khăn rồi kêu gọi quyên góp nhằm chiếm đoạt tài sản.
Các trò lừa đảo du lịch dịp lễ 30/4 - 1/5
Kỳ nghỉ lễ năm nay kéo dài, những người có nhu cầu du lịch cần đề phòng một số thủ đoạn lừa đảo trực tuyến.
Cảnh báo tình trạng mua tài khoản ngân hàng để lừa đảo
Thời gian gần đây, đối tượng lừa đảo thường đăng bài thuê, mua lại tài khoản ngân hàng để phục vụ hành vi phạm tội.