Công ty Hanacans thực hiện việc nhập khẩu nguyên liệu nhôm lá mỏng dạng cuộn để sản xuất vỏ lon. Khi nhôm về tới cảng, công ty đã thực hiện mở tờ khai nhập khẩu, thực hiện đóng thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với toàn bộ số hàng trên.
Nhôm được công ty dùng sản xuất vỏ lon và tiến hành xuất khẩu. Trước khi xuất khẩu, công ty đã đăng kí bảng định mức tiêu hao nguyên liệu là 13,5g nhôm lá/lon với cơ quan hải quan.
Hơn 200 triệu tiền thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp có khả năng mất trắng. |
Sau xuất khẩu, trên cơ sở lượng lon xuất khẩu và định mức tiêu hao đã đăng ký, công ty Hanacans tiến hành thủ tục để xin hoàn lại số thuế nhập khẩu cho lượng nhôm tương ứng đã dùng để sản xuất lon xuất khẩu. Cơ quan thuế Bắc Ninh đã kiểm tra và thực hiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật.
Ngày 15/10/2015, Cục Hải quan Bắc Ninh tiến hành kiểm tra sau thông quan tại công ty Hanacans. Kết quả kiểm tra đã phát hiện chênh lệch giữa định mức tiêu hao nguyên liệu (do công ty đăng ký) với thực tế sử dụng.
Cụ thể, theo tiêu chuẩn chung của các nhà sản xuất vỏ lon trên thế giới và Việt Nam, để sản xuất 1 vỏ lon cần 13,5g nhôm lá dạng cuộn, chưa kể phế phẩm 3%. Tuy nhiên thực tế, trong lượng tiêu hao13,5g nhôm, khối lượng thuần của thành phẩm chỉ có 9,4g, còn lại 4,1 là khối lượng phế liệu.
Do đó, Cục Hải quan Bắc Ninh đã điều chỉnh, chỉ hoàn thuế cho khối lượng thuần của thành phẩm (9,4g/lon), đồng thời tiến hành truy thu số thuế đã hoàn đối với khối lượng phế liệu (4,1g/lon).
Ngày 4/12/2015, Hải quan Bắc Ninh ra quyết định số 502/QĐ-HQBN ấn định thuế đối với thành phần nguyên liệu chênh lệch gồm 72 triệu thuế nhập khẩu và 247 triệu thuế GTGT.
Ngay sau khi nhận được quyết định trên, Công ty Hanacans đã nộp toàn bộ số tiền thuế được Cục Hải quan ấn định vào ngân sách nhà nước.
Dù vậy, theo quy định tại Khoản 6, Điều 14, Thông tư 219/2013/TT-BTC thì số thuế GTGT đã nộp theo Quyết định 502 trên sẽ được khấu trừ toàn bộ. Do đó công ty đã gửi đơn lên Cục Thuế Bắc Ninh xin được giải quyết.
Tuy nhiên công văn số 2275/CT-KT2 của Cục Thuế Bắc Ninh khẳng định công ty không được khấu trừ. Cục Thuế Bắc Ninh cũng hướng dẫn công ty Hanacans liên hệ với Cục Hải quan Bắc Ninh để xem xét xử lý.
Song khi gửi đơn lên, Cục Hải quan Bắc Ninh lại không trả lời trực tiếp mà hướng dẫn công ty Hanacans liên hệ với cơ quan thuế địa phương và Tổng cục Thuế để được giải quyết.
Công ty Hanancans lại gửi đơn lên Bộ Tài chính, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Thay vào đó, công ty nhận được công văn số 1763/TCT-KK của Tổng cục Thuế với nội dung: số thuế GTGT đã nộp theo Quyết định 502 không được khấu trừ.
Trước các hướng dẫn qua lại của các cơ quan mà vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng, công ty Hanacans đã gửi công văn lên Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị để xem xét.
Theo đó, công ty Hanacans cho rằng, việc áp dụng luật thuế GTGT để ấn định thuế GTGT của Cục Thuế Bắc Ninh là không có cơ sở. Bởi công ty đã nộp thuế nhập khẩu, thuế GTGT cho toàn bộ số hàng khi mở tờ khai nhập khẩu, cũng như đã tiến hành hoàn thuế GTGT tại cơ quan thuế nội địa và thuế nhập khẩu tại cơ quan Hải quan.
Ngoài ra, việc kê khai không đúng định mức tiêu hao nguyên liệu không ảnh hưởng gì đến số thuế GTGT mà công ty đã nộp ở khâu nhập khẩu và khâu hoàn thuế ở cơ quan thuế nội địa.
Thêm vào đó, toàn bộ số phế liệu, phế phẩm thải loại đã được bán hết ra thị trường, không còn tồn kho.
Vì thế, công ty Hanacans cho rằng số thuế GTGT 247 triệu mà công ty đã nộp là số tiền nộp thừa vào ngân sách. Nhưng trước việc “đùn đẩy trách nhiệm và chưa có câu trả lời thỏa đáng” giữa cơ quan thuế và cơ quan hải quan, số tiền này có khả năng mất trắng.