Theo Bloomberg, giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ trả tiền cho hầu hết nạn nhân của vụ lừa đảo ngân hàng lớn nhất đất nước. Trước đó, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình để gây sức ép lên Bắc Kinh.
Cụ thể, theo tuyên bố của Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC), khách hàng của 4 ngân hàng ở tỉnh Hà Nam và một nhà băng tại tỉnh An Huy sẽ được "trả tiền sớm" kể từ ngày 15/7. Nhưng nhiều người vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm sau tuyên bố của giới chức địa phương.
Đám đông tập trung tại một chi nhánh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở Trịnh Châu. Ảnh: South China Morning Post. |
Nguy cơ mất tiền tiết kiệm
Theo tuyên bố, những khách hàng gửi dưới 50.000 nhân dân tệ (7.400 USD) sẽ được hoàn trả trước.
Nhưng những khách hàng gửi hơn 50.000 nhân dân tệ vẫn lo ngại rằng họ sẽ không được hoàn trả đầy đủ. Thêm vào đó, CBIRC cho biết sẽ không trả tiền cho những tài khoản bị nghi ngờ liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp hoặc nhận lãi suất cao từ những kênh huy động khác.
"Chính quyền địa phương đang tìm cách duy trì ổn định xã hội bằng cách bỏ tiền túi để trả trước cho các nạn nhân", ông Liao Zhiming - nhà phân tích tại China Merchant Securities Co. - bình luận. Cuộc biểu tình với quy mô hàng trăm người là hiếm gặp ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông, những khách hàng gửi số tiền lớn sẽ không được hoàn trả đầy đủ. Bởi khoản tiền không phải tiền gửi và không được bảo vệ bởi chương trình bảo hiểm tiền gửi quốc gia.
Cuộc biểu tình với quy mô hàng trăm người hiếm gặp ở Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post. |
Mới đây, trên các video được lan truyền rộng rãi tại Trung Quốc, đám đông biểu tình tập trung tại một chi nhánh của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ở Trịnh Châu. Họ ném những chai nước rỗng, giơ cao biển và hét lên "trả lại tiền cho chúng tôi".
Những người biểu tình muốn đòi lại khoản tiền gửi lên tới hàng chục tỷ nhân dân tệ. Theo Ủy ban Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, kết quả điều tra chỉ ra New Fortune Group Hà Nam - một công ty đầu tư tư nhân có cổ phần ở 4 nhà băng nhỏ tỉnh Hà Nam - đã thông đồng với các nhân viên ngân hàng để huy động vốn trái phép thông qua những nền tảng trực tuyến của bên thứ 3, sau đó tạo ra các khoản vay giả để chuyển tiền.
Các tài khoản đã bị đóng băng nhằm phục vụ quá trình điều tra. Khi không thể truy cập tài khoản ngân hàng của mình kể từ tháng 5, người gửi bắt đầu xuống đường biểu tình.
"Chúng tôi như ngồi trên đống lửa", cô Chris - một khách hàng đã gửi 400.000 nhân dân tệ (tương đương 59.693 USD) ở một trong số các ngân hàng - chia sẻ.
"Tệ hơn, chúng tôi sợ rằng số tiền tiết kiệm sẽ bị coi là những khoản đầu tư bất hợp pháp", cô nói.
Tiến thoái lưỡng nan
Khác với trước đây, Bắc Kinh hiện sẵn sàng để mặc các nhà băng hoạt động yếu kém sụp đổ. Điều này nhằm giảm bớt những hành vi rủi ro và duy trì sự ổn định lâu dài của hệ thống tài chính.
Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đang rơi vào thế khó. Bởi hệ thống tài chính cũng sẽ chao đảo khi công chúng mất niềm tin vào khả năng tồn tại lâu dài của ngân hàng, hay sự hỗ trợ của nhà nước trong những giai đoạn khó khăn về thanh khoản.
Các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc rất dễ tổn thương, bởi nợ xấu đã trở thành vấn đề nghiêm trọng sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ và quản lý khoản vay yếu kém. Trung Quốc có gần 4.000 ngân hàng vừa và nhỏ, kiểm soát tổng cộng 14.000 tỷ USD.
Nếu không xử lý ổn thỏa, vụ việc sẽ dẫn đến bất ổn và đe dọa sự ổn định xã hội
Bà Betty Wang - nhà kinh tế cấp cao tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd.
Theo CBIRC, trong vài năm qua, các nhà chức trách đã xử lý khoản nợ xấu trị giá 2.600 tỷ nhân dân tệ tại những ngân hàng nhỏ. Bắc Kinh cũng huy động hàng trăm tỷ nhân dân tệ cho một quỹ bình ổn nhằm giải cứu các tổ chức tài chính gặp khó khăn.
Những ngân hàng nông thôn chỉ chiếm dưới 1% tổng tài sản mà các ngân hàng quản lý. Do đó, vụ lừa đảo sẽ không có tác động lan tỏa đến toàn bộ lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo bà Betty Wang - nhà kinh tế cấp cao tại Australia & New Zealand Banking Group Ltd., nếu không xử lý ổn thỏa, vụ việc sẽ dẫn đến bất ổn và đe dọa sự ổn định xã hội.
Theo ông Michael Pettis - giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, vụ việc ở Hà Nam là hồi chuông cảnh báo đối với giới chức Bắc Kinh. Ông cho rằng thập kỷ qua, Trung Quốc đã ghi nhận bong bóng bất động sản phình to và nợ gia tăng với tốc độ kỷ lục.
"Dường như mọi giai đoạn ghi nhận giá bất động sản tăng vọt và tăng trưởng tín dụng bùng nổ đều tạo động lực cho việc chấp nhận rủi ro quá mức, thậm chí là gian lận", ông nhận xét.
"Kết quả là, khi giới chức tìm cách ngăn chặn bong bóng, những tổn thất và gian lận tiềm ẩn trong hệ thống đều vượt ngoài kiểm soát của họ", vị giáo sư nói thêm.