Theo South China Morning Post, trở về Thượng Hải hồi năm 2020 sau vài năm du học tại Anh, George Zhao sốt sắng tìm kiếm công việc phù hợp với chuyên môn của mình. Gần kết thúc mùa cao điểm tuyển dụng, Zhao vẫn không được công ty nào nhận. Anh vô cùng sốt ruột.
Để tăng cơ hội tìm được việc làm ưng ý, Zhao mạnh tay chi đến 36.000 NDT (5.500 USD) cho UniCareer, một trong những công ty tư vấn huấn luyện nghề nghiệp hàng đầu Trung Quốc. Đây là phí mua gói dịch vụ 6 tháng.
Với gói tư vấn này, các "huấn luyện viên" cung cấp 10 "bài học nhỏ" cho khác hàng. "Huấn luyện viên" được quảng cáo là các chuyên gia từ nhiều ngành khác nhau. Họ hướng dẫn cho khách hàng về mọi thứ trong quá trình xin việc như cách viết CV, kinh nghiệm trả lời phỏng vấn.
Đặc biệt, UniCareer cam kết sẽ giới thiệu những công ty phù hợp cho Zhao nhờ mối quan hệ riêng của các huấn luyện viên. Ngoài ra, công ty cũng cam kết hoàn lại 70% chi phí nếu Zhao không được công ty nào mời làm việc khi hết thời hạn dịch vụ.
Năm nay, ước tính 9,09 triệu sinh viên mới tốt nghiệp gia nhập lực lượng lao động tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Tốn tiền vô ích
Tuy nhiên, Zhao vẫn không tìm được công việc thích hợp. Tháng 11/2020, anh đề nghị được hoàn lại tiền dịch vụ đã đóng, nhưng công ty liên tục trì hoãn thanh toán mà không đưa ra lý do rõ ràng. Đến cuối tháng 2 năm nay, Zhao hoàn toàn mất liên lạc với trung tâm này.
George Zhao không phải trường hợp duy nhất rơi vào tình trạng "tiền mất, tật mang" vì tin tưởng các dịch vụ tư vấn việc làm. Trong năm ngoái, số lượng đơn khiếu nại các công ty tư vấn nghề nghiệp lớn ở Trung Quốc tăng vọt, khiến mô hình kinh doanh của các công ty tư vấn nghề nghiệp đối mặt nhiều nghi ngờ.
Hàng năm, có 8-9 triệu sinh viên mới tốt nghiệp gia nhập lực lượng lao động Trung Quốc. Năm nay, con số ước tính lên đến 9,09 triệu người. Do đó, người lao động trẻ Trung Quốc đối mặt với môi trường cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt khi tìm kiếm việc làm.
Tận dụng thời cơ, các công ty tư vấn và môi giới việc làm mọc lên như nấm. Những tưởng các dịch vụ môi giới việc làm có thể giải cứu "cơn khát" việc làm của giới trẻ, nhưng đại dịch Covid-19 ập đến khiến ngành công nghiệp tiềm năng này trở thành tâm điểm của những chỉ trích và tranh cãi.
Các hội chợ việc làm tại Trung Quốc luôn thu hút đông đảo sinh viên mới tốt nghiệp. Ảnh: Reuters. |
Theo báo cáo của Công ty LeadLeo, quy mô doanh thu của ngành đào tạo tiền sự nghiệp tại Trung Quốc tăng 300% kể từ năm 2014 đến nay. Đối tượng khách hàng chính là các du học sinh có nguồn lực tài chính, sẵn sàng chi trả mức phí lên tới 50.000 NDT (7.600 USD).
Theo trang Zhaopin, một trong những cổng thông tin việc làm lớn nhất Trung Quốc, lượng du học sinh Trung Quốc về nước tìm việc trong năm 2020 tăng hơn 67% so với một năm trước đó.
Một trong những dịch vụ đắt đỏ và gây ra nhiều tranh cãi nhất là gói hứa hẹn, đảm bảo học viên sẽ được giới thiệu việc làm, đồng thời công ty cam kết sẽ hoàn lại chi phí nếu học viên không được công ty nào mời làm việc khi thời hạn gói dịch vụ kết thúc. Gói này có giá lên đến 7.700 USD.
Giá cao, hiệu quả thấp
"Dịch vụ này giống như VVVVVIP, cao cấp hơn nhiều so với VIP. Học sinh có những huấn luyện viên tốt hơn, được tư vấn trực tiếp một kèm một, được giới thiệu nhờ vào mạng lưới quan hệ của tư vấn viên, từ đó có nhiều cơ hội hơn", bà Tanya Wang thuộc một công ty tư vấn nghề nghiệp cho biết.
"Nó giống một cuộc cá cược. Nếu muốn vào những công ty danh tiếng như Baidu, Alibaba hoặc Tencent, bạn phải trả 50.000 NDT. Nếu thất bại, bạn được hoàn lại 80% chi phí. Bạn phải bỏ tiền để giành thêm lợi thế trong thị trường việc làm vậy", bà Wang nói thêm.
Tuy nhiên, chất lượng của dịch vụ tư vấn này lại kém xa so với những gì được quảng cáo. Jane Xu, một học viên của UniCareer, cho biết cô vô cùng hối hận vì đã trao tiền cho UniCareer với hy vọng có thể tìm được một công việc tốt.
"Tôi chỉ nhận được cuộc gọi phỏng vấn duy nhất từ một công ty gia công phần mềm, cũng không nổi tiếng lắm", Xu nói nói. Cô chi 33.000 NDT (hơn 5.000 USD) cho gói "đảm bảo việc làm". Trung tâm hứa hẹn cô sẽ được ít nhất 3 công ty phỏng vấn và cam kết hoàn tiền 80% nếu không được nhận.
Họ cung cấp một vài khóa đào tạo, mặt khác lấy học phí của học viên mới để hoàn tiền cho người cũ
Jane Xu, học viên của UniCareer
Xu không tìm được việc thông qua dịch vụ của UniCareer và phải mất 6 tháng mới đòi được tiền từ công ty này. "Họ cung cấp một vài khóa đào tạo, mặt khác thì lấy học phí của học viên mới hoàn tiền cho người cũ. Khi có ít học viên mới, các trung tâm này lập tức gặp khó khăn về tài chính ngay", Xu phân tích.
Không ít các công ty tư vấn nghề nghiệp đối mặt với tình hình tài chính khó khăn. Năm ngoái, Caixin đưa tin Zhiwen - một công ty huấn luyện nghề nghiệp nổi danh khác tại Trung Quốc - nợ lương nhân viên và trì hoãn hoàn trả chi phí cho học viên trong nhiều tháng sau khi dòng tiền cạn kiệt.
Các công ty huấn luyện nghề nghiệp này lợi dụng tâm lý lo lắng của các sinh viên mới ra trường, liên tục truyền thông về sự khắc nghiệt của thị trường lao động để "hù dọa", lôi kéo khách hàng mua những khóa học đắt đỏ nhưng vô bổ.
Sau khoảng thời gian "học tập" vô tác dụng tại UniCareer, Geogre Zhao tự mình tìm được việc làm tại một công ty hàng tiêu dùng tại Thượng Hải.
"Những dịch vụ loại này không cải thiện kỹ năng tìm việc của bạn mấy. Bạn có thể dễ dàng tìm thấy những gì họ dạy trên mạng. Chỉ cần chịu khó bỏ thời gian tìm kiếm, cuối cùng bạn cũng sẽ tìm được việc làm thôi", Zhao khẳng định.