Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Dự án Vũ Hán sụp đổ, giấc mơ chip Trung Quốc mờ mịt

Được bơm số tiền khổng lồ nhưng nhà máy sản xuất chip của HSMC tại Vũ Hán cửa đóng then cài. Đây chỉ là một trong số hàng chục dự án chip thất bại ở Trung Quốc.

giac mo chip vu han lui tan anh 1

Trong một buổi chiều lất phất mưa tháng 3, khuôn viên Hongxin Semiconductor Manufacturing Co (HSMC) - nhà máy sản xuất chip lớn nhất Vũ Hán - trống rỗng và lặng ngắt.

Theo South China Morning Post, sự im lặng đáng sợ đó hoàn toàn trái ngược với quang cảnh của nhà máy hồi cuối năm 2019. "Hồi đấy đường phố rất tấp nập, hàng quán ăn uống đông đúc, chỗ đậu xe trong nhà máy kín đặc", một cựu nhân viên của HSMC hồi tưởng.

Nhà sáng lập HSMC Cao Shan từng cam kết sẽ xây dựng một nhà máy chip thách thức vị thế dẫn đầu của Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc. Khi đó, chính quyền Vũ Hán lập tức bị hấp dẫn.

Chính quyền Vũ Hán cung cấp mọi điều kiện và ưu đãi cần thiết cho HSMC nhằm hiện thực hóa giấc mơ đưa thành phố này lên vị trí dẫn đầu trong ngành sản xuất chất bán dẫn của Trung Quốc. Tuy nhiên, giấc mơ này đang biến thành một cơn ác mộng.

giac mo chip vu han lui tan anh 2

Cảnh hoang vắng tại nhà máy sản xuất chip HSMC ở Vũ Hán vào đầu tháng 3. Ảnh: SCMP.

Những lời hứa bất thành

HSMC từng được xem là một doanh nghiệp đầy triển vọng trong ngành chip Trung Quốc. Nhà máy Vũ Hán được động thổ vào đầu năm 2018. Ban lãnh đạo HSMC hứa hẹn rằng nhà máy sẽ đạt công suất 30.000 bảng wafer/tháng, sử dụng công nghệ 14 nanomet tiên tiến để sản xuất các loại chip sản xuất điện thoại và ôtô thông minh.

Nhà máy của HSMC tại Vũ Hán hứa hẹn tạo ra 50.000 việc làm, đạt sản lượng hàng năm 60 tỷ NDT (9,25 tỷ USD). Theo báo cáo của chính quyền thành phố Vũ Hán, sau khi hoàn thành giai đoạn một, nhà máy HSMC có diện tích hơn 390.000 m2.

Tuy nhiên, sau 3 năm, nhà máy chip lớn nhất Vũ Hán trở thành một thất bại ê chề. Đến nay, cơ sở này chưa sản xuất được bất kỳ một con chip nào. Nhiều khu vực bên trong nhà máy chưa được hoàn thành, gạch đá ngổn ngang. Khu nhà ở cho công nhân không một bóng người.

Thỉnh thoảnh một vài cựu nhân viên tới nhà máy để đòi tiền bồi thường vì bị cho nghỉ đột ngột. Nhưng ông Cao Shan và các giám đốc điều hành cấp cao khác của HSMC đều biến mất không tung tích. Một cựu kỹ sư của HSMC cho biết anh gia nhập công ty vào năm 2019. Anh và 239 đồng nghiệp bị buộc thôi việc vào ngày 5/3.

Nguyên nhân khiến các kỹ sư bị sa thải hàng loạt là công ty "không có kế hoạch tiếp tục hoạt động và sản xuất". Kể từ ngày 5/3, hầu hết nhân viên của HSMC đều mất việc, chỉ được bồi thường một tháng lương. Logo và biển hiệu của công ty cũng bị gỡ xuống.

giac mo chip vu han lui tan anh 3

HSMC từ một giấc mơ đẹp trở thành cơn ác mộng của ngành sản xuất chip Trung Quốc. Ảnh: CGTN.

Đặt quá nhiều mục tiêu đầy tham vọng, HSMC cần nguồn vốn cực lớn để xây dựng nhà máy và sản xuất, tuy nhiên không thể xin thêm tài trợ từ chính phủ. Chính quyền huyện Đông Tây Hồ (Vũ Hán) đầu tư 200 triệu NDT (30 triệu USD) ban đầu vào HSMC, tuy nhiên chủ sở hữu công ty không rót 1,8 tỷ NDT (276 triệu USD) vào dự án như cam kết.

Năm 2019, một tòa án tại Vũ Hán đình chỉ quyền sử dụng 220.000 m2 đất trong giai đoạn hai của dự án sau khi một nhà thầu xây dựng khiếu nại HSMC nợ tiền xây dựng lên đến hàng triệu NDT. Thời điểm đó, các lãnh đạo của HSMC vẫn mua hệ thống in thạch bản đắt đỏ từ ASML và tổ chức tiệc mừng linh đình.

Không lâu sau đó, lãnh đạo công ty thế chấp hệ thống kỹ thuật mới để vay hơn 500 triệu NDT (76,8 triệu USD) từ một ngân hàng ở Vũ Hán. Cũng trong năm 2019, công ty bổ nhiệm ông Chiang Shang-yi vào vị trí giám đốc điều hành. Ông Chiang từng là giám đốc R&D tại TSMC, công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới.

Cơn ác mộng

Việc chiêu mộ được ông Chiang giúp HSMC tăng uy tín, nhưng công ty gặp rất nhiều rắc rối về nguồn vốn. Nhìn bề ngoài, mọi thứ đều có vẻ bình thường. Ngay cả khi dịch Covid-19 lan rộng khắp Vũ Hán, HSMC vẫn tiếp tục trả lương cho hàng nghìn nhân viên.

Tuy nhiên, rắc rối bùng lên khi ông Chiang đột ngột tuyên bố từ chức vào tháng 6/2020. Trả lời SCMP, ông Chiang mô tả quãng thời gian làm việc tại HSMC là "cơn ác mộng". Ông cũng nói không hề biết về tình trạng tài chính thật sự của công ty cho đến khi vấn đề bị chính quyền địa phương phanh phui.

Các cựu kỹ sư của HSMC cho biết bất chấp tình hình tài chính khó khăn, công ty vẫn tuyển dụng thêm hàng loạt nhân viên mới. Số lượng kỹ sư vào thời điểm đó vào khoảng hơn 400 người. Đến tháng 12, chính quyền thành phố Vũ Hán tiếp quản dự án HSMC và trao quyền cho một nhóm quản lý mới.

Đáng quan tâm là nhóm quản lý mới này không phải những người trong ngành bán dẫn, không có kiến thức chuyên môn. Tương lai của dự án chip lớn nhất Vũ Hán cũng chìm vào bóng tối từ đó.

giac mo chip vu han lui tan anh 4

Ông Chiang Shang-yi, một nhân vật đầy kinh nghiệm trong ngành sản xuất chip Trung Quốc, mô tả khoảng thời gian làm việc tại HSMC là "cơn ác mộng". Ảnh: Handout.

HSMC không phải là thất bại đầu tiên trong chiến dịch tự chủ công nghệ của Trung Quốc. Đầu năm ngoái, nhà máy sản xuất chip trị giá 100 triệu USD của Công ty GlobalFoundries và chính quyền thành phố Thành Đô bị giải thể sau gần hai năm hoạt động ì ạch.

Dự án chip trị giá 3 tỷ USD của Công ty Tacoma Semiconductor Technology ở Nam Kinh cũng phá sản hồi tháng 7 vì không gọi được vốn. Tổng cộng hơn 10 dự án thuộc ngành bán dẫn cao cấp - được chính quyền các địa phương chống lưng - đã phá sản trong 2 năm qua.

Mới đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) tuyên bố sẽ tăng cường giám sát những công ty mới hoạt động trong "giai đoạn hỗn loạn" của ngành công nghiệp chất bán dẫn.

Trên thực tế, Trung Quốc không che giấu giấc mơ tự chủ và thậm chí dẫn đầu ngành công nghệ chip toàn cầu. Năm 2014, chính quyền Bắc Kinh thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch quốc gia, huy động được hơn 50 tỷ USD sau hai vòng gọi vốn.

Quá nhiều tiền nhưng kiểm soát yếu

Chính quyền nhiều tỉnh thành như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Hồ Bắc, Giang Tô và Phúc Kiến cũng lập ra các quỹ khuyến khích xây dựng với tổng trị giá hơn 300 tỷ NDT (46 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn tại địa phương.

Thống kê chính thức cho thấy các khoản đầu tư cho ngành công nghiệp chip chiếm khoảng 30% tổng giá trị thị trường Star Market, một kênh đầu tư tư nhân dành riêng cho các ngành công nghiệp mới ở Trung Quốc. Thị trường này có 413 công ty đầu tư vào chất bán dẫn trong năm ngoái, trị giá hơn 140 tỷ NDT (21,5 tỷ USD), tăng gần 4 lần so với năm trước.

Nguồn tiền quá lớn nhưng việc kiểm soát thiếu chặt chẽ khiến nhiều dự đi vào ngõ cụt, như HSMC là một ví dụ ê chề. Chuyên gia phân tích Liu Yushi của hãng nghiên cứu CINNO cho biết: "Nhiều chính quyền háo hức khởi động các dự án công nghệ cao nhưng thiếu kinh nghiệm và hiểu hết về những rủi ro. Họ chỉ đơn giản là đổ tiền để thu hút dự án".

Ông Roger Sheng, nhà phân tích ngành bán dẫn tại Gartner, nhận định: “Ở Trung Quốc, nguồn tiền sẵn sàng đổ vào ngành bán dẫn là rất lớn, nhưng hiệu quả ra sao lại là một câu chuyện hoàn toàn khác".

giac mo chip vu han lui tan anh 5

Số lượng công ty đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chip ở Trung Quốc tăng dần qua từng năm. Ảnh: SCMP.

So sánh nguồn vốn và khả năng thực thi còn hạn chế của ngành chất bán dẫn với "động cơ" và "hộp số", ông Warren Zhou Hualin, Giám đốc Đầu tư Decent Capital, cho biết: "Kể từ năm 2018, các khoản đầu tư quy mô lớn vào ngành đã tiếp đủ năng lượng cho 'động cơ', nhưng 'hộp số' của chúng ta không đủ tốt. Trung Quốc đang điều chỉnh sự bất cập này một cách rất chậm chạp".

Chuyên gia Xu Mengnan thuộc Hengqin Financial Investment đánh giá: "Ngành công nghiệp chất bán dẫn Trung Quốc đang ở trong giai đoạn hỗn loạn hệt như những gì ngành năng lượng mặt trời từng trải qua trong quá khứ".

"Ở giai đoạn đầu, có quá nhiều kênh đầu tư và hỗ trợ tài chính, dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp. Tuy nhiên, đó là một quá trình 'đãi cát tìm vàng' cần thiết, để chỉ những cái tên sáng giá thật sự trụ lại được", ông nhấn mạnh.

Không tự chủ công nghệ chip, Trung Quốc chỉ có thể nhờ vả Mỹ

Trung Quốc hoàn toàn phụ thuộc vào công nghệ chip Mỹ và khó có thể phát triển thành công ngành công nghiệp bán dẫn nội địa.

Bùi Ngọc

Bạn có thể quan tâm