Những ngày qua, Khu trưng bày tượng sáp nghệ sĩ Việt nhận được sự quan tâm của dư luận. Ngoài việc thu hút sự chú ý bởi mức độ sát với đời của các bức tượng, sự khen chê của công chúng, công trình này còn đi vào lịch sử bởi Việt Nam lần đầu tiên có bảo tàng tượng sáp.
Nhưng ít ai biết, dự án ý nghĩa này do một nhóm các nhà điêu khắc tự bỏ tiền túi làm mà không có sự can thiệp của bất kỳ nhà tài trợ nào. Giới nghệ sĩ cũng không phải mất tiền ngoài việc một vài cá nhân tự chuẩn bị trang phục cho tượng của mình.
Zing.vn đã tìm hiểu câu chuyện hậu trường, được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông và Thái Ngọc Bình chia sẻ dự án tâm huyết của họ với nhiều chi tiết thú vị.
Bán nhà ở Phú Mỹ Hưng, Đà Lạt để theo đuổi dự án tâm huyết
Năm 2011, bộ ba nhà điêu khắc gồm vợ chồng anh Nguyễn Văn Đông – Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình ấp ủ công trình tâm huyết lớn nhất cuộc đời họ: dự án làm tượng sáp nghệ sĩ Việt.
Họ từng chu du nhiều nước trên thế giới, dành sự ngưỡng mộ và đam mê với nghệ thuật chế tác tượng sáp. Thế nhưng, anh Đông bảo các nghệ nhân thường giấu nghề, nên họ quyết tâm sang nước ngoài học.
Ban đầu, bộ ba chỉ tính tạc tượng để bán cho những người có nhu cầu. Nhưng khi bắt đầu, họ lại nảy ra ý tưởng táo bạo hơn nhằm lưu lại mai sau. Dự án tạc tượng nghệ sĩ dần hình thành nhưng cần phải có kinh phí lớn để thực hiện.
Vợ chồng nhà điêu khắc Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện bên tượng của Hoài Linh ở đợt đầu. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc. |
Vợ chồng anh Đông bèn quyết định bán 2 căn nhà ở khu Phú Mỹ Hưng, TP.HCM và vài mảnh đất ở nơi khác. Ngoài ra, họ còn rao bán nhà ở Đà Lạt để có đủ điều kiện thực hiện ý tưởng. Anh Đông hài hước bảo may mắn vợ chồng anh chỉ có 2 cô con gái, sau này lớn sẽ gả chồng nên không quá lo lắng về tiền bạc.
Trước đây, vợ chồng anh thường du lịch ở nước ngoài, có khi ở cả tháng mà không bận tâm đến tiền bạc. Giờ đây, cả 2 phải dành cả ngày cả đêm ở xưởng đúc, không bước chân ra đường. Anh nói công trình không chỉ chở cả tâm huyết mà còn “ngấu nghiến” không biết bao nhiêu tiền bạc của mình. Cũng may, nhờ vợ chồng đồng lòng nên không phải tranh cãi về chuyện mưu sinh.
Công trình mất 6 năm hoàn thiện, chở theo không biết bao công sức, mồ hôi. Từ việc tìm nguyên liệu, sản xuất tượng rồi phải bỏ đi làm lại vì chưa được vừa ý rất công phu. Ngày khánh thành, bộ ba nhà điêu khắc không nói nên lời trước thành tựu của biết bao người.
Theo anh Đông, công trình tạc tượng tiêu tốn hết toàn bộ tài sản của vợ chồng anh. Ảnh: Nguyễn Bá Ngọc. |
Anh Đông cho biết để làm nên bảo tàng tượng sáp, công cán không chỉ riêng 3 người, nó còn là mồ hôi, nước mắt của biết bao nghệ nhân cùng chung chí hướng. Anh kể khi nhận lời tham gia, nhiều người cũng đã xác định làm vì đam mê, hoài bão bởi vợ chồng anh Đông không có nhiều kinh phí, chỉ đủ hỗ trợ nghệ nhân tiền ăn ở, đi lại.
Thế nhưng, nhiều người vẫn đồng cam cùng vợ chồng anh. Ngày và đêm miệt mài ở xưởng đúc, không có thời gian dành cho gia đình. “Nhiều anh còn bị vợ bỏ vì đam mê này”, nhà điêu khắc cười buồn nói.
Giá vé 100.000 đồng không đủ thu hồi vốn
Thế nhưng, sau vài ngày khai trương, dư luận bắt đầu lời ra tiếng vào về mức độ giống của tượng sáp so với thực tế và giá vé quá cao. Nhà điêu khắc Thái Ngọc Bình tâm sự vốn đầu tư ban đầu dao động từ 17-25 tỷ đồng nhưng quá trình làm đã phát sinh vượt qua con số dự kiến không ít. Chưa hết, việc tìm mặt bằng cho khu triển lãm và công đoạn khai trương đã tiêu tốn kinh phí khá lớn.
“Chúng tôi bỏ tiền túi ra làm, tới đâu hay tới đó chứ không nghĩ đến việc kêu gọi tài trợ vì như thế sẽ hạn chế nhiều thứ. Anh em vẫn còn gồng được nên cố gắng, rất may mắn khi mọi thứ đã hoàn thành, công sức đó không thể đong đếm hết được”, anh bộc bạch.
Anh bảo cả nhóm không ai nghĩ đến lợi nhuận, vì đây là ước mơ ấp ủ đã lâu. Họ muốn làm điều gì đó có ích cho xã hội, nếu tính đến yếu tố thương mại thì không ai dám bỏ số tiền đó ra làm vì không có khả năng thu hồi vốn. “Công ty có nguồn thu từ đơn vị đặt hàng ở nước ngoài và một số ít người giàu trong nước nên phần nào cũng yên tâm”, anh Bình cho biết.
Giới nghệ sĩ háo hức trong ngày khai trương bảo tàng tượng sáp. Ảnh: Lữ Đắc Long. |
Nói về giá vé tham quan 100.000 người/lượt, nhà điêu khắc nói anh đã tham khảo nhiều nơi. “Khi trình lên Sở Du lịch, họ còn nói rằng với mức giá này, chúng tôi sẽ khó duy trì hoạt động. Điều này không sai, vì tiền thuê mặt bằng, nhân viên, hệ thống máy lạnh, tiền điện… trong một tháng đã hơn 100 triệu đồng. Ở các bảo tàng trên thế giới, vé vào cửa là khoảng 50 USD”, anh tâm sự.
Anh Thái Ngọc Bình còn khẩn khoản mong đợi sự cộng hưởng của cộng đồng. Trong ngày khánh thành, anh cho biết Phó chủ tịch TP.HCM đã nói rằng cần giúp đỡ thì Sở Du lịch sẽ sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện bởi đây là công trình ý nghĩa và thành phố muốn nhân rộng ý nghĩa này.
Về những ý kiến khen chê, anh Bình nói công ty sẵn sàng lắng nghe đóng góp của mọi người. “Chúng tôi sản xuất 100 bức tượng, trong đó có khoảng 70% đạt đến sự hoàn hảo, 30% còn lại sẽ chỉnh sửa thêm. Tôi nghĩ nghệ sĩ họ không ghét bỏ chúng tôi, vì dự án này xuất phát từ sự trân trọng những đóng góp của họ dành cho nghệ thuật.
Nếu chứng kiến chúng tôi làm đi làm lại nhiều lần để có bức tượng hoàn hảo, mọi người sẽ thấy anh em tâm huyết thế nào. Nhiều nghệ sĩ cũng góp ý thêm để thành phẩm được chỉn chu”, anh Bình bộc bạch.