Một lần nữa, người dân Syria lại nghe thấy tiếng các tòa nhà đổ sập và chứng kiến bụi bốc lên từ những đống bê tông xám xịt. Một lần nữa, mọi người dùng tay đào bới đống đổ nát với hy vọng cứu được những người thân yêu.
Trên khắp khu vực Tây Bắc Syria hôm 6/2, các khu chung cư, cửa hàng, thậm chí toàn bộ khu dân cư đã bị một trận động đất mạnh xóa sổ trong vài giây. New York Times nhận định đây là cảnh tượng quá đỗi quen thuộc với một khu vực bị tàn phá bởi hơn một thập kỷ nội chiến.
Hàng triệu người đã di dời lên khu vực phía Bắc vì xung đột. Nền kinh tế sụp đổ do chiến tranh đã khiến nhiều người trong số họ không thể có được một bữa ăn tươm tất. Họ cũng phải nằm run rẩy trên giường do không được sưởi ấm trong cuộc khủng hoảng nhiên liệu vào mùa đông năm nay.
Cơ sở hạ tầng đổ nát của Syria đã khiến hàng nghìn người mắc bệnh tả. Những bệnh viện đổ nát cũng đồng nghĩa với việc nhiều người không được chăm sóc sức khỏe. Cuộc sống của họ lại càng thêm khốn đốn sau trận động đất dữ dội hôm 6/2.
"Chúng tôi nhìn lên trời tìm máy bay"
Ở Syria, nơi có hơn 1.450 người thiệt mạng, nhiều khu dân cư đồng loạt bị san bằng. Chỉ trong vài giây, nó đã gây ra sự tàn phá giống với những cuộc không kích liên tiếp - điều mà người dân nơi đây đều quen thuộc.
Vốn mắc kẹt giữa giao tranh của chính phủ Syria và các nhóm chiến binh đang kiểm soát khu vực, cuộc sống của khoảng 4,5 triệu người ở phía Tây Bắc nước này đã rất khó khăn. 91% người dân ở đây phụ thuộc vào nguồn viện trợ để tồn tại.
Tại một bệnh viện ngay ngoại ô Idlib, những thi thể liên tiếp được đưa đến, bác sĩ Osama Salloum chia sẻ. “Chúng tôi liên tục nhìn lên bầu trời để tìm máy bay”, ông nói, đồng thời cho biết đã bị bối rối vì ngỡ là xung đột.
Một người đàn ông bế một bé gái ở thị trấn Jandaris (Syria) sau trận động đất. Ảnh: Reuters. |
Mark Kaye, phát ngôn viên của Ủy ban Cứu hộ Quốc tế, đã lặp lại yêu cầu gửi thêm viện trợ tới Syria sau trận động đất. “Ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới, đây sẽ là một trường hợp khẩn cấp. Những gì diễn ra Syria là một trường hợp khẩn cấp trong trường hợp khẩn cấp”.
Phần lớn Syria vẫn còn mang vết sẹo của cuộc xung đột, vốn đang trong tình trạng ngừng bắn mong manh kể từ đầu năm 2020. Nền kinh tế đang gặp hỗn loạn do các lệnh trừng phạt và nước này không có viện trợ tái thiết. Thiệt hại do chiến tranh gây ra cũng sẽ khiến việc ứng phó với trận động đất thậm chí còn khó khăn hơn.
Mặc dù các đội cấp cứu trên khắp khu vực bị ảnh hưởng đã phản ứng nhanh chóng, quy mô của sự tàn phá là quá lớn ngay cả đối với những nhân viên cứu hộ đã quen với các tòa nhà bị sập.
Họ không có đủ thiết bị cứu hộ để đối phó với số lượng lớn người bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Các tòa nhà còn trụ lại sau trận động đất mạnh 7,8 độ ban đầu đã sụp đổ do các dư chấn lặp đi lặp lại.
Điều đó đã phản ánh tình trạng mong manh của cơ sở hạ tầng Syria sau nhiều năm hứng chịu không kích và pháo kích.
Tại Aleppo, nhiều người dân cho biết họ quá sợ hãi, không dám ở trong các tòa nhà nên đã ở lại trong ôtô đỗ tại những không gian rộng rãi như sân bóng đá.
“Khung cảnh ở Aleppo thật đáng sợ. Có cảm giác như ngày tận thế”, Wall Street Journal dẫn lời Zaher Tahhan, một cư dân Syria.
Trong khi đó, khung cảnh từ các bệnh viện giống như đang trong giai đoạn cao điểm của cuộc giao tranh, khi các phòng bệnh chật kín bệnh nhân và các bác sĩ điều trị cho nạn nhân ở mọi ngóc ngách.
Năm tồi tệ nhất
Trên khắp đất nước, người dân đã rơi vào tình trạng khốn khó giống với một số giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc xung đột, vốn bắt đầu từ năm 2011.
Mùa đông năm nay, người Syria đốt rác và vỏ hạt dẻ cười chỉ để giữ ấm. Nhiều người chỉ tắm mỗi tuần một lần và nghỉ học hay làm việc tại nhà vì thiếu xăng để di chuyển. Nhiều người cũng phải bán áo khoác mùa đông để mua thức ăn.
Ở một số nơi, điện chỉ có khoảng một giờ/ngày, khiến máy sưởi và điện thoại di động trở nên vô dụng. Máy bơm nước tại các trang trại ngừng hoạt động, đẩy giá lương thực lên cao.
Máy bơm cũng không hoạt động trong các tòa nhà chung cư, khiến mọi người phải uống nước từ các nguồn bị ô nhiễm.
Theo Ngân hàng Thế giới, tổng sản phẩm quốc nội của Syria đã giảm hơn một nửa trong khoảng thời gian 2010-2020. Đại dịch Covid-19 còn khiến nền kinh tế nước này chịu thêm thiệt hại và làm căng thẳng hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Túi đựng thi thể của nạn nhân trận động đất được đặt trên đường phố Aleppo. Ảnh: Reuters. |
Hầu hết người dân Syria đều biết rằng tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đã khiến ngay cả những hoạt động cơ bản nhất cũng trở thành cơn ác mộng, thậm chí trước khi trận động đất xảy ra.
Nhiều người đã đốn hạ cành cây ở thủ đô Damascus và Ghouta, một vùng ngoại ô nông nghiệp gần đó, để đốt. Những người khác đốt bã dầu công nghiệp, lốp xe, quần áo cũ hoặc đơn giản là rác mà họ sai con cái ra ngoài đường để lượm lặt.
Bên ngoài các ngôi nhà, cuộc sống hầu như bị đình trệ khi taxi và phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động vì thiếu xăng.
Các trường học đóng cửa hoặc học sinh phải ở nhà vì không thể bật đèn hoặc sưởi ấm lớp học. Internet và mạng di động đã ngừng hoạt động. Một nhà báo cho biết gia đình của ông đã đi ngủ sớm nhất có thể, vào khoảng 18h, chỉ để giữ ấm.
Sự khan hiếm nhiên liệu, cùng với cơ sở hạ tầng cung cấp nước cũ nát, đã gây ra một cuộc khủng hoảng khác vào năm ngoái tại Syria: Bùng phát dịch tả.
Theo một cuộc khảo sát ở Đông Bắc Syria của tổ chức nhân đạo REACH, khả năng tiếp cận với nước sạch bị hạn chế đến mức một số người Syria đã từ bỏ việc rửa tay để đảm bảo nguồn nước uống hoặc uống trực tiếp từ sông Euphrates bị ô nhiễm.
“Mọi người đang nói rằng đây là năm tồi tệ nhất, bao gồm cả những năm chiến tranh”, Emma Forster, Giám đốc chính sách và truyền thông của Hội đồng Người tị nạn Na Uy tại Damascus, cho biết.
Cảnh ngộ của di dân Syria
Mục Thế giới giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách "Người nuôi ong thành Aleppo" kể về trải nghiệm di cư đến Anh để thoát khỏi cuộc nội chiến Syria. Bám theo nhân vật Nuri Ibrahim và những khó khăn trên hành trình của anh, “Người nuôi ong thành Aleppo” không chỉ cho thấy tình cảnh không thể chịu nổi của những người dân vô tội, đó đồng thời là những tổn thương, ám ảnh mà họ phải chịu đựng.
>> Độc giả có thể đọc thêm tại đây.