Tại một bệnh viện ở thành phố Adana, Thổ Nhĩ Kỳ, các bác sĩ trong phòng đang chăm sóc cho một bé gái 6 tháng tuổi bị thương sau khi không thể tìm thấy cha mẹ em.
Cô bé chỉ là một trong hàng trăm trường hợp trẻ em không xác định danh tính vì cha mẹ đã chết hoặc không thể tìm thấy.
Trận động đất đã phá hủy nhà cửa, gia đình và bây giờ lấy đi tên họ của các em, BBC ghi nhận.
Bé gái 6 tháng tuổi, mặt bầm tím, được gắn nhãn "vô danh" trên giường bệnh. Ảnh: BBC. |
Những bệnh nhân nhí vô danh
Bác sĩ Nursah Keskin nắm chặt tay bé gái đang được chăm sóc đặc biệt, chỉ được biết đến qua dòng chữ treo cuối giường: “Vô danh”.
Cô bé bị gãy xương nhiều chỗ, một bên mắt thâm đen và khuôn mặt bị bầm tím nặng, nhưng em mỉm cười khi thấy mọi người.
“Chúng tôi biết nơi người ta tìm thấy cô bé, cách cô bé đến được đây, nhưng chúng tôi đang cố gắng tìm địa chỉ cụ thể”, bác sĩ nhi khoa Keskin, Phó giám đốc bệnh viện, cho biết.
Rất nhiều nạn nhân, trong đó có nhiều trẻ em, đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của các tòa nhà bị sập do trận động đất mạnh 7,8 độ richter hôm 6/2 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Họ được đưa đến Adana vì bệnh viện vẫn còn nguyên vẹn.
Nhiều trung tâm y tế khác trong vùng thiên tai đã sập hoặc bị hư hại.
Trong một lần chuyển viện, những đứa trẻ sơ sinh được vội vã đưa đến đây từ phòng hộ sinh của một bệnh viện bị tàn phá nặng nề ở thành phố Iskenderun.
Các quan chức y tế Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trên khắp vùng thảm họa của đất nước hiện có hơn 260 trẻ em bị thương mà họ chưa thể xác định danh tính.
Con số đó có thể tăng lên đáng kể vì hoạt động cứu hộ vẫn đang diễn ra.
Một bé gái chưa xác định được danh tính, được cho là khoảng 5 hoặc 6 tuổi, bị chấn thương đầu và gãy nhiều xương. Ảnh: BBC. |
Không thể cất lời
Theo chân bác sĩ Keskin qua những hành lang đông đúc trong bệnh viện, có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh người sống sót sau trận động đất nằm trên xe đẩy, hoặc được đắp chăn và đặt nằm trên nệm ở khu vực cấp cứu.
Đi về phía khu phẫu thuật, hàng loạt trẻ em bị thương đang được khám chữa.
Một bé gái khoảng 5 hoặc 6 tuổi đang ngủ trong khi được truyền dịch. Các nhân viên y tế nói rằng cô bé bị chấn thương đầu và gãy nhiều xương.
Khi được hỏi liệu cô bé có nói được tên mình không, bác sĩ phẫu thuật nhi khoa Ilknur Banlicesur nói: “Không, các bé chỉ giao tiếp bằng mắt và cử chỉ. Vì quá sốc, những đứa trẻ này thực sự không thể nói được. Chúng biết tên mình. Sau khi lũ trẻ ổn định trong vài ngày nữa, chúng tôi có thể cố nói chuyện”.
Các quan chức y tế đã cố gắng tìm địa chỉ nhà của những đứa trẻ không xác định được danh tính, nhưng thường thì các địa chỉ lúc này không có gì hơn ngoài đống đổ nát.
Bác sĩ Ilknur Banlicesur cho biết nhiều trẻ em không thể nói được vì quá sốc. Ảnh: BBC. |
Mạng xã hội Thổ Nhĩ Kỳ tràn ngập các bài đăng về trẻ em mất tích, cho biết chi tiết nơi các em sống như tầng nào của tòa nhà nào, bày tỏ hy vọng chúng có thể đã được giải cứu và đưa đến bệnh viện.
Những người thân còn sống sót và các quan chức của Bộ Y tế đã di chuyển giữa các trung tâm y tế để cố gắng tìm kiếm những đứa trẻ.
Bản thân bác sĩ Keskin cũng đã mất người thân trong trận động đất. Cô trú ẩn trong bệnh viện cùng các con khi dư chấn xảy ra, nhưng nói rằng mình vẫn ổn hoặc ít nhất là đang cố ổn định tinh thần vì bọn trẻ “thực sự cần chúng tôi”.
“Cảm ơn trời, tôi vẫn còn các con của mình. Tôi không thể nghĩ ra nỗi đau nào lớn hơn đối với một người mẹ ngoài việc mất đi đứa con của mình”, cô nói thêm.
Bên cạnh vị bác sĩ, những bệnh nhân nhí đang chờ bố mẹ đến đón. Một số đã được đoàn tụ, nhưng phần còn lại vẫn là những đứa trẻ bị trận động đất tước đoạt danh tính và trở thành vô danh.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.