Trong cuộc họp chiều ngày 25/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Minh Tú cho biết các khâu chuẩn bị cho việc cung ứng tiền mặt đáp ứng nhu cầu Tết của người dân đã xong. Riêng việc đưa vào lưu thông tiền mệnh giá nhỏ từ 2.000 đồng trở xuống, đại diện Ngân hàng Nhà Nước khẳng định sẽ hạn chế in mới các loại tiền này mà chỉ phát hành đủ đáp ứng lượng tiền rách nát.
Thay vì in tiền lẻ mới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng vào lưu thông. |
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thống kê, riêng chi phí tổ chức in ấn tiền mệnh giá 2.000 đồng trở xuống lưu thông trong dịp tết đã tốn kém tới 300 tỷ đồng. Con số này chưa kể đến chi phí xã hội khác như chùa chiền bỏ công sức đếm, ngân hàng thương mại điều xe đến nhận tiền lại, chuyển tiền, gửi vào ngân hàng. Trong khi đó, lượng tiền mệnh giá nhỏ in mới này chủ yếu chỉ phục vụ cho các hoạt động lễ hội, chùa chiền, không phản ánh đúng chức năng của đồng tiền, và đa số các nhà sư đều cho rằng việc này cần điều chỉnh lại.
"Ở các nước trên thế giới, tiền được in ra để thanh toán chứ không phải để sử dụng với mục đích để lễ hội... Nhu cầu lưu thông loại tiền này thấp, trong khi Ngân hàng Nhà nước phải căng mình ra để có kho bảo quản các đồng tiền lẻ này khi khó đưa vào lưu thông vòng 2. Do đó, Ngân hàng Nhà nước không đặt vấn đề in tiền để đáp ứng nhu cầu đi chùa, lễ hội... vì như thế là quá lãng phí. Trong điều kiện ngân sách còn đang khó khăn, 300 tỷ đồng này có thể sử dụng vào rất nhiều mục tiêu khác mà đất nước cũng như nhân dân đang cần như xây dựng được nhiều trường học, bệnh viện ở vùng nông thôn", ông Tú chia sẻ.
Để đáp ứng nhu cầu tiền lẻ của người dân, Ngân hàng nhà nước sẽ đưa vào lưu thông lượng tiền 2.000 đồng, 1.000 đồng, 500 đồng... đã qua sử dụng một lần để tránh gây lãng phí. Với các loại tiền mệnh giá từ 5.000 đồng trở lên, nhà phát hành cho biết không có nhiều thay đổi so với các năm và vẫn đảm bảo nhu cầu tiền mới lì xì của người dân.