Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch vụ đổi tiền lẻ bắt đầu sôi động

Thị trường tiền lẻ, tiền mới thời điểm giáp Tết lại “sốt” do nhu cầu đổi tiền của người dân để lễ chùa, lì xì theo phong tục cổ truyền Việt Nam.

Dù đã có lệnh cấm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhưng không vì thế mà dịch vụ đổi tiền lẻ giảm nhiệt.

Tại các khu vực đền Quán Thánh, chùa Hà, phủ Tây Hồ... dịch vụ đổi tiền vẫn tấp nập mặc lệnh cấm. Càng gần dịp lễ Tết, lượng tiền lẻ, tiền đẹp mệnh giá từ 1.000 - 100.000 đồng "đổ" về đây với số lượng càng lớn hơn. Nhiều quầy "đổi tiền" di động mọc lên như nấm. Ngoài ra, rải rác tại phố Thái Thịnh, đường Láng, nhiều cửa hàng cầm đồ, bán trang sức cũng trưng biển đổi tiền lẻ. Tại khu vực phố Đinh Lễ, Đinh Tiên Hoàng, trước Bưu điện Hà Nội, hoạt động này năm nay tuy trầm lắng hơn các năm trước song khách có nhu cầu vẫn có thể đổi tiền một cách dễ dàng. Người đổi tiền ở đây thường “cải trang” dưới vai người bán nước, trông xe… và sẵn sàng phục vụ nhu cầu đổi tiền của khách hàng bất cứ lúc nào.

Hoạt động đổi tiền lẻ vẫn diễn ra ngang nhiên bất chấp lệnh cấm của Nhà nước. Ảnh: S.T.


Mức phí đổi rất đắt đỏ. Với tiền mệnh giá 200 đồng, phí chênh lệch ở mức cao nhất là 55%. Tiền mệnh giá 500 đồng có mức phí chênh lệch 25%. Tiền mệnh giá 1.000 đồng và 2.000 đồng phí chênh lệch ở mức 12%. Với tiền mệnh giá 5.000 đồng phí chênh lêch là 10% (với số lượng trên 5 triệu đồng). Tiền mệnh giá 10.000 đồng phí chênh lệch ở mức 8% (với số lượng trên 10 triệu đồng). Tiền mệnh giá 20.000 đồng sẽ mất phí chênh lệch 7% (với số lượng trên 20 triệu đồng). Tiền mệnh giá 50.000 đồng và 100.000 phí chênh lệch là 5% (với số lượng trên 20 triệu đồng).

Không chỉ “chợ đen” dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng rầm rộ hơn trước, dịch vụ này có ở rất nhiều website thương mại điện tử, Facebook, các diễn đàn xã hội, thậm chí nhiều cơ sở còn thành lập website riêng về đổi tiền. So với mức "cắt cổ" ở chợ đen, chợ "ảo" có mức phí "nhẹ nhàng" hơn nhưng lại ít có loại tiền lẻ đi lễ đầu năm như tiền mệnh giá 200 đồng và 500 đồng.

Cảnh giác

Có thể nói, tình trạng đổi tiền nhộn nhịp vào mỗi mùa lễ Tết đã tạo đất sống cho những người chuyên đổi tiền ăn chênh lệch nhằm trục lợi, ảnh hưởng tới việc lưu thông tiền tệ và môi trường, cảnh quan khu di tích, lễ hội. Không những thế, tình trạng lừa đảo, ăn bớt diễn ra ngày một nhiều. Lợi dụng sự lơ là trong lúc giao dịch của khách hàng, không ít chủ hàng đã sử dụng những tiểu xảo để đánh lừa, ăn chặn khách hàng. Thậm chí, khách hàng có lúc còn phải “méo mặt” cầm cọc tiền có tới gần một nửa là tiền đã qua sử dụng hay bị kẻ gian nhanh tay rút lõi một ít mà không biết.

Chị Dương Thu Hương (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, năm ngoái chị đổi 5 triệu đồng tiền mệnh giá 10.000 đồng và 5.000 đồng mới tại một sạp hàng di động trên phố Đinh Lễ, do chủ quan, khi mang về đếm lại mới biết “cọc” 5.000 đồng của chị bị thiếu mất hơn 200.000 đồng. “Ấm ức khi bị lừa nhưng ngoài tự trách mình bất cẩn ra thì cũng chẳng biết làm thế nào khác, mang về đến nhà rồi cũng chẳng thế tìm người ta nói lý lẽ được”, chị Hương chia sẻ.

Không riêng chị Hương, rất nhiều người cũng từng mắc những bẫy lừa của chủ hàng đổi tiền. Những đồng tiền cũ được xen giữa một “cọc” tiền mới, thiếu tiền hay tiền cũ bị cắt góc, “tân trang” thành tiền mới, thậm chí trộn tiền giả là những tiểu xảo được không ít chủ hàng sử dụng. Năm này qua năm khác vẫn không ít khách hàng mắc lừa. Nhưng vì nhu cầu đổi tiền lẻ rất cao, lại ngại đến các ngân hàng vì mất thời gian chờ đợi nên nhiều người vẫn tiếp tục sử dụng dịch vụ này bất chấp rủi ro. “Biết là đắt nhưng vẫn phải đành bấm bụng đổi vì cuối năm công việc chồng chất không có thời gian rảnh để chạy đi chạy lại”, chị Hương phân trần.

Bên cạnh đó, khi dò hỏi nguồn gốc nguồn tiền, hầu hết chủ hàng đều đáp trả bằng ánh mắt dò xét và lời từ chối tế nhị. Theo một chủ hàng bật mí, các "đầu nậu" thường đổi ở ngân hàng cách trước đó mấy tháng, mang về ém hàng chờ đến thời điểm sốt giá thì tung ra kiếm lời. Một số người có quan hệ với cửa đền, chùa nên gom được tiền lẻ ở đây, số khác có mối tuồn từ các ngân hàng ra…

Việc dùng tiền lẻ để lễ chùa, lì xì là tập tục truyền thống lâu năm của người Việt. Tuy nhiên tập tục đó đang bị biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau. Có nhiều người đầu năm lên chùa thay vì công đức để xây dựng, ủng hộ thì lại rải tiền khắp nơi. Tiền mệnh giá nhỏ được đặt một cách tùy tiện, rải khắp các khu vực trong các đền, chùa, khu vực lễ hội tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam.

Theo Hải Quan Online

Bạn có thể quan tâm