Trong khi các nhà bán lẻ đang ngày càng chật vật với câu chuyện tìm kiếm mặt bằng tốt tại khu vực trung tâm, ông lớn ngành thời trang nhanh Nhật Bản Uniqlo thuê được vị trí đắc địa tại Parkson Saigontourist Plaza với diện tích lên đến 3.000 m2, bao quanh là hàng loạt các thương hiệu như Zara, H&M, H&M, Old Navy, Pull&Bear, Stradivarious… tại Vincom Đồng Khởi.
Lãnh đạo tập đoàn cho biết quá trình tìm kiếm vị trí như ý đã khiến Uniqlo mất 2 năm để có thể ra mắt thị trường Việt Nam.
Càng gần đối thủ càng có lợi thế
Nhận xét về vị trí đặc biệt mà cửa hàng đầu tiên Uniqlo có được, ông Neil Macgregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam nói với Zing.vn: “Sự có mặt của Zara, H&M, Mango tại khu vực có thể cũng là lý do khiến Uniqlo chọn vị trí gần đó bởi họ là những thương hiệu cạnh tranh, có chung đối tượng khách hàng mục tiêu và giúp thu hút một lưu lượng lớn người mua sắm.”
Đồng tình với quan điểm này, bà Từ Thị Hồng An, Phó giám đốc phụ trách bộ phận cho thuê thương mại của Savills, cũng nhận định các thương hiệu khi thuê mặt bằng cũng rất quan tâm đến những thương hiệu xung quanh là ai, họ có đồng cấp hay không.
Đứng gần các thương hiệu thời trang nhanh nổi tiếng như Zara, Mango, H&M, Pull & Bear... được xem là lợi thế của Uniqlo. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo các chuyên gia, có cửa hàng gần Zara, H&M hay Mango là một xu hướng rất bình thường của các hãng thời trang nhanh.
Hơn nữa, sản phẩm của Uniqlo thiên về tính tiện dụng hơn là sản phẩm thời trang. Vì thế, người tiêu dùng hoàn toàn có thể mua đồ của Uniqlo xong và tiếp tục đến mua sắm tại Zara và ngược lại.
Nói cách khác, các thương hiệu này được xem là bổ trợ lẫn nhau hơn là cạnh tranh.
"Sự xuất hiện của Uniqlo ở khu vực là một tín hiệu tốt cho các thương hiệu còn lại bởi nó giúp tạo ra một không khí mua sắm sầm uất, sôi động, kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng", bà An nhận xét.
Bà cũng cho biết mỗi nhãn hàng đều một một nhu cầu về mặt bằng rất đặc biệt và được coi là nguyên tắc bất di bất dịch áp dụng ở tất cả thị trường.
“Với Zara, dù mở ở bất kỳ đâu họ cũng đều yêu cầu một mặt bằng có diện tích 2.500 m2, và không phải chủ nhà nào cũng có thể đáp ứng. Chính bởi hạn chế về nguồn cung mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm đã khiến Vincom Đồng Khởi nổi lên như một lựa chọn phù hợp với các thương hiệu lớn này”, bà nói thêm.
Tuy nhiên, với tỷ lệ lấp đầy của Vincom Đồng Khởi đã đạt mức gần 100% như hiện nay, Parkson Saigontourist Plaza là địa điểm hoàn hảo của Uniqlo khi đáp ứng được các tiêu chí.
Giá thuê sẽ tiếp tục tăng
Uniqlo là một trong những thương hiệu may mắn khi chọn được cho mình một mặt bằng ưng ý trong bối cảnh nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM và Hà Nội đang ngày càng khan hiếm.
Theo bà An, thực tế Uniqlo cũng muốn có mặt đồng thời tại cả hai thị trường này nhưng do những khó khăn về mặt bằng ở Hà Nội đã buộc họ phải mở cửa hàng ở TP.HCM trước.
Chuyên gia nhận định giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm sẽ tiếp tục tăng do khan hiếm nguồn cung. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Với một thương hiệu mạnh như Uniqlo, sự đón nhận của người tiêu dùng tại thị trường Hà Nội cũng sẽ rất tốt. Ngoài ra, sản phẩm nổi bật của thương hiệu này là đồ giữ nhiệt nên rất phù hợp với thị trường miền Bắc thời điểm này” - bà An đánh giá.
Đưa ra đánh giá về mức độ khan hiếm về mặt bằng, ông Neil Macgregor cũng nhận định số lượng mặt bằng bán lẻ chất lượng ở khu vực trung tâm TP.HCM hiện nay còn rất thấp, tỷ lệ lấp đầy ở mức gần 100%. Nhiều chủ đầu tư đã tận dụng việc thiếu hụt nguồn cung khu trung tâm để tăng giá thuê. Giá chào thuê ở các trung tâm mua sắm tại quận 1 ghi nhận đã tăng đến 30%.
“Theo tôi, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại khu vực trung tâm sẽ tiếp tục tăng như những gì chúng ta đã chứng kiến trong 5 năm qua bởi nguồn cung hạn chế”, ông dự đoán. “Tuy nhiên, xu hướng tăng giá sẽ chỉ tập trung vào các dự án thu hút nhiều người tiêu dùng và có hoạt động kinh doanh hiệu quả.”
Đồng thời, Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng giá thuê tăng sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả của các nhà bán lẻ. Một khi giá thuê ở mức quá cao, doanh thu bán hàng lại không đạt mức tương ứng, các nhà bán lẻ sẽ phải chịu áp lực lớn về lợi nhuận.
Bán lẻ đang dần phải thay đổi
Trước những ý kiến cho rằng “ngành bán lẻ đang chết dần” do tác động của thương mại điện tử, Zing.vn cũng đặt câu hỏi cho ông Neil Macgregor về việc các cửa hàng truyền thống đang phải làm gì để tồn tại trong cơn lốc này.
Theo ông, thương mại điện tử là xu thế chung trên toàn cầu và trong đó có Việt Nam.
Trước sức ép của thương mại điện tử, các nhà bán lẻ đang bổ sung thêm nhiều trải nghiệm cho người mua sắm tại các cửa hàng của mình. Ảnh: Quỳnh Danh. |
“Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Thách thức mà các nhà bán lẻ đang phải đối mặt là "Omni-channel". Điều này đồng nghĩa với việc các nhà bán lẻ một mặt phải nắm bắt xu hướng của thương mại điện tử, mặt khác vẫn phải có các cửa hàng flagship để khách hàng có thể trực tiếp thử và trải nghiệm sản phẩm của hãng”, ông giải thích.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết hiện nay nhiều thương hiệu đã mở thêm các hoạt động trải nghiệm cho khách. Có thể thấy rõ điều này qua một số thương hiệu đồ thể thao, họ tạo thêm các không gian cho khách hàng chơi các môn thể thao như golf, đá bóng... ngay trong cửa hàng.
Ông cho rằng: “Đây có thể xem là tương lai của bán lẻ bởi các TTTM đang thu hút nhiều hơn các thương hiệu có hoạt động trải nghiệm tại cửa hàng để thu hút người tiêu dùng. Ở các TTTM tập trung nhiều thương hiệu F&B, họ cũng kết hợp nhiều với các hoạt động giải trí dành cho mọi lứa tuổi. Chính vì vậy, trong tương lai các TTTM sẽ ít đi các gian hàng thời trang diện tích lớn mà thay vào đó là nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm, giải trí, F&B..."