Cuối tháng 1, Jane Yan nhận tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung: "Đi salon tối nay chứ?". Cô chỉ nghĩ đó là tin gửi nhầm số. Trên thực tế, đó là một phần của chiến dịch lừa đảo tại Mỹ, khiến các nạn nhân thiệt hại hơn 429 triệu USD trong năm 2021, theo số liệu của Trung tâm Khiếu nại Tội phạm Internet, cơ quan tiếp nhận tố cáo của người dùng Mỹ về tội phạm mạng.
Trong 3 tháng sau khi liên lạc với người nhắn tin nhầm số, Yan đã mất hơn 1,6 triệu USD. Theo WSJ, cô chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của làn sóng lừa đảo qua tin nhắn trên thiết bị di động và mạng xã hội.
Lừa đảo kiểu "chăn lợn"
Jeff Rosen, luật sư tại hạt Santa Clara, California cho biết lượng khiếu nại về lừa đảo qua mạng và tin nhắn tăng vọt trong 2 năm qua, khi người dùng gặp gỡ, làm việc online nhiều hơn. Các thủ đoạn này dựa trên 2 yếu tố: mong muốn giúp đỡ người gửi tin nhầm số và sự cô đơn.
"Có nhiều người cô đơn. Trong khi phần lớn bỏ qua những tin nhắn ấy, số ít sẽ trả lời", Rosen cho biết. Theo vị luật sư, thiệt hại trung bình được ghi nhận từ những vụ lừa đảo này là 300.000 USD.
Những kẻ lừa đảo thường đến từ châu Á, sử dụng chiêu trò tinh vi có tên "chăn lợn" (pig butchering). Thủ phạm sẽ tiếp cận và xây dựng mối quan hệ với nạn nhân, chia sẻ cách kiếm lời nhanh chóng. Khi thời điểm chín muồi, chúng thuyết phục nạn nhân dùng tiền đầu tư rồi bỏ trốn.
"Chăn lợn" đang là một trong những thủ đoạn lừa đảo qua mạng phổ biến. Ảnh: Dailycoin. |
Tổ chức Chống Lừa đảo Toàn cầu (GASO), tổ chức phi lợi nhuận với mục đích hỗ trợ, nâng cao nhận thức cộng đồng về lừa đảo, đã thống kê hơn 2.000 nạn nhân. Brian Bruce, Giám đốc tổ chức cho biết đa số nạn nhân có chuyên môn và bằng cấp cao.
"Họ có bằng tiến sĩ, là chủ các doanh nghiệp lớn, quản lý cấp cao. Một nạn nhân còn nói rằng 'Chúng tôi không nói chuyện với tài xế Uber hay nông dân'", Bruce chia sẻ.
Thuê chuyên gia tâm lý để lên kịch bản
Đoạn tin nhắn rủ đi salon được gửi đến Yan vào ngày 20/1. Thông thường, cô sẽ bỏ qua những tin nhắn như vậy. Tuy nhiên tại khoảnh khắc đó, cô trả lời: "Chắc anh nhầm người rồi".
Đầu dây bên kia tự xưng là Eric, một doanh nhân Trung Quốc mắc kẹt tại Seattle do Covid. Theo mô tả của Yan, cách nói chuyện của Eric rất lịch sự. Sau khi xin lỗi vì gửi nhầm số, kẻ này nhắn thêm những câu như "Bạn có làm việc ở đây không? Có đi học ở đây không?".
Cả 2 dần trò chuyện bằng cuộc gọi thay vì nhắn tin, nhưng chỉ nói về gia đình, ẩm thực và văn hóa. Tên này tự nhận là góa phụ, có con gái 8 tuổi và muốn "lên kế hoạch cho tương lai" của Yan, một người mẹ 2 con. Cô kết hôn với chồng người Mỹ, sống tại Delaware hơn 30 năm.
Là người gốc Hoa nên Yan rất thích trò chuyện bằng tiếng mẹ đẻ. Cô và Eric nhanh chóng thân thiết. Tên này gửi cô ảnh chụp những món ăn tự nấu, dạy hát qua điện thoại.
Người dùng dễ bị kéo vào các vụ lừa đảo "chăn lợn" do tâm lý cô đơn, muốn giúp đỡ người gửi tin nhầm số. Ảnh: Getty Images. |
Chỉ trong một tháng, cả 2 chuyển sang chủ đề tiền bạc. Eric tự nhận sở hữu hơn 10 triệu USD, chủ yếu đến từ các khoản đầu tư tiền mã hóa. Khi được hỏi từng đầu tư coin bao giờ chưa, Yan nói không. Sau những lời dụ dỗ, cô đã mở một tài khoản tiền số trên Coinbase vào ngày 15/2.
Zacharia Baldwin, đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tại Miami cho biết khi tiền mã hóa ngày càng phổ biến, những kẻ lừa đảo sẽ dễ dàng thuyết phục nạn nhân tạo tài khoản, giúp thực hiện các giao dịch quốc tế chỉ trong vài giây.
Brian Bruce, Giám đốc GASO nhận định Eric có khả năng làm thuê cho một doanh nghiệp lừa đảo tại châu Á. Những người làm việc tại đây cho biết các công ty thường thuê nhà tâm lý học để viết kịch bản lừa đảo. Tại một số tổ chức, nhân viên bị áp bức, thậm chí lạm dụng thể chất cho đến khi tiếp cận và lừa dối người khác.
Bản thân Bruce cũng là nạn nhân của những trò lừa đảo. Năm 2021, ông đã mất hơn 191.000 USD cho một người liên lạc trên LinkedIn, tuyên bố từng là đồng nghiệp của Bruce.
Thời điểm chín muồi
Yan cho biết cô đã chuyển 5.000 USD vào nền tảng đầu tư có tên BQBEX vào tháng 2. Hiện tại, website đã đóng cửa. Trong ảnh màn hình lưu ngày 29/7, trang web tự nhận là "nền tảng giao dịch tài sản số lớn nhất thế giới". Nhóm điều hành BQBEX hiện không thể liên lạc.
Lúc đó, Yan cho biết sau 3 phút giao dịch, cô tin rằng đã kiếm được 1.000 USD. Một tháng sau, cô đầu tư 400.000 USD, được Eric cho vay thêm 100.000 USD, tổng số dư trong tài khoản là 500.000 USD. Rất nhanh chóng, tài khoản của Yan lời thêm 20%, món hời ít ai nghĩ tới.
Đến ngày 30/4, Yan dùng tiền trong quỹ hưu trí của vợ chồng, tiền đi học của con, vay thêm từ gia đình để đầu tư vào BQBEX. Do cảm thấy nợ Eric, Yan luôn áp lực khi muốn rút tiền khỏi tài khoản. Mỗi lần như vậy, cô phải trả thêm một khoản phí.
Người dùng thấy tội lỗi khi phát hiện gom nhiều nguồn tiền cho các kênh đầu tư lừa đảo. Ảnh: Adobe Stock. |
Yan được yêu cầu đầu tư nhiều hơn để được chuyển tiền. Đến 29/4, sàn giao dịch yêu cầu cô trả thêm 260.000 USD để mở khóa ví Coinbase. Đến lúc đó, Yan đã đầu tư tổng cộng 1,66 triệu USD.
"Đêm hôm đó, tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi nghĩ rằng có điều gì không ổn", Yan cho biết.
Hôm sau, Yan trình báo vụ việc với cảnh sát. Sau khi cung cấp tên và số điện thoại của Eric cho một điều tra viên tại Washington, Yan mới biết Eric không hề tồn tại. Đến lúc đó, văn phòng của ông Rosen tại Santa Clara nhận đơn báo cáo của Yan.
Khi biết mình bị lừa, Yan mới cảm thấy tội lỗi. "Tôi không thể cười khi biết chuyện đó đã xảy ra. Tôi thực sự bất lực và tuyệt vọng", người mẹ 2 con chia sẻ.
Rosen cho biết phản ứng tốt nhất với những tin nhắn nhầm số như vậy là bỏ qua. "Nếu được yêu cầu gửi tiền vào một nơi nào đó, đừng bao giờ làm theo. Hãy gọi điện cho cảnh sát địa phương", Rosen chia sẻ.