Đó là nội dung đáng chú ý trong Thông tư số 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, hướng dẫn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Trong Thông tư số 40/2021/TT-BTC, Bộ Tài chính công bố danh mục ngành nghề tính thuế GTGT và thuế TNCN theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu đối với từng nhóm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cụ thể.
Cụ thể, kể từ ngày 1/8, một số ngành nghề, dịch vụ mới sẽ phải đóng thuế GTGT và TNCN. Theo đó, dịch vụ tắm hơi, massage, karaoke, vũ trường, bi-a, Internet, game, cắt tóc, gội đầu... sẽ phải đóng thuế GTGT 5% và thuế TNCN 2%. Tổng cộng, mức thuế đối với lĩnh vực kinh doanh dịch vụ này là 7%.
Ngoài ra, dịch vụ tư vấn thiết kế, thi công xây dựng, dịch vụ môi giới, dịch vụ lưu trú, dịch vụ bưu chính, dịch vụ môi giới, dịch vụ tư vấn pháp luật... cũng phải đóng mức thuế như trên.
Từ ngày 1/8, cắt tóc sẽ phải chịu 5% thuế GTGT và 2% thuế TNCN. Ảnh: Việt Linh. |
Tuy nhiên đây không phải là mức thuế cao nhất trong Thông tư 40. Lĩnh vực cho thuê tài sản như cho thuê nhà, đất, cửa hàng, nhà xưởng, cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị... bị đánh thuế lên đến 10% (GTGT 5% và TNCN 5%).
Một số ngành nghề khác như dịch vụ vận tải hàng hóa, vận tải hành khách; dịch vụ ăn uống; dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, ô tô, mô tô, xe máy… sẽ chịu mức thuế GTGT 3% và thuế TNCN 1,5%...
Đáng chú ý trong nguyên tắc tính thuế của Thông tư 40, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN.
Ngoài ra, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN được xác định cho một người đại diện duy nhất của nhóm cá nhân, hộ gia đình trong năm tính thuế.