Ngày 9/3, Tập đoàn Masan (MSN) thông báo đã hoàn tất thanh toán 3.000 tỷ đồng trái phiếu đúng hạn. Đây là các trái phiếu phát hành năm 2020 và đáo hạn vào hôm nay.
Thời gian qua, Masan cũng là một trong số ít doanh nghiệp huy động thành công trái phiếu và tất toán đúng hạn. Thực tế, mục đích phát hành các lô trái phiếu mới đây của doanh nghiệp nhằm cơ cấu lại các khoản nợ, bao gồm thanh toán một phần hoặc toàn bộ khoản gốc đến hạn của các trái phiếu đã phát hành trước đó.
Gần nhất hồi tháng 2, doanh nghiệp chào bán thành công ra công chúng 2 lô trái phiếu có kỳ hạn 60 tháng với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, lãi suất 9,5%/năm cho năm đầu.
Sau đợt chào bán này, Masan ghi nhận tổng nợ 32.500 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp chiếm hơn 64%. Thời điểm đó, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Masan xấp xỉ 2,3 lần.
Masan là một trong số ít doanh nghiệp huy động thành công trái phiếu và tất toán đúng hạn thời gian qua. Ảnh: MSN. |
Trước đó, trong tháng 11/2022, tập đoàn thực hiện thành công đợt huy động trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm) cho các nhà đầu tư đa quốc gia. Đây là các tổ chức đang quản lý các quỹ trái phiếu có tổng tài sản cao đang hoạt động tại Việt Nam.
Masan cũng có thêm dòng tiền 2.500 tỷ đồng trái phiếu được phát hành thành công trong nước trong năm 2022. Đây là các trái phiếu kỳ hạn 5 năm nhằm gia tăng nguồn vốn dài hạn.
Cùng thời điểm này, ông lớn ngành bán lẻ nhận giải ngân thành công khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD (gần 15.000 tỷ đồng). Đây là khoản huy động nước ngoài kỳ hạn 5 năm có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Trong thông báo hồi tháng 2, Masan cho biết đang có kế hoạch phát hành thêm một lô trái phiếu trị giá 2.000 tỷ đồng vào ngày 17/3, và một lô khác có giá trị tương đương trong thời gian tới.
"Tiêu dùng - bán lẻ là lĩnh vực ít phụ thuộc vào chu kỳ thị trường. Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững và khả năng tạo ra dòng tiền ổn định, Masan tự tin hoàn thành các cam kết thanh toán cho các kỳ hạn trái phiếu sắp tới", đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh.
Theo ước tính của các chuyên gia tại VnDirect, tổng giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp năm nay lên đến khoảng 252 nghìn tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Trong đó, giai đoạn quý II và quý III khá thử thách với gần 160 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43% tổng giá trị đáo hạn trái phiếu riêng lẻ trong năm nay. Theo sau là nhóm tài chính - ngân hàng với 31% tỷ trọng. Các ngành khác chiếm khoảng 26%.
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08, cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với trái chủ để kéo dài kỳ hạn thanh toán thêm 2 năm, đồng thời thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Tuy nhiên, việc đàm phán phải tuân thủ quy định của pháp luật và được trái chủ chấp thuận. Doanh nghiệp phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định.
Doanh nghiệp có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Kể cả khi trái chủ đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận việc thay đổi, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với những trái chủ không chấp thuận phương án đàm phán.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...