Không lâu sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo với tỷ lệ nắm giữ lên gần 62%, tập đoàn Masan (MSN) đã thành lập Masan Consumer Holdings (MCH). MCH sẽ trực tiếp sở hữu và kiểm soát hai công ty con là Masan Consumer và Masan Consumer Ventures.
Trong đó, Masan Consumer sẽ tiếp tục kinh doanh ngành hàng thực phẩm và đồ uống không cồn, và Masan Consumer Ventures sẽ là một nền tảng mới để nắm bắt cơ hội tăng trưởng cao trong ngành hàng tiêu dùng nội địa rộng lớn hơn. Để thực hiện tham vọng này, MSN đã cắt cử ông Madhur Maini làm Chủ tịch để lãnh đạo và phát triển MCH.
Vĩnh Hảo không chỉ có nước khoáng
Tập đoàn Masan đang nắm giữ gần 63,5% cổ phần tại công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo. |
Tháng trước, công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo đã ra thông báo chốt danh sách cổ đông để xin ý kiến thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh của mình. Cùng với thông tin về danh mục sản phẩm đa dạng mà MSN đã xây dựng cho Vĩnh Hảo, rằng đồ uống đâu phải chỉ có nước khoáng, mà còn có sữa, trà, nước có gas, nước trái cây, nước tăng lực…, có thể thấy, MSN đang bắt tay khai thác tiềm năng của một thương hiệu nổi tiếng và lâu đời mà không mấy doanh nghiệp trong ngành có được.
Một động thái khác khá quan trọng củng cố dự đoán MSN đang tấn công mạnh vào thị trường đồ uống, là tập đoàn này đã hình thành riêng một bộ phận nước uống gọi là Masan Beverage và chiêu mộ một nhân vật khá nổi tiếng trong ngành, là ông Lê Trung Thành về làm Giám đốc điều hành. Ông Thành trước đây làm Tổng giám đốc của Nutifood sau khi rời khỏi vị trí Phó tổng giám đốc PepsiCo. Ông cùng đồng nghiệp đã từng vực dậy nhãn Sting đang gần “khai tử” thành nhãn hiệu nước tăng lực thuộc loại số một hiện nay. Đặc biệt, ông đã tạo sự đột biến cho nhãn hiệu Aquafina khi làm cho nhiều người nghĩ về nước tinh khiết một cách đầy cảm xúc và độc đáo, bằng chiến dịch “Aquafina – vị ngọt tinh khiết”, hay việc tung thành công chuỗi sản phẩm snack Poca cho Pepsico vào năm 2006. Cho tới thời điểm này, MSN chưa tiết lộ các sản phẩm đồ uống mới của mình, vì bất cứ một sản phẩm nào trước khi trở thành rình rang trên thị trường đều phải trải qua một quá trình “test - thử”.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông Masan Consumer vào tháng 4/2013, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer, cũng đã thông báo, trong trong quý II hoặc đầu quý III/2013, công ty sẽ tung ra thị trường 3 nhãn hàng mới thuộc 3 ngành hàng chưa tồn tại trong hệ thống các ngành hàng của công ty. Theo quan sát, hiện Masan Consumer đang tung sản phẩm trà thảo mộc trên thị trường.
Rộng cửa cho người mới
Có thể nói, MSN bước chân vào thị trường đồ uống khá muộn màng, nơi rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn nhỏ đang “oanh tạc” với đủ phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vô cùng đa dạng của người tiêu dùng.
Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), đến năm 2012, trong lĩnh vực đồ uống, cả nước có 134 doanh nghiệp sản xuất, gồm cả doanh nghiệp trong nước và có vốn FDI. 10 doanh nghiệp được coi là dẫn đầu (tính theo doanh thu) có thể nhắc tới như công ty NGK quốc tế IBC, tập đoàn Tân Hiệp Phát, Coca - Cola Việt Nam, công ty Pepsico, công ty công nghiệp chế biến thực phẩm quốc tế, công ty trách nhiệm hữu hạn Red Bull Việt Nam, công ty liên doanh Lavie, công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương, công ty trách nhiệm hữu hạn CKL, công ty cổ phần Nước khoáng Vĩnh Hảo… Tuy nhiên, sự bành trướng của các doanh nghiệp lớn trong thị trường này có vẻ đang đối mặt với sự lấn sân không hề yếu ớt của các đối thủ mới.
Nhìn vào bảng đồ phân chia thị phần từ năm 2010 đến nay có thể thấy, 10 doanh nghiệp hàng đầu này đã giảm thị phần nắm giữ từ 96,67% vào năm 2010 xuống còn 75,64% vào năm 2012. Thị phần của các doanh nghiệp ngoài top 10 tăng nhanh (từ 3,33% năm 2010 lên 24,36% năm 2012), chứng tỏ, thị trường đồ uống đang vô cùng hấp dẫn và vẫn còn cửa với các tân binh. Cần phải nhắc thêm, xu hướng tiêu dùng đang chuyển từ sử dụng nước nấu sôi sang nước đóng chai, từ đồ uống không có thương hiệu sang đồ uống đóng chai có thương hiệu, đang mở thêm cơ hội cho các nhà sản xuất, bất kể là tân binh hay đã thành danh. Bởi trong bối cảnh này, năng lực xây dựng thương hiệu cũng như khả năng cung cấp những sản phẩm đồ uống có khẩu vị phù hợp với người tiêu dùng trong nước sẽ trở thành những yếu tố then chốt trong quá trình cạnh tranh giành thị phần giữa các công ty trên thị trường ngày càng mở rộng.
Trở lại câu chuyện của MSN, với danh mục nhãn hiệu và sản phẩm nổi bật của mình, Vĩnh Hảo chắc chắn là mảnh ghép rất quan trọng giúp Masan Consumer tiếp tục xâm nhập vào thị trường đồ uống đóng chai ở Việt Nam.
Năng lực tự thân
Hơn 16 năm kinh nghiệm trong ngành hàng tiêu dùng, trong đó có 6 năm làm Giám đốc tiếp thị cho Procter & Gamble Vietnam, và đã thành công trong việc tung ra một số thương hiệu toàn cầu tại thị trường Việt Nam, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer đang có đất để thể hiện kinh nghiệm trong ngành hàng này với các dòng sản phẩm hàng tiêu dùng của Masan Cosumer.
Ông Thắng cho hay: “Chúng tôi nhắm đến những ngành hàng có thể cạnh tranh bằng sự khác biệt nhờ vào khẩu vị địa phương và xây dựng thương hiệu. Điều này cho phép chúng tôi sử dụng nền tảng hoạt động kinh doanh của mình để củng cố thị phần và tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình của thị trường, tương tự như những gì mà chúng tôi đã đạt được trong các phân khúc gia vị và thực phẩm tiện lợi”.
Có thể nói, đội ngũ quản lý của MSN đang tập trung vào việc không ngừng thay đổi các động lực thị trường của ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam. Nỗ lực này bao gồm việc thúc đẩy người tiêu dùng đến với các nhãn hiệu cao cấp và thay đổi hành vi của người tiêu dùng để gia tăng mức tiêu thụ bình quân trong các ngành hàng tiêu dùng nhanh chính yếu. Đặc biệt, các động thái cho thấy MSN đang đặt sự chuyên tâm vào phục vụ 90 triệu người Việt Nam bằng cách cung cấp các sản phẩm an toàn, sáng tạo và tốt cho sức khỏe như trà thảo mộc có thể là cách giúp MSN nhanh chóng có được vị thế nhất định trên thị trường đồ uống.
Tuy nhiên, mọi việc có thể sẽ không nhanh chóng và đơn giản khi nhìn vào cuộc chiến gay go trong thị trường này. Trong sự suy giảm thị phần của Top 10 doanh nghiệp hàng đầu của ngành đồ uống, thị phần của đại gia Coca Cola đã giảm mạnh nhất, từ 16,33 % năm 2010 còn 10,50% năm 2012. Cùng với đó, giới phân tích cũng nhận định, mặc dù nước giải khát đang trở thành một mặt hàng tiêu dùng thuộc nhóm nhu yếu phẩm, khi yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe đang được đề cao, song nhu cầu của người tiêu dùng lại rất đa dạng nên cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt với những đòi hỏi khác biệt hơn giai đoạn trước. Xu hướng sử dụng những sản phẩm chiết suất từ các loại hoa quả ngày càng gia tăng, bởi chúng có những ưu điểm mà thức uống có gas thường không có được.
Theo Euromonitor, thị trường nước đóng chai và nước giải khát đóng chai được kỳ vọng sẽ tăng trưởng với tốc độ 20% mỗi năm trong giai đoạn từ 2011-2015, ước tính quy mô giá trị đạt 2,5 tỷ USD. Hiện còn quá sớm để nói về vị thế của MSN trong thị trường này, song việc tìm ra thị trường nhánh cho những sản phẩm mới hợp thời có thể khiến MSN sớm có tên trong danh sách quan tâm đặc biệt của các đại gia trong ngành.