Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Masan muốn mua lại 100% công ty sở hữu mỏ Núi Pháo

Tập đoàn Masan sẽ thông qua một khoản nợ trị giá 35 triệu USD và phát hành 12 triệu cổ phiếu để mua lại 100% cổ phần đang lưu hành của CTCP Tài nguyên Masan.

 

CTCP Tập đoàn Masan (MSN) vừa công bố kế hoạch chào mua công khai toàn bộ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của CTCP Tài nguyên Masan – Masan Resources (MSR) thông qua công ty con là CTCP Tầm nhìn Masan (MH).

Cụ thể, Masan sẽ chào mua toàn bộ cổ phiếu MSR với giá 15.500đ/cổ phiếu – ngang bằng với mức giá khởi điểm khi bắt đầu lên sàn chứng khoán cách đây hơn một năm (17/9/2015).  Masan dự kiến đợt chào mua sẽ kết thúc trước quý 4/2016.

Kế hoạch chào mua công khai dự kiến sẽ áp dụng cho toàn bộ cổ đông phổ thông của MSR trên cơ sở tự nguyện, cho phép các cổ đông hiện hữu có thể hiện thực hóa khoản đầu tư của mình theo giá trị sổ sách của MSR hoặc tiếp tục tham gia vào giai đoạn phát triển chiến lược tiếp theo của MSR.

Được biết, năm 2010, Masan đã mua lại mỏ Núi Pháo của Dragon Capital với trị giá ước tính 250- 300 triệu USD. Thương vụ được hoàn tất vào năm 2013 và được đánh giá là vụ M&A phức tạp bậc nhất thời điểm đó khi hợp đồng được thực hiện mà cơ bản không dùng tiền mặt.

Mỏ Núi Pháo diện tích 9,21 km2 ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có trữ lượng khoảng 55,4 triệu tấn quặng vonfram, florit, đồng, bismut và vàng, và giá trị tài nguyên ước tính 9,6 tỷ đô la Mỹ.

Đây được xem là mỏ có trữ lượng vonfram lớn nhất thế giới, đang do công ty Masan Resources đầu tư và khai thác.

Cơ cấu sở hữu của MSR hiện tại gồm có Tập đoàn Masan 72,7% (thông qua Tầm nhìn Masan), Công ty MRC Ltd. -  một quỹ đầu tư được đồng quản lý bởi Tập đoàn Đầu tư Fortress và Moubt Kellett sở hữu 20,04% và các cổ đông nhỏ lẻ còn lại với tỷ lệ không đáng kể.

Mới đây, Công ty MRC Ltd đã thể hiện sự quan tâm tới việc bán lại cổ phần của mình trong đợt chào mua công khai này như là một phần kế hoạch tổng thể của quỹ trong việc tái cơ cấu các khoản đầu tư.

Masan chao mua lai toan bo mo Nui Phao anh 1
Quang cảnh tại dự án mỏ Núi Pháo.

Nguồn kinh phí để thực hiện việc chào mua số cổ phần trên theo phương thức Tập đoàn Masan thông qua một khoản nợ trị giá 35 triệu USD và phát hành riêng lẻ 12 triệu cổ phiếu phổ thông với giá 95.000 đồng/cổ phiếu.

Mức giá 95.000 đồng/cp cao gấp rưỡi thị giá hiện tại của cổ phiếu MSN - đang dao động quanh mức 66.000 đồng. Nếu đợt phát hành này diễn ra thành công, Masan sẽ thu về 1.140 tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, MSR đạt 2.800 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng, tăng 53% so với mức 72 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. 

Vào ngày 28/9 vừa qua, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã bắt đầu tiến hành thanh tra toàn diện Dự án mỏ Núi Pháo trong thời hạn 45 ngày.

Sau một thời gian đi vào hoạt động, dự án này nhận được nhiều khiếu nại của người dân về tình trạng gây ô nhiễm môi trường cũng như giải quyết chưa rốt ráo việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực ô nhiễm.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cũng nhiều lần có kiến nghị lên Bộ TN-MT để xử lý một số vấn đề liên quan tới dự án này.

Trước đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Mai Tiến Dũng cho biết qua thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cùng với UBND tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, chấn chỉnh Công ty Núi Pháo phải thực hiện đúng pháp luật; nếu phát hiện các vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời giải quyết thỏa đáng các kiến nghị, khiếu nại của người dân đối với hoạt động của công ty.

 

Phương Diệp

Bạn có thể quan tâm