Ngày 23/5, Tổng chưởng lý Washington D.C. Karl Racine đã nộp đơn kiện Mark Zuckerberg, CEO Meta với cáo buộc góp phần dẫn đến bê bối quyền riêng tư liên quan đến hãng phân tích dữ liệu Cambridge Analytica năm 2018.
Theo CNN, đây là động thái mới nhất của Racine nhằm quy trách nhiệm cho Zuckerberg. Văn phòng của ông đã kiện Facebook (nay là Meta) trong nhiều năm vì cho rằng công ty không giám sát việc thu thập dữ liệu của đối tác bên thứ ba, không cập nhật chính xác lượng người dùng bị thu thập dữ liệu một cách kịp thời.
Zuckerberg vướng vào vụ kiện liên quan đến bê bối thông tin cách đây 4 năm. Ảnh: New York Times. |
Đến năm 2018, Facebook mới thừa nhận Cambridge Analytica đã thu thập dữ liệu của hơn 87 triệu người dùng. Trước đó, nhiều nguồn tin cho biết chúng được dùng để phục vụ chiến dịch tranh cử năm 2016 của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ngoài những cáo buộc cũ, đơn kiện mới nhất của văn phòng ông Racine còn bổ sung một số bằng chứng nhắm vào CEO Meta. "Bằng chứng cho thấy ông Zuckerberg liên quan đến sự thất bại của Facebook trong việc bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dùng, trực tiếp dẫn đến bê bối Cambridge Analytica", Racine cho biết.
"Sự cố bảo mật chưa từng có này đã rò rỉ thông tin cá nhân của hàng chục triệu người Mỹ. Các chính sách của Zuckerberg tạo điều kiện đánh lừa người dùng trong nhiều năm về mức độ sai trái của công ty", ông Racine nói thêm. Ông nhấn mạnh các lãnh đạo của Meta, bao gồm CEO phải chịu trách nhiệm cho hành động này.
Để nhấn mạnh vai trò của Zuckerberg trong các quyết định xung quanh dữ liệu người dùng, đơn kiện còn ghi rằng CEO Meta "cung cấp thông tin trực tiếp về chính sách nội bộ của Facebook liên quan đến chia sẻ dữ liệu trên nền tảng, đồng thời tự đánh giá hoạt động thu thập dữ liệu của một số ứng dụng".
"Với tư cách CEO, Zuckerberg có quyền kiểm soát và chỉ đạo, hiểu rõ các giao dịch sai sự thật của Facebook với người dùng", một phần đơn kiện cho biết. Do đó, các nguyên đơn cho rằng Zuckerberg phải chịu trách nhiệm dựa trên luật bảo vệ người dùng, bồi thường thiệt hại và cấm tái phạm.
Tổng chưởng lý Washington Karl Racine muốn chỉ định Zuckerberg làm bị cáo trước các vụ kiện liên quan đến bê bối Cambridge Analytica. Ảnh: Zuma Press. |
Năm 2019, Facebook đã trả 5 tỷ USD để dàn xếp các cáo buộc đưa ra bởi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC). Vào thời điểm đó, Zuckerberg khẳng định công ty sẽ "áp dụng các thay đổi lớn về cấu trúc, cách xây dựng sản phẩm và vận hành".
Ngay sau khi tin tức về đơn kiện được chia sẻ, Andy Stone, phát ngôn viên Meta cho biết đây là "thời điểm quan trọng" để nhắc lại phán quyết trước đó của thẩm phán. Cụ thể, khi bác bỏ đề nghị bổ sung Zuckerberg làm bị cáo vào tháng 3, thẩm phán cho rằng các quan chức Washington đang tìm cách gây áp lực lên CEO Meta sau khi dàn xếp thất bại.