Xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi quân đội Nga ngày 20/4 tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat.
Tại Mariupol, lực lượng Ukraine vẫn nhất quyết không đầu hàng, một lần nữa khước từ tối hậu thư của Nga.
Tuy vậy, thời gian cho lực lượng Ukraine đang cố thủ ở nhà máy thép Azovstal - được xem là thành trì cuối cùng tại Mariupol - dần hạn hẹp.
"Đây là lời kêu gọi của chúng tôi với thế giới, có thể là cuối cùng. Chúng tôi có lẽ chỉ còn lại vài ngày, thậm chí vài giờ", thiếu tá Serhiy Volyna, chỉ huy Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số 36 của Ukraine, cho biết.
Bình luận về tiến trình đàm phán hai nước, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 20/4 cho biết Nga đã gửi dự thảo thỏa thuận, bao gồm các điều khoản cụ thể, cho Ukraine và đang chờ Kyiv phản hồi.
Mariupol đứng trước nguy cơ thất thủ
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) tại Mỹ cho biết các quan chức và truyền thông Nga có thể sẽ tuyên bố chiến thắng tại Mariupol trong những ngày tới.
Sau nhiều ngày đàm phán về hành lang nhân đạo bế tắc, Ukraine ngày 20/4 cho biết họ đã thống nhất với các lực lượng Nga để mở một hành lang sơ tán dân thường khỏi thành phố cảng Mariupol đang bị bao vây.
Thị trưởng Mariupol Vadym Boychenko kêu gọi người dân sớm rời khỏi thành phố.
“Đừng hoảng loạn và hãy sơ tán đến Zaporizhzhia, nơi các bạn có mọi thứ mình cần - thức ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm - và điều quan trọng là các bạn sẽ an toàn”, ông nói.
Chính phủ Ukraine trước đó công bố kế hoạch gửi 90 xe buýt tới Mariupol để di tản 6.000 thường dân đang mắc kẹt. Tuy nhiên, kế hoạch này đã không thể hoàn tất do Nga chặn mọi chuyến xe ra vào Mariupol.
Người dân Mariupol chờ sơ tán trong ngày 20/4. Ảnh: Reuters. |
Mariupol có giá trị chiến lược và biểu tượng với cả hai bên, do đó nơi đây trở thành tâm điểm của cuộc giao tranh kể từ giai đoạn đầu “chiến dịch quân sự”, theo AP. Nếu kiểm soát Mariupol, Nga sẽ "một công đôi việc", khi khiến Ukraine mất đi cảng chiến lược, đồng thời tạo được hành lang trên bộ nối bán đảo Crimea với vùng Donbas ở miền Đông.
Trong khi đó, ở miền Đông, quân đội Ukraine nói rằng Moscow tiếp tục tăng cường hỏa lực ở miền Đông, nhằm thăm dò điểm yếu trong tuyến phòng thủ của Kyiv.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 20/4 cũng thông báo đã tấn công hơn 1.000 mục tiêu quân sự, phá hủy hơn 100 vị trí quan trọng để triển khai pháo binh - khí tài được dự báo sẽ nổi bật trong các cuộc giao tranh ở miền Đông.
Dọc khu vực phía đông, trải dài gần 500 km từ Mariupol đến Kharkiv, quan chức Mỹ và Ukraine cho biết Nga tiếp tục tăng cường binh lính, pháo binh và khí tài quân sự, khi nước này tiến hành giai đoạn mới của “chiến dịch quân sự” nhằm bao vây và “giải phóng” Donbas.
Các nhà phân tích cho rằng chiến sự ở miền Đông sẽ kéo dài và tiêu hao nhiều lực lượng của hai phía, khi cả Ukraine và lực lượng ly khai thân Nga ở vùng Donetsk và Lugansk đã hiểu nhau sau 8 năm xung đột.
Nhân chứng và báo cáo từ các quan chức có thể đưa ra một bức tranh toàn cảnh về bước tiến của Nga. Tuy vậy, thông tin về từng khu vực cụ thể tại Donbas hiện rất hạn chế, do đó hiện còn quá sớm để xác định quy mô và tốc độ các bước tiến của Nga xung quanh khu vực Donbas, theo ISW.
"Sân chơi" của những vũ khí hạng nặng
Bộ Quốc phòng Nga cho biết ICBM Sarmat được thử nghiệm hôm 20/4 là tên lửa uy lực nhất, với tầm bắn rộng nhất trên thế giới. “Nó giúp tăng cường đáng kể sức mạnh chiến đấu của lực lượng hạt nhân chiến lược Nga”.
Đây là loại vũ khí chiến lược mà Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố không nước nào có vũ khí tương tự.
Ông Putin chúc mừng quân đội Nga về cuộc thử nghiệm thành công, đồng thời thách thức những đối thủ, theo Reuters.
“Những ai, với giọng điệu hung hăng cố gắng đe dọa đất nước chúng ta, phải suy nghĩ lại", ông Putin nói.
Đầu tháng 4, Mỹ đã hủy kế hoạch thử ICBM để tránh leo thang căng thẳng với Nga. Nước này cũng đã thử tên lửa siêu vượt âm, nhưng giữ im lặng trong hai tuần với lý do tương tự.
Lực lượng tình nguyện Ukraine sử dụng lựu pháo tại Zaporizhzhia, miền Nam Ukraine hôm 28/3. Ảnh: Reuters. |
Trước khả năng nhiều cuộc giao tranh sẽ diễn ra ở miền Đông trong thời gian tới, Mỹ và đồng minh phương Tây đã tăng cường các gói viện trợ với nhiều vũ khí hạng nặng. Ukraine kêu gọi viện trợ tên lửa tầm xa, lựu pháo và máy bay không người lái vũ trang để tăng cường năng lực phòng thủ.
Với trận địa chiến hào được các bên dựng lên trong suốt 8 năm xung đột, những loại vũ khí tầm xa như xe tăng hay pháo hạng nặng sẽ góp phần quyết định cục diện chiến sự, do phần lớn diện tích ở Donbas là địa hình mở, sẽ giúp cho các loại khí tài cơ giới phát huy được khả năng và gặp ít rủi ro hơn so với giao tranh trong các khu dân cư.
Mỹ cho biết sẽ viện trợ thêm 800 triệu USD cho Ukraine, bao gồm pháo hạng nặng. Điều này sẽ đưa ngân sách Mỹ viện trợ cho Kyiv vượt mốc 3 tỷ USD kể từ thời điểm chiến sự bùng phát.
Ngoài ra, các đồng minh của Washington như Canada, Anh, Hà Lan cũng sẽ tăng cường chuyển thêm vũ khí cho Ukraine.