Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Maradona từng bị mafia Napoli phản bội

Được mafia bảo vệ trong thời gian dài, nhưng Diego Maradona bị quay lưng và phản bội vào thời điểm người hâm mộ bóng đá Italy muốn nhấn chìm anh xuống bùn lầy.

Bình luận

Maradona anh 1

Sự xuất hiện của Diego Maradona tại Naples vào tháng 5/1984 tạo ra cơn cuồng nộ chưa từng thấy tại thành phố miền Nam Italy. Nhiều CĐV tuyệt thực, trói mình vào hàng rào của CLB để kêu gọi đội bóng hoàn tất thương vụ đình đám từ Barca.

Trong buổi họp báo ra mắt đội bóng mới tại, Maradona ngồi lọt thỏm giữa căn phòng chừng 50 m vuông dưới SVĐ San Paolo với hàng trăm phóng viên đứng chen chúc nhau, gọn lỏn giữa gần một trăm nghìn CĐV đứng phía trên luôn miệng hét "Diego, Diego"

Anh ngơ ngác, nở nụ cười trước câu hỏi đầu tiên từ cánh phóng viên: "Tôi muốn hỏi Maradona có biết camorra là gì không? Và anh ấy có biết tiền của camorra có ở khắp mọi nơi tại Napoli, ngay cả trong bóng đá?".

Maradona không hiểu. Chủ tịch Corraido Ferlaino giành micro, đáp trả với sự gay gắt: "Tôi xem câu hỏi này là một sự sỉ nhục tới Napoli và sẽ không trả lời. Kiểu phóng viên gì mà đặt câu hỏi này? Với tư cách chủ tịch Napoli, tôi yêu cầu anh đi khỏi đây ngay lập tức.

Maradona anh 2

Maradona tới Napoli trong sự phát điên của các CĐV đội bóng miền Nam Italy. Ảnh: Getty.

Napoli không xứng đáng phải chịu đựng những câu hỏi xúc phạm và ngạo mạn như thế. Chúng tôi đã hy sinh rất nhiều để đưa được Maradona về đây và không có gì liên quan tới camorra cả. Napoli là thành phố lao động. Tội ác chỉ là một phần nhỏ tại đây!".

Tiếng vỗ tay rần rần trong căn phòng sau lời của ông Ferlaino. Maradona vẫn ngơ ngác. Tuy nhiên, camorra rõ ràng khẳng định được ảnh hưởng trong ngày trọng đại bậc nhất lịch sử Napoli, dù không hề xuất hiện.

Bảo vệ

Camorra là tên gọi khác của mafia tại Napoli. Chúng kiểm soát sòng bạc, hộp đêm, mại dâm và kiếm tiền từ cocaine. Giữa thập niên 80 tại Italy, Napoli được coi là thủ phủ của camorra và chịu nhiều thành kiến của những thành phố giàu có tại miền Bắc như Milan, Turin hay Verona.

Sự xuất hiện của Maradona tại Napoli làm dấy lên hoài nghi về việc camorra chi tiền cho thương vụ này. Những khoản nợ chồng chất và phong độ tệ hại trên sân cỏ (chỉ đứng thứ 11 tại Serie A mùa trước) khiến không ai tin Napoli đủ tiền chiêu mộ Maradona.

"Tôi muốn một căn nhà, nhưng họ đưa tôi một căn hộ. Tôi muốn một chiếc Ferrari, và họ trao tôi một chiếc Fiat", Maradona nói về những ngày đầu tiên tại Napoli. "Tất cả đều đi xuống một bậc".

Maradona anh 3

Maradona có mối quan hệ thân thiết với ông trùm băng đảng Carmine Giuliano (áo đỏ).

Maradona nhanh chóng trở thành thần tượng lớn của người dân thành phố miền Nam Italy. Cuộc sống của anh chịu nhiều phiền toái. Maradona không thể đi ra ngoài dù 5 phút vì sẽ có hàng trăm người lao tới để xin chữ ký.

Những liên hệ đầu tiên của Maradona với băng đảng camorra khét tiếng nhất Napoli, nhà Giuliano, bắt đầu xuất hiện.

“Họ đưa tôi lên một chiếc scooter và lái tới Forcella. Bàn ăn được chuẩn bị sẵn. Có một gã ngồi với súng đặt ngay bên cạnh, như trong phim Al Capone vậy. Carmine, ông trùm của nhà Giualino, mở lời: ‘Bất kỳ vấn đề nào của anh giờ cũng sẽ là của tôi’”, Maradona nhớ lại năm 2017.

“Diego bảo camorra muốn thể hiện thiện chí. Tôi thực sự cảm thấy an toàn và yên tâm không ai có thể làm hại đến mình. Chúng tôi được bảo vệ tại Napoli”, vợ cũ Claudia của Maradona hồi tưởng.

Sau cuộc gặp gỡ này, Maradona cùng gia đình sống an toàn tại Napoli. Anh thường xuyên lui tới các hộp đêm ăn chơi nhảy múa. Maradona có thể làm mọi điều anh muốn, thậm chí ngủ với bất kỳ cô gái nào anh thấy hứng thú, từ người mẫu, diễn viên đến ca sĩ trên các show truyền hình. Nhà Giuliano đảm bảo cho tất cả.

Tình bạn giữa Maradona và nhà Giuliano dĩ nhiên không thể thiếu cocaine. Anh đã sử dụng thuốc từ khi còn ở Barcelona, và mọi chuyện trở nên trầm trọng khi nhà Giuliano có thể cho Maradona sử dụng bao nhiêu cocaine tùy thích.

Maradona chơi thuốc từ thứ 2 đến thứ 4, dành 3 ngày sau đó để hồi phục, ra sân thi đấu vào cuối tuần và lặp lại tất cả ở tuần sau. “Chỉ cần hít một hơi, tôi cảm thấy mình như siêu nhân”, Maradona nhớ lại.

Những cuộc kiểm tra xét nghiệm doping bị Maradona qua mặt dễ dàng khi Napoli chuẩn bị sẵn nước tiểu của cầu thủ khác và thay thế.

Ngay cả chuyện có con ngoài giá thú với người mẫu Cristiana Sinagra, bạn của chị ruột Maria, cũng không thể gây phiền toái cho Maradona. Nhà Giuliano đảm bảo bà mẹ đơn thân chỉ có thể lên mặt báo phát biểu vài câu trước khi giữ mồm miệng trong suốt những năm sau đó.

Đổ vỡ

Mối quan hệ giữa Maradona với băng đảng camorra tại Napoli bắt đầu đi xuống năm 1989. Maradona cất giữ nhiều trang sức quý giá, trong đó có Quả bóng Vàng World Cup 1986 tại ngân hàng thành phố Napoli.

Tuy nhiên, một vụ cướp khiến chỗ trang sức không cánh mà bay. Maradona liên hệ với Salvatore Lo Russo, thủ lĩnh một nhóm camorra, để lấy lại đồ đã mất. Mọi chuyện không thành. Lo Russo tìm thấy băng đảng đã lấy trộm đồ, nhưng chỉ có thể xác nhận chỗ trang sức quý giá của Maradona đã bị bán ra chợ đen. Maradona không hài lòng về điều này.

Maradona anh 4

Huy chương Vàng World Cup 1986 của Maradona và danh hiệu Quả bóng Vàng trên đất Mexico bị đánh cắp vào năm 1989. Ảnh: Getty.

Mùa giải 1988/89, Maradona đưa Napoli vô địch UEFA Cup. Anh giành được mọi vinh quang tại đội bóng miền Nam Italy, nhưng dần mệt mỏi với cuộc sống ngột ngạt.

“Tôi không thể đi xem phim, tới nhà hàng hay mua sắm. Sự chú ý quá lớn khiến tôi không thoải mái”, Maradona nhớ lại.

Anh đòi ra đi ngay sau trận chung kết với Stuttgart. Maradona suýt được toại nguyện khi rất gần Marseille trong mùa hè 1989. Tuy nhiên, Chủ tịch Ferlaino vào phút chót đã hủy bỏ thương vụ. “Họ sẽ đưa tôi xuống địa ngục nếu để Maradona ra đi”, ông quả quyết.

Nhà Giuliano không hài lòng khi Maradona định khỏi vòng cong đuôi. Tuy nhiên, chừng nào Maradona còn tỏa sáng, mọi thứ vẫn ổn. Mùa giải 1989/90, Maradona đưa Napoli lần thứ hai vô địch Serie A. Vị thế của anh tại thành phố miền Nam Italy trở nên lớn hơn bất kỳ ai.

Song mọi thứ đi chệch hướng tại World Cup 1990, trên chính đất Italy.

Phản bội

Argentina tham dự World Cup 1990 với vai trò nhà ĐKVĐ. Cú sốc đến ngay ngày khai mạc khi Albiceleste thua Cameroon 0-1. Song với đầu tàu Maradona, Argentina tiến tới bán kết. Đối thủ là chủ nhà Italy. Và như định mệnh, trận đấu diễn ra tại San Paolo, thánh địa của Maradona.

“Tôi đã ở đây đây 6 năm, không thể mong điều gì hơn từ các CĐV Napoli, nhưng tôi sẽ rất vui nếu họ cổ vũ cho Argentina”, Maradona nói trước trận. Thông điệp này của Maradona khiến Italy chia rẽ.

Maradona anh 5

Chiến thắng của Argentina trước Italy tại bán kết World Cup 1990 khiến Maradona bị căm ghét. Ảnh: Getty.

Nhiều CĐV Napoli quay lưng với ĐTQG để cổ vũ cho Argentina. “Maradona đã cho chúng tôi tất cả. Tiến lên Argentina”, một CĐV Napoli hào hứng nói trên sóng truyền hình. Không ít người Napoli nhấn mạnh: “Argentina và Maradona phải thua”.

Trận bán kết diễn ra căng thẳng tột độ. Salvatore Schilacci đưa Italy vươn lên dẫn trước, nhưng bàn thắng của Claudio Caniggia kéo trận đấu vào hiệp phụ và chấm luân lưu. Roberto Donadoni và Aldo Serena sút hỏng. Thủ thành Sergio Goycochea trở thành người hùng, nhưng Maradona mới là cái tên được nói tới nhiều nhất.

Anh đã khơi mào mâu thuẫn giữa chính những người Italy, giữa miền Bắc và miền Nam, giữa Napoli và phần còn lại. John Foot, tác giả cuốn Calcio: A History of Italian Football (Calcio: Một lịch sử bóng đá Italy), nhận định: “Mọi thứ bắt đầu đi chệch hướng với Maradona tại Italy lúc đó. Đó là lúc người ta nói: Như vậy là quá đủ.

Italy quay lưng với Maradona. Lớp áo giáp mà anh ấy từng có, chính thức sụp đổ”.

Maradona mặc áo ĐT Italy xuất hiện trên một chương trình truyền hình sau trận bán kết và quả quyết mình không có ý chia rẽ cả đất nước Italy nhưng vô ích. Tuttosport gọi anh là “quỷ dữ” (diavolo), Epoca gọi anh là “gã khó ưa” (L’Antipatico). La Repubblica mở một cuộc điều tra xem ai là người đáng ghét nhất Italy. Maradona đứng số một, vượt xa những diễn viên và chính trị gia.

Trong trận chung kết World Cup 1990, quốc ca Argentina vang lên trong những tiếng la ó của CĐV Italy có mặt trên khán đài. “Lũ khốn”, Maradona nói ra thành tiếng. Argentina của Maradona thất bại trước Đức. Maradona bật khóc. Có lẽ anh không biết thời gian tại Italy của mình sắp đi đến hồi kết.

Sau khi World Cup 1990 hạ màn, những cuộc điều tra đồng loạt ngắm vào Maradona. Hàng loạt cuộc điện thoại ghi âm yêu cầu mua cocaine của “Cậu bé vàng” bỗng lọt vào tay cảnh sát không rõ lý do.

Ngày 14/2/1991, cảnh sát Napoli công bố Maradona bị điều tra vì tội tàng trữ và vận chuyển cocaine. Anh đối mặt án tù 20 năm. Nhà Giuliano lúc này đối diện cuộc điều tra do thân thiết với Maradona. Dần cảm thấy sức ép, Carmine và đàn em phản bội Maradona, lui vào bóng tối, mặc kệ “Cậu bé vàng” bị nhấn chìm.

Ngày 17/3/1991, sau trận đấu Napoli đánh bại Bari 1-0 trên sân nhà, Maradona bị gọi đi thử doping, ngoài ra còn có Gianfranco Zola và Florin Raducioiu. Sáng hôm sau, báo chí Italy loan tin Diego bị cấm thi đấu 15 tháng. Anh bị trục xuất khỏi Italy và cấm được nhập cảnh trong một năm rưỡi.

“Khi tôi tới Napoli, 85.000 người đã chào đón. Khi tôi rời đi, không có bất kỳ ai”, Maradona nhớ lại.

Tổng thống Argentina đặt áo số 10 lên quan tài của Maradona Trưa 26/11 (giờ Buenos Aires), Tổng thống Alberto Fernandez cùng Đệ nhất phu nhân Fabiola Yanez đã tới dự lễ viếng Diego Maradona và chia buồn với người thân của "Cậu bé vàng".

Bản trinh sát hoàn hảo về Maradona tuổi 17

Khi mới chỉ là cầu thủ trẻ chơi bóng cho Argentinos Juniors, Maradona đã nhận được đánh giá hoàn hảo từ một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất lịch sử Argentina.

Diego Maradona - trái tim Argentina và tâm hồn Napoli

Với thế giới, Diego Maradona là biểu tượng của bóng đá Argentina, từ đỉnh cao, vực sâu đến những bê bối. Với Argentina và Napoli, Maradona là cả thế giới.

6 biệt danh nổi tiếng của Maradona

Diego Maradona sinh thời được gọi với nhiều biệt danh khác nhau, từ nhỏ nhắn mang ý nghĩa mô tả ngoại hình đến vĩ đại ám chỉ tầm ảnh hưởng có một không hai.

Việt Nhật

Bạn có thể quan tâm