Theo Input Mag, tài khoản có tên @livefromukraine trên Instagram liên tục đăng tải các video cũng như nội dung liên quan đến tình hình tại Ukraine. Trước khi bị xóa, tài khoản này đã có tới hơn 3,7 triệu người theo dõi.
Tương tự, một tài khoản giả mạo khác có tên @POVwarfare cũng đưa các nội dung liên quan đến cuộc tấn công của Nga. Trong phần giới thiệu của cả 2 tài khoản này, họ đều nhận mình là các nhà báo ở Ukraine và chuyên đưa tin hiện trường.
Hiện tại, các tài khoản này được gọi chung là “trang chiến tranh” trên Instagram. Họ chuyên thu thập các cảnh quay và video về chiến trường gây sốc, mô tả cảnh bạo lực và đăng lại chúng trên Instagram. Tất nhiên, mục đích chính của các tài khoản này là nhằm tận dụng xung đột để thu hút người theo dõi.
Không phải nhà báo tại Ukraine
Theo tìm hiểu của Input, @livefromukraine và @POVwarfare thực chất được quản lý bởi một thanh niên đến từ Mỹ, người chuyên tổng hợp các nội dung trên mạng xã hội. Trong cuộc trả lời phỏng vấn, người này tự xưng là Hayden và cho biết anh ta chỉ đang dùng các kỹ năng của mình để thu hút người theo dõi.
Nhiều tài khoản chỉ cóp nhặt thông tin trên mạng, nhưng tự nhận mình sống ở Ukraine để thu hút người theo dõi. Ảnh: MH. |
Hayden, một thanh niên 21 tuổi đến từ Kentucky, nói rằng sau khi biết về các cuộc chiến bùng nổ qua tài khoản @Rap trên Instagram, anh đã nhìn thấy một cơ hội. Trước đó, Hayden từng quản lý một tài khoản chuyên đưa tin chiến tranh nổi tiếng có tên @liveinafghanistan.
Trước khi đổi tên thành @livefromukraine, anh này đã chỉnh sửa tài khoản thành @newstruths và đăng các video xoay quanh việc trộm cắp cũng như các clip về Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm câu view.
Tài khoản @livefromukraine chuyên đưa các nội dung chưa được kiểm chứng. |
“Tôi thực sự không biết chuyện gì đang xảy ra, thậm chí cả những vấn đề liên quan đến tình hình chính trị căng thẳng. Tôi chỉ đang cố gắng ghi lại những gì đang hiện hữu”, Hayden nói với Input. Anh cũng cho biết mình không thể xác minh video đó có phải sự thật không và chỉ kiểm tra bằng cách xem bình luận của người dùng.
Hiện tại, những người theo dõi nhận xét rằng có 1 video Hayden đăng không phải diễn ra ở Ukraine và đã xuất hiện khá lâu. Tuy nhiên, nó vẫn chưa bị gỡ xuống. “Không ai biết chuyện gì thực sự đang xảy ra. Họ chỉ tin vào bất cứ thứ gì hiện ra trước mắt họ. Tôi đang đưa ra những gì tôi tin là chính xác và họ có thể đưa ý kiến tùy thích”, Hayden cho biết thêm.
Ngoài ra, @livefromukraine và các trang tin tức thất thiệt khác được đặt ở chế độ riêng tư, nên người dùng sẽ phải yêu cầu quyền theo dõi. Đây là một chiến thuật nổi tiếng để thúc đẩy sự phát triển của các trang meme.
“Những trang như vậy thường đợi một vài ngày để gom tất cả những người yêu cầu theo dõi. Khi các bài đăng hoặc chủ đề lắng xuống, họ sẽ chấp nhận yêu cầu. Khi đó, đa số người dùng sẽ quên lý do họ yêu cầu theo dõi tài khoản”, Rowan Winch, người cũng sở hữu tài khoản meme trên Instagram, cho biết.
Khi tài khoản đã tích lũy đủ người theo dõi, nó có thể được chuyển thành một trang không liên quan như thương hiệu để kinh doanh.
Lo sợ thông tin sai lệch
Theo bà Joan Donovan, Giám đốc Trung tâm Truyền thông, Chính trị và Chính sách công thuộc Đại học Harvard, các tài khoản đưa nội dung tình hình như @livefromukraine hoàn toàn không đủ tin cậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng khó phủ nhận ngay lập tức các tài khoản này.
Tôi đưa lên những gì tôi tin là đúng, ai nghĩ gì tùy họ
Hayden, người sở hữu tài khoản giả làm phóng viên chiến trường tại Ukraine
“Mọi người sẽ tìm kiếm nội dung bằng các thẻ (hashtag) và mong đợi tìm ra thứ mình cần. Tuy nhiên, một điều họ không ngờ tới là những thông tin sai lệch và chưa được xác minh”, Joan Donovan cho biết.
Những tài khoản này đang càng càng nhiều hơn, và chúng cũng khá đáng tin cậy đối với người dùng phổ thông. “Chúng ta nhìn thấy một tài khoản như thế này và nghĩ rằng nó đang đưa thông tin chính thống chỉ vì lượng người theo dõi lớn”, Joan Donovan nói thêm.
Trong khi đó, Hayden khẳng định anh đưa nội dung trên tài khoản @livefromukraine không phải vì tiền và quảng cáo. Anh cho rằng mình chỉ muốn giúp đỡ mọi người và kiếm đủ người theo dõi. Tuy nhiên, một số tài khoản khác được liên kết với @livefromukraine lại đang quảng cáo cho các sản phẩm theo chủ đề quân sự như một móc khóa hình khẩu súng. Điều này dường như đi ngược lại lời nói của Hayden.
Nhiều tài khoản đăng nội dung về Ukraine để thu hút người theo dõi. Ảnh: Input. |
Jackson Weimer, một người tạo meme trên Instagram, nói rằng những tài khoản thất thiệt này mới chỉ là sự khởi đầu của trào lưu “tài khoản chiến tranh” trên Instagram. “Chiến tranh chỉ là một công cụ mà các tài khoản meme này có thể tận dụng để kiếm tiền”, Weimer cho biết.
Vào ngày 25/2, Instagram đã gỡ bỏ @livefromukraine, @povwarfare và các tài khoản liên quan khác vì vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
“Chúng tôi đã xóa một loạt tài khoản Instagram thu hút nhiều người theo dõi nhưng có chiều hướng đưa thông tin lệch lạc. Hoạt động này vi phạm các chính sách của chúng tôi và Instagram sẽ tiếp tục hành động để gỡ bỏ các tài khoản đưa nội dung thất thiệt”, đại diện của Instagram nói với Input.