Vốn là một kẻ bỏ dở trường đào tạo nghề tại tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, Đinh Ninh làm việc cho cửa hàng của gia đình. Vào khoảng năm 2000, người này nhận khá nhiều đơn đặt hàng lớn nhờ tận dụng mạng Internet, báo South China Morning Post đưa tin.
Giới truyền thông địa phương cho hay Đinh không có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính hay ngân hàng. Người đàn ông 34 tuổi này thành công với việc sản xuất chiếc mở nắp chai. Nhưng lợi nhuận cận biên giảm nhanh do chi phí tăng và sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ. Vì thế Đinh bắt đầu tham gia hoạt động tín dụng đen, đồng thời thành lập một công ty tài chính nhỏ và gọi nó là An Huy Vũ Thành.
Đinh Ninh, Zhang Min và Yong Lei - 3 nhân vật chủ chốt trong công ty tài chính Ezubao. Ảnh: SCMP |
Kẻ khởi xướng Ezubao
Sự phổ biến của những sản phẩm tài chính trên mạng ở Trung Quốc khiến Đinh nghĩ tới việc huy động vốn cá nhân vào những hoạt động kinh tế. Vài tháng sau, vào tháng 7/2014, người này thành lập công ty tài chính Ezubao.
Khi nhiều người gửi tiền vào Ezubao, Đinh trấn an các nhà đầu tư rằng công ty sẽ quản lý và sử dụng tiền của họ một cách hiệu quả.
Đinh tham dự các sự kiện trước công chúng, đọc những bài phát biểu về đổi mới và thậm chí còn trả lời một trang tin thuộc sở hữu nhà nước hồi tháng 7 năm ngoái để nói về cách thức mà công ty thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Đinh muốn các nhà đầu tư cảm thấy mình là một người siêu giàu. Hắn yêu cầu mọi nhân viên mua trang phục và đồ trang sức sang trọng để "thể hiện hình ảnh tích cực của công ty", theo Tân Hoa Xã. Thậm chí hắn từng một lần "vét" hết sản phẩm trong cửa hàng của một nhãn hiệu cao cấp.
Đinh cố gắng biến giám đốc điều hành của mình, một phụ nữ trẻ có tên Zhang Min, thành biểu tượng của Ezubao. Tân Hoa Xã cho hay, Đinh tặng Zhang nhiều món quà hậu hĩnh - bao gồm một biệt thự ở Singapore trị giá 130 triệu Nhân dân tệ (khoảng 20 triệu USD), một nhẫn kim cương trị giá 12 triệu tệ (1,8 triệu USD) và khoản tiền mặt 550 triệu Nhân dân tệ (83 triệu USD).
Cảnh sát đã bắt Đinh để điều tra hàng loạt tội danh, gồm huy động tiền của người dân bất hợp pháp, lập quỹ đầu tư trái phép bằng hành vi lừa đảo, sở hữu súng trái phép.
Có 7,6 tỷ USD trong một năm rưỡi
Mặc dù quy mô lừa đảo của Ezubao nhỏ hơn so với vụ Bernie Madoff ở Mỹ, Đinh vẫn huy động hơn 50 tỷ Nhân dân tệ (7,6 tỷ USD) từ hơn 900.000 người chỉ trong một năm rưỡi.
Đầu tư tài chính trên mạng trở nên phổ biến tại Trung Quốc trong vài năm qua do hàng trăm triệu người nhận ra rằng họ có thể kiếm khoản tiền lãi cao nhờ vài thao tác trên điện thoại di động.
Nhiều chương trình đầu tư xuất hiện để tận dụng trào lưu đầu tư. Alibaba và Tencent, hai tập đoàn lớn của Trung Quốc, đang dẫn đầu xu hướng với những chương trình quản lý đầu tư.
Phần lớn sản phẩm đầu tư tài chính thực sự là cầu nối giữa những người muốn kinh doanh và những người có tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, đa số công chúng không có thông tin và kiến thức để phân biệt những sản phẩm thực sự tốt và những sản phẩm tồi. Thông thường các nhà đầu tư tiềm năng chọn những chương trình có mức lãi cao nhất.
Ezubao đưa ra mức lãi suất thường niên từ 9 tới 14,6%, cao hơn rất nhiều so với lãi tiết kiệm ngân hàng. Công ty cũng không đặt ra mức trần và mức sàn đối với các khoản đầu tư. Vì thế những người chỉ có 1 Nhân dân tệ cũng có thể góp vốn.
Để có thể huy động tiền dễ dàng, Đinh áp dụng nhiều xảo thuật để chiếm lòng tin và sự chú ý của công chúng. Hắn chi ít nhất 150 triệu tệ (22,8 triệu USD) để quảng cáo trên đài truyền hình. Người dân có thể thấy hình ảnh Ezubao trên hầu hết kênh truyền hình ở Trung Quốc, bao gồm cả đài truyền hình trung ương.
Do dư luận Trung Quốc coi đài truyền hình trung ương là cơ quan phát ngôn của chính phủ, nhiều người nghĩ chính phủ tán thành những chương trình quảng cáo của Ezubao.
Ngày tàn của đế chế lừa đảo
Cảnh sát bắt đầu điều tra Ezubao vào tháng 12 năm ngoái sau khi họ thấy hoạt động đầu tư của công ty không bền vững.
Nhưng vụ án là thách thức lớn đối với họ, bởi các nhà điều tra đối mặt với mạng lưới gồm ít nhất 200 máy chủ cùng vô số địa điểm và đối tượng liên quan tới Ezubao.
Một video trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc cho thấy cảnh sát áp giải Đinh Ninh và tịch thu nhiều vali chứa tiền khi khám xét trụ sở công ty Ezubao. Ảnh: CCTV |
Để giấu bằng chứng, các nhà quản lý của Ezubao đã nhét hơn 1.200 sổ kế toán vào 80 túi nilon rồi chôn chúng xuống đất ở độ sâu 6 m tại ngoại ô thành phố An Huy. Cảnh sát phải huy động hai máy xúc để đào những túi nilon trong hơn 20 giờ.
Các nhà điều tra cùng chuyên viên của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (tương đương ngân hàng trung ương) và các quan chức ngân hàng vẫn lần theo dòng tiền của Ezubao.
Bộ Công an sẽ sớm lập một trang web để những nạn nhân của Ezubao đăng ký thông tin.
Nhà chức trách bắt ít nhất 21 người liên quan tới vụ lừa đảo. Họ cũng kêu gọi những người liên quan tới hành vi lừa đảo của Đinh trình diện công an.
Vì sao Ezubao có thể hoạt động ngang nhiên?
Lòng tham và sự dốt nát của con người luôn là yếu tố giúp những tên lừa đảo thành công. Nhưng Ezubao cũng cho thấy lỗ hổng pháp lý trong lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc.
Bộ máy quản lý của Ezubao dùng tới 95% tiền mà chúng thu từ những nhà đầu tư mới để trả nợ cũ, Tân Hoa Xã dẫn lời Yong Lei, giám đốc quản lý rủi ro của công ty, cho biết.
Trung Quốc có 3 cơ quan quản lý chứng khoán, ngân hàng và bảo hiểm. Nhưng không cơ quan nào trong số đó có đủ công cụ pháp lý để giám sát hoạt động tài chính trên mạng đang bùng nổ.
Chỉ trong một năm rưỡi, Ezubao đã huy động vốn từ khoảng 900.000 người trên khắp đất nước rồi dùng tiền của các nạn nhân để đầu tư cho lối sống xa hoa của đội ngũ nhân viên và các dự án hoành tráng.
Theo một số bài trên tạp chí tài chính Caixin, Ezubao dùng một số khoản đầu tư để thành lập một ngân hàng ở miền Bắc Myanmar.
Phản ứng của chính quyền
Sự sụp đổ của Ezubao cũng như một số công ty tài chính lừa đảo khác, cùng với những cuộc biểu tình của các nạn nhân, đã khiến Bắc Kinh trở nên cảnh giác hơn trước nguy cơ từ những mô hình đầu tư không bền vững.
Hàng trăm nạn nhân của Ezubao biểu tình tại thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Ảnh: SCMP |
Hồi tháng 7 năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cùng 9 bộ đã ban hành hướng dẫn về đầu tư tài chính trên mạng.
Ủy ban Chính pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan phụ trách hệ thống tòa án và cảnh sát, cũng cam kết rằng họ sẽ thực hiện một chiến dịch trấn áp trên cả nước để xử lý các hành vi tài chính bất hợp pháp trên mạng.