Theo China Daily, giới giải trí Trung Quốc lần nữa chấn động vì bê bối trốn thuế của Đặng Luân. Nam nghệ sĩ bị Cục thuế Thượng Hải kết tội trốn và nộp thiếu gần 10 triệu USD tiền thuế. Trên Weibo, Đặng Luân cho biết anh cảm thấy "tội lỗi" và cam kết nộp phạt đầy đủ số tiền 16,6 triệu USD.
Đại diện của Cục thuế Thượng Hải cho biết án phạt của Đặng Luân hay Vi Á được coi là lời cảnh báo với giới nghệ sĩ xứ tỷ dân về thủ đoạn làm giàu bất chính.
Chiêu "làm giàu" của sao Hoa ngữ
Theo China Daily, giới nghệ sĩ Trung Quốc thu về hàng chục triệu USD hàng năm. Để bảo toàn công sức, họ có vô số phương thức tinh vi che giấu thu nhập cá nhân, luồn lách thuế quan. Như Phạm Băng Băng hay Trịnh Sảng sử dụng "hợp đồng âm dương" để che đậy mức thu nhập khổng lồ đến từ dự án nghệ thuật.
Trong khi, Đặng Luân hay Vi Á trốn tránh nghĩa vụ nộp đủ thuế bằng cách thành lập hàng loạt doanh nghiệp hư cấu để chuyển đổi bản chất thu nhập từ mức thuế cao sang phạm vi hợp đồng kinh doanh không đánh thuế hoặc bị áp thuế thấp hơn 30% mức quy định.
Vi Á và Đặng Luân bị cấm hoạt động nghệ thuật sau bê bối trốn thuế. Ảnh: Sina. |
Nguồn tin trong ngành giải trí chia sẻ với China Daily, chiêu thức gian lận thuế quan của Đặng Luân hay Vi Á được nhiều nghệ sĩ có thu nhập cao áp dụng những năm qua. Phương thức tránh thuế này khó phát hiện và truy vết sai phạm nếu chỉ dựa trên một vài chứng từ do nguồn thu nhập của nghệ sĩ bị chuyển đổi vòng vèo, qua nhiều trung gian trong thời gian ngắn.
Cuộc điều tra của cơ quan thuế Hàng Châu cho thấy Vi Á mở công ty độc quyền để tận dụng mức thuế thấp hơn 5%, một chiến lược tránh thuế phổ biến trong ngành giải trí Trung Quốc.
Điển hình ở khu vực đảo Sùng Minh (Thượng Hải), Vi Á đăng ký thành lập 8 văn phòng đại diện. Tuy nhiên, các công ty của ngôi sao livestream chỉ nằm trên giấy tờ, thực tế không tồn tại bất kỳ hoạt động kinh doanh nào ở Sùng Minh.
Đáng nói Vi Á có hàng trăm công ty chuyên về livestream bán hàng trên khắp Trung Quốc. Chỉ trong vòng 2 năm (2019 và 2020), bằng thủ đoạn thành lập doanh nghiệp vỏ bọc, số tiền trốn thuế của Vi Á là 703 triệu NDT (110 triệu USD), cao hơn Đặng Luân gấp 10 lần.
Với Đặng Luân, nam diễn viên đã chuyển đổi thu nhập dựa vào việc tận dụng tối đa mối quan hệ cá nhân và chính sách ưu đãi thuế của chính phủ. Theo điều tra của China Daily, giai đoạn 2019-2020, showbiz Hoa ngữ hình thành trào lưu "dựa người nhà, nhờ người quen, mở công ty cho cha, lập doanh nghiệp cho mẹ".
Nói dễ hiểu thay vì nhận tiền thù lao trực tiếp từ đối tác sau khi ký hợp đồng, nghệ sĩ sẽ tìm bên thứ 3 hỗ trợ giao dịch bất hợp pháp về thu nhập. Họ sẽ lợi dụng danh tính người quen thành lập một doanh nghiệp độc quyền ở địa phương hưởng ưu đãi thuế. Với cách thức này, giới sao Trung Quốc chỉ phải đóng 9,5% thuế thu nhập, thay vì mức 40-45% theo quy định. Sau khi để doanh nghiệp tồn tại một năm, nghệ sĩ sẽ âm thầm thu dọn tàn cuộc.
Theo China Daily, thủ thuật trên giúp giới nghệ sĩ tiết kiệm hơn 3 triệu NDT (470.000 USD) tiền thuế/hợp đồng có mức thù lao 10 triệu NDT (1,5 triệu USD).
Mạng lưới gian lận ngày càng phức tạp
Theo Tân Hoa Xã, dịch vụ thiết lập kế hoạch tiết kiệm thuế "hợp lý" cho người nổi tiếng nở rộ khoảng 6 năm trở lại đây. Đường dây này hoạt động sôi nổi hơn khi cơ quan quản lý siết chặt thù lao với giới nghệ sĩ từ năm 2018, và sự bùng nổ của xu thế livestream bán hàng vào năm 2020.
Chênh lệch thuế suất 5% giữa con số 40% của thuế thu nhập cá nhân và 35% của thuế thu nhập doanh nghiệp đủ để nghệ sĩ tiết kiệm được số tiền không nhỏ trong bối cảnh thù lao bị hạn chế.
Không chỉ vậy, việc không thể thống kê chính xác số liệu từ hoạt động bán hàng trực tuyến, còn khiến không ít người nổi tiếng nảy sinh lòng tham giữ thêm tiền hoa hồng trong tổng doanh thu hàng tỷ NDT tiền bán hàng.
Từ đó, các công ty chuyên tư vấn và hỗ trợ nghệ sĩ "qua mắt" cơ quan thuế bằng nhiều giao dịch chuyển đổi tiền bất hợp pháp, dần mọc lên ở Trung Quốc. Theo thời gian, một hệ sinh thái tội phạm gian lận thuế đã được hình thành trong showbiz Hoa ngữ.
Vi Á là ngôi sao đầu tiên bị "trảm" sau khi cơ quan thuế sử dụng công nghệ cao vào quá trình rà soát thuế trong showbiz. |
Liên hệ với một công ty chuyên về dịch vụ "giảm thuế", phóng viên Tân Hoa Xã được thông tin mất khoảng 2 tuần để mở một công ty hay xưởng phim trong ngành giải trí. Để sử dụng dịch vụ này nghệ sĩ chỉ cần cung cấp bản sao chứng minh thư, đơn xin phép thành lập doanh nghiệp và số tiền 60.000 NDT (9.400 USD).
Sau khi công ty được thành lập, họ sẽ lên phương án làm giả các giao dịch nhằm tạo ra sự luân chuyển dòng tiền ở mức trên dưới 12,5 triệu USD trong suốt một năm để tránh con mắt nhòm ngó của cơ quan chức năng.
Theo Sina, các doanh nghiệp thành lập dưới dạng này nếu không may bị thanh tra, nghệ sĩ cũng không chịu liên đới do không đứng tên giấy tờ kinh doanh. Hơn nữa, việc giải tán công ty cũng dễ dàng, chỉ cần nộp đơn hủy bỏ kinh doanh là có thể hoàn toàn xóa sổ thông tin một cách "thần không biết, quỷ không hay".
Trên China Daily, một công ty môi giới "giảm thuế" cho biết họ từng sử dụng thủ thuật giúp một nghệ sĩ nhận thù lao 4 triệu NDT (gần 630.000 USD), chỉ cần đóng 59.000 USD tiền thuế, thay vì 251.000 USD như luật định.
Trên Nhân Dân Nhật báo, đại diện Cục thuế Thượng Hải cho biết sai phạm thuế của Đặng Luân hay Vi Á chỉ được phát hiện sau khi họ sử dụng ứng dụng big data thống kê và phân tích trong 200 triệu phần dữ liệu thuế. Điều này cho thấy mánh khóe gian lận tinh vi và phức tạp của giới nghệ sĩ Hoa ngữ.
Theo báo cáo của Tổng cục thuế Trung Quốc, sau khi chiến dịch rà soát người nổi tiếng trốn thuế bắt đầu từ tháng 10/2018, số tiền thuế giới nghệ thuật nộp trả là hơn 11,747 tỷ NDT chỉ trong vòng 2 tháng. Con số này nhiều hơn tổng lợi nhuận ròng của 20 công ty điện ảnh và truyền hình Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán trước năm 2017.